Giá bằng 1kg rau, loại hạt giúp ngăn ung thư, làm đẹp da lâm cảnh điêu đứng

Sự kiện: Kinh Doanh

Mặc dù đang vào mùa thu hoạch nhưng giá điều rớt thê thảm, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Nghịch lý là các doanh nghiệp (DN) chế biến điều luôn trong cảnh đói nguyên liệu (sản lượng điều trong nước chỉ khoảng 400.000 tấn, trong khi nhu cầu sử dụng khoảng 1,5 triệu tấn/năm), nhưng giá điều thu mua trong dân vẫn thấp...

Thị trường bất ổn

Những ngày này, nông dân ở thủ phủ điều Bình Phước luôn thở dài chán nản vì giá điều tươi thu mua tại vườn chỉ còn 28.000 - 30.000 đồng/kg, nếu giao đến nhà máy thì có giá 30.000 - 32.000 đồng/kg, trong khi giá điều khô tại kho cũng chỉ đạt khoảng 36.000 đồng/kg - tương đương giá 1kg rau xanh. Trong khi năm ngoái, giá điều tươi ở mức 40.000 - 42.000 đồng/kg, điều khô tại kho lên đến 50.000 đồng/kg.

Theo giới kinh doanh, giá điều vẫn đang đà đi xuống, chưa có dấu hiệu phục hồi.

Giá bằng 1kg rau, loại hạt giúp ngăn ung thư, làm đẹp da lâm cảnh điêu đứng - 1

Nông dân xã Đồng Tâm (huyện Đồng Phú, Bình Phước) bên vườn điều đang cho thu hoạch.  Ảnh: B.B.P

Bình Phước được mệnh danh là “thủ phủ” điều của Việt Nam với hơn 134.000ha, chiếm gần 50% diện tích điều cả nước; tổng sản lượng đạt gần 150.000 tấn, chiếm 50% sản lượng của cả nước; có gần 200 doanh nghiệp và hơn 400 hộ kinh doanh cá thể tham gia chế biến điều; có khoảng 31 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp.

3 giải pháp gỡ khó

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, quan điểm của Bộ NNPTNT là không tăng diện tích sản xuất, không tăng diện tích cây điều, giữ nguyên 300.000ha như hiện nay.

Xây dựng quy trình thích ứng cho từng tiểu vùng điều trọng điểm là Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Mỗi tiểu vùng có một bộ quy trình phù hợp, kèm theo mỗi bộ quy trình là một cơ cấu giống hợp lý với phương thức canh tác sạch: Một phần hữu cơ tiến tới hữu cơ.

Thứ hai, tập trung phát triển chế biến sâu, đầu tư, khuyến khích DN tập trung phát triển chế biến sâu. Tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến xuất khẩu, trong đó vai trò của DN chủ động liên kết với nhau, liên kết với nông dân đóng vai trò rất lớn. Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, đặc biệt DN chú trọng sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao phục vụ khách du lịch.

Thứ ba, phải tổ chức, đưa tiến bộ KHKT vào quy trình trồng chăm sóc, khắc phục cho được yếu tố bất lợi về biến đổi khí hậu như mưa trái mùa, sâu bệnh.

“Tất cả những bất hợp lý, những nút thắt phải được tháo gỡ thì ngành điều mới phát triển đúng tầm. Hiện nay, trong các nhóm giải pháp phát triển cây điều, thì giải pháp khoa học kỹ thuật được chú trọng hàng đầu” - ông Cường nói.

Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch mấy năm vừa qua chỉ đáp ứng được 25% công suất chế biến, tỉnh phải nhập thêm điều thô từ châu Phi về chế biến nên phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Hiện 80% cơ sở sản xuất vừa và nhỏ của tỉnh đã phải đóng cửa.

Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), giữa năm 2018, giá điều nhân thế giới xuống thấp trong khi giá nguyên liệu đứng ở mức cao khiến rủi ro trong chế biến điều tăng, do đó các ngân hàng đã siết chặt cho vay tín chấp nhập khẩu điều thô, nhất là với các DN nhỏ, DN mới tham gia thị trường.

Thiếu vốn, các DN buộc bán tháo điều nhân để thu tiền mặt, hệ lụy là giá điều nhân bị đẩy xuống sâu, làm thị trường càng thêm bất ổn.

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2018, Việt Nam xuất khẩu điều nhân đạt 391.000 tấn, tăng 7,8% về lượng nhưng kim ngạch chỉ đạt 3,52 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2017. Điều này cho thấy giá điều nhân giảm do tăng sản lượng xuất khẩu.

Lo giá giảm sâu hơn

Trao đổi với báo chí, ông Hồ Ngọc Cầm - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông lâm sản Phương Minh, cho biết thời điểm này, các DN mới nhập khẩu số lượng ít nguyên liệu điều về Việt Nam mà giá điều trong nước đã rớt thê thảm như vậy, nếu thời gian tới nhập số lượng lớn, chắc chắn giá còn giảm sâu nữa.

Cũng theo ông Cầm, giá điều nguyên liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm. Cụ thể, giá điều thô ở châu Phi chào bán ở mức 1.300 - 1.400USD/tấn, giảm 600 - 700USD/tấn so với năm ngoái. Giá điều nhân thế giới cũng giảm mạnh, từ 9.000USD/tấn xuống còn 7.500USD/tấn.

Ông Cầm thông tin thêm, năm vừa qua, ngành điều rơi vào tình trạng lỗ triền miên, nhiều DN phải tạm ngưng hoạt động, thậm chí đóng cửa dài hạn. Trước đây, có DN nhập tới hàng chục ngàn tấn điều nguyên liệu nhưng từ đầu năm đến nay chỉ dám nhập vài trăm tấn, đủ để sản xuất.

"DN có tâm lý chờ giá điều thế giới giảm thêm. Mặt khác, hầu hết DN ngành này phụ thuộc vốn ngân hàng, giờ ngân hàng ngại cho vay vì rủi ro cao nên DN không có tiền nhập nguyên liệu" - ông Cầm nói.

Không chỉ khó khăn về nguyên liệu, vốn, các DN ngành điều Việt Nam còn bị nhiều đối tác “cảnh giác”, mà nguyên nhân cũng do cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp của chính DN Việt. Ông Nguyễn Thế Phiệt - đại diện Công ty Tanmodial, một nhà cung cấp điều thô lớn cho Việt Nam khẳng định, năm 2019 sẽ áp dụng mức tiền cọc 30% (thông thường khoảng 10% - PV) để hạn chế rủi ro cho bên bán.

Trước tình hình này, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho rằng các nhà sản xuất phải tích cực tìm thị trường tiêu thụ nhân, đồng thời cần có một giải pháp đồng bộ, từ nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giao hàng đúng hạn, hoàn thiện chứng từ xuất khẩu nhanh và chính xác, chấn chỉnh dịch vụ hậu mãi…

Nghệ An: Quả trăm mắt rớt giá thảm, nông dân quay quắt tìm đầu ra

Đến thời điểm này, những người nông dân ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) mới bước vào vụ thu hoạch dứa. Nhưng giá dứa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thiên Ngân ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN