Giá lao dốc, người trồng dứa "tháo chạy", mơ đổi đời với thanh long

Sự kiện: Kinh Doanh

Từng là cây xóa đói, giảm nghèo cho vùng Đồng Tháp Mười, nhưng gần đây do giá rớt sâu, kéo dài nên nông dân đang tháo chạy khỏi cây khóm (dứa).

Khóm “chua”…

Khóm Thạnh Lợi (Bến Lức, Long An) nổi tiếng ngọt thanh, nhưng thời gian qua, do giá rớt sâu và kéo dài khiến nhiều nông dân ở đây đã nếm vị khóm “chua”.

Dọc theo Quốc lộ N2 (đoạn qua xã Thạnh Lợi) – vùng nguyên liệu trồng khóm nổi tiếng của Long An, lâu nay tồn tại khá nhiều vựa khóm, nay trở nên teo tóp.

Giá lao dốc, người trồng dứa "tháo chạy", mơ đổi đời với thanh long - 1

Trồng 15ha khóm vừa bán sỉ, bán lẻ anh Trần Huyền Thăng vẫn lỗ 400 triệu đồng trong 2 năm qua.

Anh Trần Huyền Thăng - chủ một vựa khóm tại đây cho biết, do giá khóm rớt sâu, bán khóm không lời, nên nhiều chủ vựa khóm không thiết tha lấy hàng để bán. “Giá khóm hiện chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg, nên bán không còn lời nữa”, anh thổ lộ.

Anh Thăng không chỉ là chủ vựa khóm bán lẻ mà còn là chủ vườn khóm rộng 15ha, mỗi năm thu hoạch khoảng 300 tấn trái.  “Chỉ tính tiền thuê nhân công làm cỏ, mỗi ngày tui tốn 2 triệu đồng”, anh nói.

Do giá khóm lao dốc, 2 năm nay anh lỗ khoảng 400 triệu đồng. “Tui vừa làm chủ vườn khóm, vừa mở vựa bán sỉ, lẻ vậy mà còn lỗ nặng, nói chi những hộ trồng khóm khác”, anh chia sẻ.

Theo anh Thăng, giá khóm 2, 3 năm qua khá tệ, thậm chí thấp hơn giá sàn. Nhiều nông dân trồng khóm đang tháo chạy, chuyển sang đầu tư chanh hay thanh long.

Theo UBND xã Thạnh Lợi, trên địa bàn có gần 500ha khóm. Hiện, các ngành chức năng đang tiến hành nghiên cứu đề tài khoa học “Xây dựng mô hình sản xuất khóm đạt chuẩn VietGAP” tại đây.

Trong khi đó, tại xã Tân Lập 2 (Tân Phước, Tiền Giang), ông Chín Biền (Ngô Văn Biền) cũng đứng ngồi không yên. Hiện, ông trồng  gần 20ha khóm tại vùng đất này.

Giá lao dốc, người trồng dứa "tháo chạy", mơ đổi đời với thanh long - 2

Ông Chín Biền vật vã với giá khóm, giờ đang mở đất trồng thanh long.

“Giá khóm thấp kéo dài, có khi chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg. Năm nào tính toán xong cũng thấy lỗ. Mỗi năm tui thu hoạch gần 500 tấn khóm chứ ít gì”, ông than thở.

Hiện, tại huyện Tân Phước, nông dân trồng khoảng 16.000ha khóm.

Bỏ khóm trồng chanh, thanh long

Tại ấp 4 xã Thạnh Lợi thời gian gần đây xuất hiện khá nhiều vườn chanh không hạt. Một trong những lý do thúc đẩy nông dân trồng chanh là do chán khóm.

Giá lao dốc, người trồng dứa "tháo chạy", mơ đổi đời với thanh long - 3

Nhiều vườn chanh mới đang mọc lên tại xã Thạnh Lợi-vựa khóm Long An.

Ông Ba Hiền (Ngô Văn Hiền) cho biết, hơn năm trước ông đã chuyển 1,5ha đất trồng khóm sang trồng chanh. Hiện, vườn chanh của ông một số cây đã cho trái. “Giờ trông vào cây khóm là chết, giá cả như thế này khó sống lắm. Tính mãi tui thấy trồng cây chanh là khả dĩ hơn cả”, ông thổ lộ.

Ông Chín Mà (Lê Văn Mà) - Giám đốc HTX DV nông nghiệp Chanh Thạnh Lợi cho biết, ngoài diện tích trồng chanh, thanh long, hiện HTX của ông có 5ha trồng khóm. “Chúng tôi để 5ha trồng khóm để kiếm thêm thu nhập cho HTX, nhưng với giá cả như thế này HTX sẽ chuyển hết diện tích trồng khóm sang trồng chanh”, ông khẳng định.

Theo nhiều nông dân trồng chanh tại đây, cây chanh là loại cây có múi dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp, thu nhập đem lại tương đối cao so với các loại cây trồng khác. Đồng thời, dù giá chanh đôi khi cũng lao dốc, nhưng nhìn chung vẫn “dễ thở” hơn so với khóm.

Ông Chín Biền cũng cho biết, trước giá cả bất ổn và lao dốc của trái khóm, hiện ông cũng đã chuyển 1ha đất trồng khóm sang trồng thanh long. Ông cũng thông tin, trên địa bàn huyện Tân Phước, nông dân trồng khóm cũng đang rục rịch chuyển sang trồng thanh long.

“Vườn thanh long của tui đã cho thu hoạch rồi. Nhìn chung giá bán khá tốt, tuy năng suất chưa cao bằng những vùng trồng thanh long khác”, ông phấn khởi.

Giá lao dốc, người trồng dứa "tháo chạy", mơ đổi đời với thanh long - 4

Tại xã Tân Lập 2 (Tân Phước, Tiền Giang), nông dân cũng bỏ khóm đầu tư vườn thanh long.

Tuy nhiên, trước tình hình giá khóm giảm sâu và kéo dài, nông dân đang chuyển dần sang trồng một số loại cây khác có giá ổn định hơn, như thanh long, chanh chắc chắn sẽ tạo áp lực lên đầu ra và giá cả.

Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi Nguyễn Hồng Tâm cho biết: “Hiện diện tích cây chanh đang phát triển khá nhanh trên địa bàn. Hiện, xã có hơn 400ha chanh. Nông dân bán chanh chủ yếu thông qua thương lái, khả năng bị ép giá khá cao”.

UBND huyện Bến Lức cho biết, đã chỉ đạo các ngành, các xã có diện tích cây chanh lớn tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận với thị trường trong nước, thậm chí cả thị trường xuất khẩu truyền thống như các nước khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là khai thác thị trường xuất khẩu mới châu Âu thông qua Công ty The Fruit Republic Cần Thơ.

Theo Chủ tịch UBND huyện Bến Lức Trần Văn Tươi, để mở rộng thị trường tiêu thụ chanh, đòi hỏi bà con nông dân phải nghiêm túc thực hiện theo đúng quy trình sản xuất, đảm bảo đúng các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón. Từ đó, mới có thể đảm bảo uy tín về chất lượng sản phẩm, xây dựng được một thị trường tiêu thụ sản phẩm được lâu dài và ổn định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Đáng ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN