Rộng cửa đầu tư vào doanh nghiệp “đại gia”

Cổ phần hóa những doanh nghiệp lớn như MobiFone, Vietnam Airlines, Vinatex... sẽ mở ra cơ hội làm ăn rất lớn cho nhà đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài.

Làn sóng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (DN) (M&A) tại Việt Nam hiện nay đang phụ thuộc rất nhiều vào sự thành công của tiến trình cổ phần hóa hàng loạt DN nhà nước (DNNN). Đây là lời khẳng định của nhiều chuyên gia tại diễn đàn M&A do báo Đầu Tư tổ chức ngày 7-8.

Mở cửa các “ông lớn”

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng tiềm năng M&A còn rất lớn. Tuy nhiên, hoạt động M&A từ đầu năm đến nay lại có chiều hướng suy giảm. theo ông John Ditty, Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán và tư vấn KPMG Việt Nam và Campuchia, làn sóng M&A sẽ sôi động vào năm 2015.

Động lực cho M&A nhờ vào việc Chính phủ đã thông qua chương trình cổ phần hóa hơn 400 DNNN có quy mô lớn từ nay đến năm 2015 với những chính sách để khuyến khích, hỗ trợ cho quá trình cổ phần hóa. Đồng thời nhắc nhở các nhà quản lý DNNN về trách nhiệm hoàn thành đúng hạn trong năm 2014-2015. Nhà nước sẽ chuyển công tác, buộc thôi chức vụ với những cán bộ “rề rà” trong khâu cổ phần hóa.

Rộng cửa đầu tư vào doanh nghiệp “đại gia” - 1

Vietnam Airlines là một trong số DNNN chuẩn bị cổ phần hóa đã lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Ảnh: HTD

Làn sóng M&A hiện nay vẫn tập trung mạnh mẽ vào lĩnh vực tài chính. Bên cạnh đó còn có hàng tiêu dùng nhanh, bảo hiểm, viễn thông. ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Vina Capital, nhận định tương lai Chính phủ sẽ “rao bán” cổ phần một số DNNN lớn nhất và hấp dẫn nhất. Thậm chí một số lĩnh vực trước đây vốn bị cấm, bao gồm quản lý cảng hàng không, cảng biển, sản xuất thuốc lá, truyền hình thì nay cũng “mỉm cười mở cửa” chào đón nhà đầu tư.

“Hiện một số DNNN chuẩn bị cổ phần hóa đã lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư trong nước và quốc tế như Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, MobiFone, Vietnam Airlines, Vinatex, Vina Cement. Đây là những công ty lớn sẽ đem lại nhiều thú vị cho làn sóng M&A” - ông Andy Ho nói.

Bỏ chuyện “trước sau bất nhất”

Về thách thức của hoạt động M&A, ông John Ditty cho rằng Chính phủ cần thúc đẩy việc thực hiện các chính sách đã công bố.

Nói về quan hệ giữa người bán-kẻ mua, ông John Ditty lưu ý những yếu kém trong quản trị DN, tính minh bạch, sự trung thực cần phải được xử lý; hạn chế các thông lệ không phù hợp và trái đạo đức; hệ thống xác định giá trong M&A phải hợp lý. Các bên bán cần có sự chuẩn bị tốt và hiểu rõ nhu cầu của các bên mua tiềm năng nhằm đảm bảo một quy trình giao dịch hiệu quả.

“Thông tin phía Việt Nam cung cấp trước sau thường không đồng nhất, có sự thay đổi. Trong khi ở Nhật, sự thay đổi dường như là không có. Vậy các DN Việt Nam nên cung cấp cho nhà đầu tư Nhật thông tin chính xác nhất. Phải luôn nhớ rằng giá cả không phải là tất cả, mà sự thịnh vượng lâu dài cho tất cả bên liên quan mới là quan trọng” - ông Masataka - Giám đốc điều hành Recof (công ty tư vấn mua bán-sáp nhập của Nhật) nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đình Hoàng, Tổng Giám đốc Chứng khoán Bảo Việt, cũng kiến nghị DN nên công khai thông tin để nhà đầu tư có thể tiếp cận thông tin dễ dàng và chính xác nhất. Nên chăng có cơ chế linh hoạt cho nhà đầu tư về giá bán. Có như vậy làn sóng thứ hai M&A sẽ thực sự sôi động trong thời gian tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Trang (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN