Doanh nghiệp trong cuộc chiến sinh tồn

Tác động của khủng hoảng kinh tế đang buộc DN phải thu hẹp hoạt động, giải thể, phá sản, cổ đông lớn mất quyền kiểm soát Cty, giá trị cổ phiếu được giao dịch dưới giá trị thực, vì nhà đầu tư không còn nhiều tiền hay không dám dũng cảm để đầu tư… Chính vì vậy, kịch bản bị "săn đuổi" có thể xảy ra với bất cứ Cty nào.

Từ nguy cơ bị thâu tóm

Ngày 26.6 vừa qua, HĐQT CTCP Hùng Vương (HVG) đã công bố thông tin việc quyết định mua 25% cổ phần của CTCP Chế biến Thủy sản Xuất khẩu (XK) Tắc Vân, một DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu tôm ở Cà Mau. Liền với sự kiện đó, HVG cùng với CTCK SSI cũng đã tuyên bố muốn làm cổ đông chiến lược của CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC) với mục đích nhằm tạo ra một tập đoàn thực phẩm thuỷ sản lớn khép kín ở Việt Nam, chuyên kinh doanh cá tra và tôm là hai mặt hàng XK thuỷ sản chủ lực, với chỉ tiêu đạt kim ngạch XK 1 tỉ USD vào năm 2015. Những thông tin này được giới đầu tư nhìn nhận đây là những bước đi của HVG trong việc thâu tóm thêm những DN cùng ngành. Đây cũng không còn là điều quá mới bởi vì thời gian qua HVG đã liên tục mua lại cổ phần chi phối đối với một loạt DN cùng ngành khác như Agifish, Faquimex Bến Tre, Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng. Và chính bản thân lãnh đạo các DN trên cũng đã lên tiếng thừa nhận nguy cơ DN mình bị thâu tóm với các cổ đông như trường hợp chủ tịch HĐQT FMC đã có lời nhắn nhủ với cổ đông là “giả sử có nhà đầu tư tài chính, thậm chí đầu tư thâu tóm, đều không gây bất lợi cho hoạt động FMC” sau khi có hiện tượng cp FMC bị thu gom.

Gần đây thị trường cũng đang nghi ngờ Cty Tập đoàn Masan (MSN) sẽ thâu tóm CTCP Bao bì Nhựa Tân Tiến (TTP) và giới đầu tư cũng khá râm ran câu chuyện MSN đã thâu tóm được Cty dầu thực vật Tường An (TAC) dù rằng cả MSN và TAC đều phủ nhận việc mua bán cổ phần. Tuy nhiên, ở thị trường Việt Nam, tin đồn đã không ít lần trở thành tin chính thức. Và dưới quan sát của các chuyên gia thì có thể MSN đã đạt được những quyền lực nhất định tại TAC. Bằng chứng là trong ĐHCĐ vừa qua, phần lớn nhân sự trong HĐQT của TAC đã được thay mới, kể cả Chủ tịch. Giữa tháng 3.2012, Cty nhựa Thái Lan Nawaplastic Industry (Saraburi) bất ngờ thông báo trở thành cổ đông lớn nắm 16,72% vốn của Nhựa Bình Minh (BMP) và 22,67% vốn của Nhựa Tiền Phong (NTP) - hai DN lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất ống nhựa xây dựng tại Việt Nam. Và bản thân lãnh đạo hai Cty này cũng thừa nhận nguy cơ bị thâu tóm là khó tránh khỏi.

Doanh nghiệp trong cuộc chiến sinh tồn - 1

Cty nhựa Thái Lan Nawaplastic Industry trở thành cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh

Đến chủ động sáp nhập

ĐHCĐ thường niên năm 2012 của CTCK APEC (APS) vừa thông qua việc sáp nhập với CTCK khác. Đây là CTCK đầu tiên công khai ý định sáp nhập. Ông Nguyễn Đỗ Lăng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc APS không ngần ngại chia sẻ, nhiều CTCK đã phải thu hẹp hoạt động và tái cơ cấu nhằm thích ứng với tình hình ảm đạm của TTCK. Với tính chất cạnh tranh gay gắt giữa các CTCK ngày một gia tăng, nếu trong vòng 3 - 5 năm tới, APS không lọt được vào top 10 - 15 CTCK chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường, thì việc tồn tại của APS cũng như khả năng mang lại lợi ích cho cổ đông sẽ gặp nhiều thách thức. Bởi vậy, việc sáp nhập với CTCK khác trong năm nay chỉ là bước một của chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh cho APS. Các chuyên gia cho rằng do giá trị giao dịch toàn thị trường khá thấp trong thời gian qua, nên với không ít CTCK, khoản phí thu được không đủ để trang trải các chi phí duy trì hoạt động. Bởi vậy, việc các CTCK rút bớt nghiệp vụ môi giới, hay sáp nhập với nhau có thể xem là bước chuyển động tất yếu trong thời gian tới.

Khó chống đỡ

Kịch bản bị săn đuổi có thể xảy ra với bất cứ Cty nào. Theo thông tin từ một số CTCK cho biết, thời gian này có khá nhiều đề nghị liên quan đến cả hoạt động thâu tóm và chống thâu tóm. Trong đó, số lượng đề nghị tư vấn chống thâu tóm nhiều hơn hẳn thâu tóm. Điều này cho thấy, tâm lý e ngại và phòng thủ đang đè nặng lên giới lãnh đạo DN Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn lại các vụ thương vụ thâu tóm thời gian qua, chúng ta có thể đúc kết khi bên đi thâu tóm công bố ý định thì cũng đồng nghĩa với việc Cty mục tiêu hầu như không còn khả năng chống đỡ.

Không ít các Cty đại chúng đang lo ngại nguy cơ bị thâu tóm vì quy định chào mua công khai chỉ áp dụng với trường hợp mua 25% vốn trở lên đối với một hoặc một nhóm cổ đông. Quy định này dễ dàng bị lách bằng cách mua gom CP qua nhiều tài khoản bằng cách sử dụng nhiều đầu mối khác nhau. Một trong những yếu huyệt đó là không hiếm lãnh đạo DN niêm yết hiện nay đang thực hiện kinh doanh trên chính CP của Cty mình, đặc biệt là khối DN có xuất phát điểm tư nhân. Đây có thể là mầm mống của các tai họa nếu DN có tài sản ngầm hoặc vốn hóa Cty có khoảng cách quá xa giá trị thật. Và chắc hẳn giới tài chính đều còn nhớ hậu trường vụ nhóm Bình Thiên An thâu tóm CP của một nhà thầu xây dựng vài năm trước. Khi lãnh đạo Cty này còn say sưa “lướt sóng” trên chính CP Cty mình thì trong một lần đánh xuống CP có chủ ý, đã rơi vào “địa võng” giăng sẵn của bên mua.

Các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo trong bối cảnh các DN đang khát vốn, thị trường đã bắt đầu xuất hiện không ít DN lên kế hoạch phát hành CP dưới mệnh giá và phần lớn đối tượng hướng đến không phải là cổ đông hiện hữu. Câu hỏi đặt ra là liệu đằng sau việc phát hành này có vấn đề thao túng để thâu tóm hay không? Những câu chuyện tương tự đang diễn ra, nếu không tạo thành miếng mồi thơm cho những người đi thâu tóm thì cũng thường có kết cục không tốt đẹp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Gia Miêu (Lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN