Giá lợn hơi tăng, Cục Chăn nuôi khẳng định ngành nuôi lợn thắng lớn

Xung quanh câu chuyện giá lợn hơi (giá heo hơi) tăng và công tác điều hành sản xuất thịt lợn, ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đã có những chia sẻ thẳng thắn với NTNN/Dân Việt.

Nhiều ý kiến cho rằng giá lợn hơi tăng mạnh trong mấy tháng qua đã tác động tới ngành chăn nuôi lợn cũng như chỉ số giá tiêu dùng. Nhìn nhận của ông về vấn đề này như thế nào?

- Sau hơn 1 năm giá lợn hơi ở mức thấp, nhiều hộ thua thiệt lớn, đến tháng 4.2018 thị trường mới có dấu hiệu hồi phục và tăng dần. Hiện nay, giá lợn cả nước đang từ 50.000 –52.000 đồng/kg. Với giá này tôi cho là tốt, có lợi cho người chăn nuôi, bởi đây là cơ hội để họ có thể gỡ gạc lại vốn liếng, có điều kiện tích lũy, tái đầu tư cho chu kỳ sản xuất sau.

 

Giá lợn hơi tăng, Cục Chăn nuôi khẳng định ngành nuôi lợn thắng lớn - 1

Cục Chăn nuôi khẳng định ngành chăn nuôi lợn năm nay thắng lớn. Ảnh: Đình Thắng

Giá lợn hơi tăng, Cục Chăn nuôi khẳng định ngành nuôi lợn thắng lớn - 2

"Về lâu dài, chúng ta phải thực hiện mạnh tái cơ cấu chăn nuôi lợn, tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết, đứng đầu là các doanh nghiệp giết mổ chế biến, hộ trang trại, hợp tác xã, các nông hộ, đảm bảo chia sẻ lợi ích, bền vững về an toàn thực phẩm, bền vững thị trường. Khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư giết mổ tập trung, chế biến công nghiệp, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, kết nối thị trường để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”.

Ông Nguyễn Xuân Dương

Một số nơi giá lợn hơi tăng lên tới 55.000 – 56.000 đồng/kg nhưng đây chỉ là hiện tượng cục bộ, chủ yếu ở khu vực giết mổ nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, nếu chúng ta để giá cao sẽ làm trượt giá chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Chẳng hạn như giá thịt lợn tháng 6.2018 so với tháng 5 tăng 8,1%, làm CPI tăng 0,34%. Nhưng tôi cho rằng giá lợn đã đến ngưỡng, không thể tăng thêm. Giá lợn tháng 7 so với tháng 6 chỉ tăng 2%, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến CPI.

Nếu tổ chức điều hành tốt sẽ tránh được việc đẩy giá lợn hơi tăng ảo, sẽ ảnh hưởng không tốt tới chính ngành hàng thịt lợn. Chúng ta đã mất hẳn một năm trả giá như vậy, bây giờ mới lấy lại được trật tự thế này.

Do đó, nếu duy trì được trục giá từ 45.000 - 50.000 đồng/kg từ nay đến Tết Nguyên đán, thậm chí giữa năm sau thì ngành chăn nuôi sẽ hình thành được một trật tự mới.

Bên cạnh đó, nếu giá bị đẩy lên cao quá sẽ gây bất ổn cho ngành chăn nuôi, có thể sẽ làm tăng lượng thịt nhập khẩu và thịt lợn thẩm lậu từ các nước xung quanh. Người chăn nuôi sẽ mất thị trường.

Thứ hai, giá cao kích hoạt người chăn nuôi tăng đàn ồ ạt, sau chu kỳ chăn nuôi khoảng 1 năm rưỡi nữa sẽ có thể xảy ra rủi ro về giá như chúng ta đã trải qua trong năm 2017.

Năm 2017 giá lợn chạm đáy, nhưng chỉ sau mấy tháng giá đã đảo chiều tăng chóng mặt. Phải chăng ngành chăn nuôi đang loay hoay với việc điều tiết cung cầu, giá cả?

- Trong nền kinh tế thị trường, vai trò điều tiết của Nhà nước là cung cấp các kênh, khuyến cáo giải pháp, không thể dùng mệnh lệnh hành chính buộc người dân, doanh nghiệp phải bán giá nào. Những biện pháp như vậy là kịp thời, chúng ta tạo ra hiệu ứng xã hội. Chúng ta phải nhìn rõ nguồn cung có thiếu không, thiếu ở đâu, điều này chỉ có Nhà nước mới nắm được. Và thực tế nguồn cung chỉ thiếu cục bộ.

Tôi cho là các địa phương đã triển khai rất tích cực các giải pháp điều hành, chỉ đạo kịp thời. Thực tế là chúng ta tính toán được giá thịt lợn hơi sẽ tăng trở lại nên không bất ngờ. Về cơ bản năm nay ngành chăn nuôi thắng lớn. Cụ thể, các chỉ tiêu về sản lượng, giá cả của ngành đều tăng. Giá lợn chỉ có quý 1 là thấp, còn các quý 2, 3, 4 được dự báo tiếp tục tăng.

Nhưng, đại đa số các hộ chăn nuôi đâu còn lợn để bán trong chu kỳ tăng giá này, vậy họ thắng lợi gì?

- Đó là bất cập của kinh tế thị trường. Chăn nuôi nhỏ lẻ, không biết bán cho ai, chăn nuôi theo thói quen cũ thì rất khó. Vì vậy tôi cho rằng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên chuyển sang nghề khác.

Đối với những nông hộ chuyên nghiệp, họ cũng phải thay đổi về cách quản trị, bổ sung kiến thức, tìm hiểu thị trường… mới mong phát triển bền vững.

Hiện chúng ta đã có kịch bản điều hành sản xuất thịt lợn theo yêu cầu trước đó của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chưa thưa ông?

- Chúng tôi đưa ra 4 giải pháp điều hành sản xuất thịt lợn. Thứ nhất, các địa phương cần khẩn trương thống kê quy mô đàn lợn nái hiện có và đầu lợn, sản lượng lợn thịt dự kiến trong từng tháng từ nay đến tháng 2.2019.

Thứ hai, thông tin thường xuyên và đầy đủ về giá cả thị trường; tuyên truyền để người chăn nuôi và thương lái biết để cùng có trách nhiệm ổn định thị trường.

Thứ ba, triển khai các biện pháp bình ổn giá thịt lợn, khuyến cáo người tiêu dùng chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng thực phẩm phù hợp hơn với nguồn cung thực phẩm trong nước.

Thứ tư, kiểm tra kỹ và có biện pháp kịp thời hỗ trợ công tác phòng dịch. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc lưu thông các loại gia súc, gia cầm, nhất là đối với mặt hàng thịt lợn.

Xin cảm ơn ông!

Giá thịt lợn “trên trời”, dân than, doanh nghiệp cười

Giá thịt lợn tăng mạnh giúp nhiều doanh nghiệp chăn nuôi báo lãi khởi sắc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đình Thắng ([Tên nguồn])
Biến động giá thịt lợn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN