Hốt bạc nhờ kinh doanh công nghệ vũ khí

Người ta ước tính hàng năm hơn 1.500 tỷ USD được chi tiêu cho các chi phí quân sự trên toàn thế giới, chiếm 2,7% GDP toàn cầu. Công nghiệp vũ khí từ nhiều năm nay luôn là ngành kinh doanh hốt bạc.

Bất chấp các cuộc khủng hoảng về tài chính, kinh tế, nợ công, suy thoái..., chi tiêu quân sự vẫn gia tăng liên tục với mức tăng bình quân hàng năm 4,5% trong thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ mới.

Chi tiêu 1.740 tỷ USD

Các số liệu mới nhất cho biết ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu gia tăng liên tục trong giai đoạn 1998-2010. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), tổng chi tiêu quân sự thế giới trong năm 2011 tăng tiếp 0,3%, đạt tới 1.740 tỷ USD.

Năm 2011 cũng ghi nhận sự thay đổi trong các quốc gia chi tiêu quân sự hàng đầu là Brazil, Pháp, Đức, Ấn Độ, Anh và Hoa Kỳ, đã cắt giảm ngân sách quân sự như là một phần của nỗ lực giảm thâm hụt.

Trong khi đó, các nước khác, đặc biệt Trung Quốc và Nga lại gia tăng chi tiêu quốc phòng. Hoa Kỳ - quốc gia có ngân sách dành cho quốc phòng số một thế giới - đã giảm 1,2% chi tiêu quân sự tính theo giá trị thực (tức 8,7 tỷ USD nếu tính theo thời giá 2010).

Trong lúc đó, 3 quốc gia chi tiêu quân sự hàng đầu ở Tây Âu gồm Pháp, Đức và Anh cũng bắt đầu giảm như một phần của các biện pháp thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh khủng hoảng nợ công khu vực đồng EUR. Theo đó Pháp đã giảm 4% từ năm 2008, Đức và Anh tuy giảm ít hơn (lần lượt là 1,4% và 0,6%) nhưng đều có kế hoạch cắt giảm thêm trong những năm tới.

Ngược lại, năm 2011 đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ của Nga trong chi tiêu quân sự, tăng 9,3% đạt tổng cộng 71,9 tỷ USD, vượt qua Anh và Pháp trở thành nước chi tiêu quân sự lớn thứ 3 thế giới sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Nga cũng lên kế hoạch gia tăng chi tiêu quân sự nhiều hơn nữa, đặc biệt là về trang thiết bị, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), hỗ trợ cho ngành công nghiệp vũ khí và dịch vụ quân sự giai đoạn 2011-2020, với mục tiêu nổi bật là thay thế phần lớn thiết bị quân sự chủ yếu từ thời Liên Xô bằng vũ khí hiện đại.

Trong năm 2011, tổng chi tiêu quân sự của châu Á tăng 2,4%, lên 294 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm 30%, tiếp theo là Nhật Bản 20% và Ấn Độ 11%. Các nước này cùng với Hàn Quốc và Australia chiếm 80% tổng ngân sách quốc phòng của châu Á và châu Đại Dương.

Bắc Kinh đã tuyên bố tăng 11,2% ngân sách quốc phòng trong năm 2012 lên 106,7 tỷ USD, nhưng theo dự đoán của nhà tư vấn quốc phòng toàn cầu IHS Jane, đến năm 2015 ngân sách quốc phòng Trung Quốc sẽ tăng hơn gấp đôi so với năm 2011 lên mức xấp xỉ 240 tỷ USD, tức tăng bình quân 19%/năm. Theo IHS, vào năm 2015, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng gấp 4 lần Nhật Bản.

Trong khi đó, chi phí quân sự của khu vực châu Phi tăng 8,6%, phần lớn do sự nhảy vọt chi tiêu 44% (2,5 tỷ USD) từ Algeria vì những lo ngại xung đột ở Libya. Trung Đông là khu vực duy nhất có sự gia tăng rõ rệt.

Ở Mỹ Latin chi tiêu quân sự giảm 3,3% trong năm 2011, chủ yếu do Brazil cắt giảm ngân sách quân sự 8,2% (2,8 tỷ USD) nhằm làm nguội nền kinh tế và giảm lạm phát.

Hốt bạc nhờ kinh doanh công nghệ vũ khí - 1

Kinh doanh vũ khí vẫn phát đạt bất chấp khủng hoảng kinh tế

Kinh doanh vũ khí phát đạt

Chi tiêu quân sự tăng kéo theo người bạn đồng hành kinh doanh vũ khí đi lên. Doanh thu buôn bán vũ khí và các dịch vụ quân sự của 100 tập đoàn vũ khí lớn nhất đã đạt tới 411,1 tỷ USD trong năm 2010 và doanh thu tính theo giá trị thực đã tăng vọt 60% trong giai đoạn 2002-2010.

Các tập đoàn quân sự Bắc Mỹ và Tây Âu lại một lần nữa thống trị danh sách, trong đó, 44 công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ chiếm hơn 60% doanh thu và 30 công ty có trụ sở tại Tây Âu chiếm hơn 29%. Qua top 100, có thể thấy sự tập trung hóa cao độ trong ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu, với 56% tổng doanh thu (230 tỷ USD) nằm trong tay 10 tập đoàn lớn nhất.

Những gã khổng lồ ngành công nghiệp vũ khí đã chứng tỏ khả năng xoay xở bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính đang ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp khác. Thí dụ, Tập đoàn Oshkosh đã tăng 156% doanh số bán vũ khí trong năm 2010 sau khi giành được hợp đồng M-ATV.

Dữ liệu năm 2010 cũng cho thấy sự gia tăng trong doanh số các dịch vụ quân sự bao gồm hệ thống hỗ trợ, đào tạo, hậu cần, bảo trì, sửa chữa, đại tu. 20 tập đoàn trong top 100 được xếp vào nhóm cung cấp dịch vụ quân sự với tổng doanh số tăng từ 22,3 tỷ USD năm 2002 lên 55 tỷ USD năm 2010, tức tăng 147% tính theo giá trị thực.

Một số lượng lớn các tập đoàn khác trong top 100 tuy không xếp vào nhóm chuyên ngành nhưng cũng đã tạo ra doanh thu đáng kể từ các dịch vụ quân sự. Thí dụ, 48% tổng doanh thu năm 2010 của BAE Systems (15,8 tỷ USD) đến từ thị trường dịch vụ quân sự. Việc mở rộng và củng cố ngành công nghiệp vũ khí đã tăng cường hơn nữa vị trí của top 100.

Đáng chú ý, doanh thu tối thiểu để được vào top 100 đã tăng đáng kể, từ 280 triệu USD năm 2002 lên 640 triệu USD năm 2010. Thôn tính đã trở thành một trong những chiến lược kinh doanh quan trọng để ổn định và mở rộng sản xuất vũ khí và các dịch vụ hoạt động quân sự.

2 trường hợp sự gia tăng doanh số bán hàng trong top 100 đã minh họa chiến lược này, bao gồm Triumph Group và Babcock International. Triumph Group đã tăng doanh số bán hàng 125%, đạt 1,1 tỷ USD và lọt vào top 100 lần đầu tiên sau khi họ mua Vought Aircraft. Babcock International tăng doanh thu dịch vụ quân sự 40% nhờ vào các hợp đồng có được từ việc thôn tính VT Group.

Còn tiếp

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Trúc - Văn Cường ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN