Gạo Thái hạ giá, gạo Việt gian nan tìm đường sang TQ

Bộ Công Thương cho biết đang "xin" Chính phủ cho cơ chế thí điểm xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc tại cửa khẩu của tỉnh Lào Cai.

Nếu được phê duyệt, đây là sẽ giải pháp nhằm “cứu” giá lúa gạo trong nước, đồng thời mở cửa cho gạo Việt vào thị trường tiềm năng hơn 1 tỷ dân này.

Bán gạo không dễ...

Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, vụ đông xuân tại ĐBSCL sẽ có 11 triệu tấn lúa. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu gạo không được thuận lợi trong bối cảnh giá lúa có xu hướng giảm. Theo thông tin từ Bộ này, giá lúa tại Thái Lan hiện dưới 4.000 đồng/kg, trong khi họ còn tồn kho gần 20 triệu tấn gạo khiến áp lực bán gạo ra mạnh và có thể Thái Lan sẽ bán gạo bằng mọi giá.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, do tồn kho lớn nên dự báo Thái Lan sẽ bán gạo với số lượng lớn. Đây là thách thức với ngành xuất khẩu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, ông Hoàng cũng cho hay gạo Thái do tồn kho lâu nên chất lượng đã giảm nên có thể sẽ kém cạnh tranh hơn gạo Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã đàm phán, ký được các hiệp định xuất khẩu tập trung với số lượng lớn cho Indonesia 1 triệu tấn, Philippines là 1,5 triệu tấn. "Ít nhất các hiệp định Chính phủ sẽ xuất khẩu được 4- 4,5 triệu tấn gạo trong năm nay, chưa kể đối với Cuba (400 nghìn tấn)"- ông Hoàng cho biết. Bộ Công Thương cũng cho rằng, cần có các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, trong đó cho phép tăng thêm đầu mối được xuất khẩu trong các hợp đồng tập trung, nhưng phải lưu ý kiểm soát giá, không để xảy ra tình trạng bán phá giá.

Gạo Thái hạ giá, gạo Việt gian nan tìm đường sang TQ - 1

Khai thác được thị trường Trung Quốc sẽ là lối ra mới cho ngành lúa gạo Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải- Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) mới đây cũng đã lên tiếng về việc Bộ Công Thương đang "xin" Chính phủ cho cơ chế thí điểm xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc tại cửa khẩu của tỉnh Lào Cai. Ông Hải khẳng định: Xuất khẩu gạo của ta đang vấp phải sự cạnh tranh khá gay gắt từ Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar, Campuchia nên hiện khá khó khăn. Tuy nhiên, dấu hiệu xả kho gạo của Thái đang chưa rõ ràng, và dù xả kho gạo thì gạo Thái vẫn cao hơn giá gạo Việt Nam. Bộ Công Thương đang tập trung hoàn thành quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, tập trung kinh phí cho xúc tiến thương mại với mặt hàng này; đẩy mạnh đàm phán hợp đồng gạo tập trung với Indonesia, Philippines... để khơi thông thị trường.

Về thị trường Trung Quốc, ông Hải cho biết, năm 2013 Trung Quốc đã nhập gạo của ta với số lượng kỷ lục 2,1 triệu tấn, chiếm 1/3 lượng gạo xuất đi của ta. Tuy nhiên, tháng 1.2014, Trung Quốc mới chỉ nhập 65.000 tấn gạo của Việt Nam/370.000 tấn gạo cả nước đã xuất; chứng tỏ bán gạo cho Trung Quốc không phải dễ dàng. Do vậy, nếu Trung Quốc có chủ trương mua gom gạo Việt Nam là điều quá tốt, kể cả xuất tiểu ngạch, Bộ Công Thương hoàn toàn ủng hộ.

Cạnh tranh sẽ gay gắt

Ông Trương Thanh Phong- Chủ tịch VFA thừa nhận, để đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào Trung Quốc lúc này là điều không dễ. Đối thủ lớn nhất về xuất khẩu gạo nói chung của Việt Nam và vào Trung Quốc nói riêng hiện nay là Thái Lan. Cùng với kế hoạch nới lỏng nhập gạo, Trung Quốc đã nhất trí nâng lượng gạo nhập khẩu từ Thái Lan trong vòng 5 năm tới lên 1 triệu tấn/năm nên gạo Việt Nam không dễ gì chiếm lĩnh được thị trường này.

Thời gian qua, Thái Lan đã giảm giá bán một lượng lớn gạo phẩm cấp cao để đẩy mạnh xuất khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá với Thái trong xuất khẩu. Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường gạo thế giới đang dồi dào, việc Trung Quốc gia tăng nhập khẩu gạo đương nhiên là mục tiêu của không ít quốc gia xuất khẩu. Vì thế, trong cuộc cạnh tranh này, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam phải biết tận dụng lợi thế "láng giềng" của mình để thúc đẩy xuất khẩu. Thực tế, hiện gạo Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi nhiều đối thủ mới nổi như Myanmar, Campuchia cũng đang giảm giá bán khiến doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh. VFA nhận định, hiện tại, gạo Việt Nam có lợi thế về giá so với gạo sản xuất ở Trung Quốc. Giá gạo ở Trung Quốc hiện quá cao sẽ tạo sự hấp dẫn cho gạo Việt Nam vì giá rẻ hơn.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, Việt Nam cần có gạo chất lượng bán với giá rẻ. Đặc biệt là cần tập trung định hướng sản xuất sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn chung toàn cầu. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm 2014, Trung Quốc sẽ nhập khẩu 3,4 triệu tấn gạo, nên nếu có các giải pháp "khôn ngoan" gạo Việt vẫn sẽ chiếm được thị phần khá lớn ở thị trường này.

Việt Nam nằm sát biên giới Trung Quốc là một lợi thế để xuất tiểu ngạch trong bối cảnh thế giới thừa gạo như hiện nay. Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc từ Việt Nam lên tới vài triệu tấn/năm. Hiện đang có sự bất bình đẳng khi phí xuất khẩu gạo chính ngạch đang cao hơn 50% so với phí xuất gạo tiểu ngạch. Các cơ quan quản lý cần có biện pháp quản lý tình trạng xuất tiểu ngạch để mọi thành phần kinh tế đều có thể tham gia.”

Ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (tỉnh Bến Tre)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN