Giá hàng hóa 'nhảy' theo giá xăng

“Quá tam ba bận”, một ngày sau khi xăng tiếp tục tăng thêm 1.100 đồng/lít, giá hàng hóa tại các chợ truyền thống đã không còn đứng yên. Các doanh nghiệp đang hết sức lo lắng do người không có tiền không dám mua sắm đã đành, người có tiền cũng chẳng chịu sắm sửa.

Hai lần tăng giá xăng mới đây (ngày 21/7 và 1/8), các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn còn “ngó trước nhìn sau”, nhưng sau khi giá xăng tăng thêm 1.100 đồng/lít chiều 13/8, giá nhiều mặt hàng ngay lập tức “nhảy” theo.
Chợ cóc nháo nhào đẩy giá

Chị Tố Trinh, kế toán tại một công ty bao bì, giấy ở huyện Bình Chánh, TP HCM, thảng thốt: “Xăng tăng hoài, làm sao sống nổi!”. Chị cho biết, trước đây công ty trước ở Q.8 nay phải chuyển về huyện Bình Chánh để giảm chi phí mặt bằng. Về đây, nhân viên ăn cơm trưa giá cũng mềm hơn, khoảng 16.000 đồng/suất, nhưng sáng 14.8 đã tăng lên 18.000 đồng/suất với lý do xăng tăng. Cũng theo chị Trinh, tối 13/8, khi trả tiền gửi xe tại trường ĐH GTVT (cơ sở 2, Q.9), cũng bị lấy 4.000 đồng/lượt, tăng 1.000 đồng so với ngày trước. Trong khi đó, lương không thể tăng vì công ty gặp khó khăn, không bị thất nghiệp là may. Để đối phó, chị hầu như không dám đi chợ lẻ mà cuối tuần mới đi chợ đầu mối Bình Điền (Q.8) để mua thực phẩm cho cả tuần.

Giá hàng hóa 'nhảy' theo giá xăng - 1

Sau khi giá xăng tăng thêm 1.100 đồng/lít chiều 13/8, giá nhiều mặt hàng ngay lập tức “nhảy” theo.

Chị Nguyễn Thu Hiền (Thanh Trì, Hà Nội), cho biết dù xăng mới tăng chưa đầy một ngày nhưng giá từ mớ rau, lạng thịt cũng bị tăng. Chẳng hạn, hôm trước, giá rau muống chỉ 3.000 đồng/mớ thì ngày 14/8 lên 4.000 đồng; thịt lợn vai từ 90.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg; xương ống từ 40.000 đồng/kg lên 45.000 đồng/kg; bí xanh từ 8.000 đồng/kg lên 10.000 đồng/kg. “Dù các mặt hàng lương thực chỉ tăng từ 1.000 – 2.000 đồng nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn đến chi phí của một gia đình, bởi thực phẩm tăng 1 thì các dịch vụ sẽ tăng 10”, chị Hiền lo lắng nói.

Tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy), các tiểu thương tỏ ra lo lắng khi xăng dầu tăng giá sẽ đẩy chi phí đầu vào tăng theo, khiến đầu ra đội lên, hàng đã ế lại càng ế. Tại chợ này, giá thịt lợn đã tăng trung bình 10.000 đồng/kg; thịt gà tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương, dù phải giữ khách, không muốn bán tăng giá, nhưng giá xăng tăng, chi phí vận chuyển tăng nên giá cả hàng hóa cũng tăng theo.

Siêu thị lò dò theo sau

Trái với sự “nhanh nhạy” của các chợ cóc về giá cả, hệ thống các siêu thị khá bình tĩnh chờ động thái của các nhà cung cấp. Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc chuỗi siêu thị Fivimart, cho biết từ đầu năm đến nay dù đã nhiều lần xăng dầu, điện, nước tăng giá, nhưng Fivimart vẫn chưa tăng giá mặt hàng nào vì chưa nhận được thông tin tăng từ nhà cung cấp. “Họ chưa có thay đổi vì cũng còn tính toán lượng hàng tồn kho”, bà Hậu cho biết. Cũng theo bà Hậu, dù giá siêu thị ổn định, khuyến mại nhiều nhưng sức mua của người dân cũng không tăng. Thế nên, khi độ trễ của đợt tăng giá xăng này hết, chi phí đầu vào các mặt hàng tăng, nhà cung cấp tăng giá, Fivimart sẽ tăng theo, điều này sẽ càng làm sức mua suy giảm.

Trong khi đó, từ đợt tăng giá lần trước, bà Minh Thủy, phụ trách đối ngoại siêu thị LOTTEMart, cho biết phòng thu mua của siêu thị đã nhận được một vài yêu cầu tăng giá của các nhà cung cấp, đều thuộc ngành hàng thực phẩm. Tuy nhiên, LOTTEMart đang nỗ lực đàm phán để giữ giá ổn định cho đến cuối năm. Do kinh tế khó khăn nên sức mua các mặt hàng phi thực phẩm như: hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng giảm, nhưng sức mua các mặt hàng thực phẩm tăng nên doanh số tại siêu thị không giảm. Còn tại siêu thị Big C, do đơn vị này tham gia Tháng khuyến mại của TP HCM, đã chuẩn bị nguồn hàng rất dồi dào nên giá sẽ ổn định cho đến hết tháng 9.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp Hội siêu thị Hà Nội, khẳng định đợt tăng giá xăng này, “độ trễ” đã không còn. Giá cả các mặt hàng sẽ thực sự “nhảy múa” và gây bất ổn lớn đến xã hội. Ông Phú cũng khẳng định, không có siêu thị nào muốn tăng giá, nhưng nếu nhà cung cấp tăng, siêu thị không điều chỉnh thì sẽ lỗ. Tuy nhiên, các siêu thị sẽ cố gắng nếu phải tăng 3 đồng thì siêu thị cũng sẽ chỉ tăng 1,5 đồng bù vào chi phí vận chuyển. “Chưa tăng giá thì hàng tồn kho cũng đã quá nhiều, nay người dân phải chi thêm cho xăng dầu thì sẽ “bớt bìa đậu, mớ rau”, hàng hóa sẽ ứ tiếp”, ông Phú nói.

Vận tải tăng ngay

Không có độ trễ như các loại hàng hóa khác, cước vận tải đã rục rịch tăng. Theo đại diện 2 hãng taxi lớn là Vinasun và MaiLinh, các hãng đã tính phương án tăng giá cước ngay khi giá xăng tăng 1.100 đồng/lít, và việc điều chỉnh tăng giá sẽ trong vài ngày tới (do còn phải thông báo cơ quan quản lý, điều chỉnh đồng hồ).

Ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM, cho biết việc điều chỉnh giá cước là thỏa thuận của từng DN vận tải với chủ hàng. Nhưng theo nhận định của ông Trung, đợt này nhiều DN vận tải sẽ phải tăng giá cước, do dầu đã tăng 1.250 đồng/lít (khoảng hơn 6%) trong khi các hợp đồng vận tải thường thỏa thuận không chỉnh giá khi giá dầu thay đổi trong biên độ 5%. Cũng theo ông Trung, do kinh tế khó khăn nên các DN vận tải hàng hóa hiện nay đang phải hoạt động cầm chừng là chính. Sau đợt tăng giá nhiện liệu này, các DN yếu sẽ khó cầm cự được.

Các công ty du lịch cũng cho biết, giá tour sẽ cộng thêm ít nhất 5 – 7% đối với khách lẻ và từ 15% trở lên đối với khách đoàn. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Trà - Ngọc Ánh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN