Hạ giá bán, gạo Việt tìm đường sang Trung Quốc

Trước sức ép xả hàng bán tháo ra với số lượng cả triệu tấn gạo/tháng của Thái Lan, để cạnh tranh lại, các doanh nghiệp Việt Nam đã quyết định hạ giá bán gạo, đồng thời tìm đường xuất khẩu cả tiểu ngạch, chính ngạch sang Trung Quốc.

Bán hàng triệu tấn

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị trường gạo châu Á đang chịu ảnh hưởng lớn bởi biến động chính trị gắn liền với chương trình hỗ trợ giá lúa tại Thái Lan, vừa kết thúc vào cuối tháng 2 vừa qua.

Thái Lan đã bán ra tồn kho của Chính phủ 600.000 tấn gạo vào trung tuần tháng 2, gồm 400.000 tấn đấu giá và 200.000 tấn bán trực tiếp cho các nhà xuất khẩu, với giá khoảng 10.000 baht/tấn và thông báo sẽ bán tiếp 800.000 tấn vào đầu tháng 3/2014. Chính phủ Thái Lan dự kiến bán ra 1 triệu tấn/tháng để giải quyết tồn kho lấy tiền trả nợ nông dân, trong khi không thể vay tiền từ các cơ chế khác.

Nếu nông dân cũng bán ra thị trường khoảng 5 triệu tấn gạo vụ 2 được dự kiến thu hoạch từ tháng 3, giá gạo Thái sẽ giảm thêm, tác động mạnh đến giá gạo trên thị trường thế giới.

Hạ giá bán, gạo Việt tìm đường sang Trung Quốc - 1

Các doanh nghiệp Việt Nam đã quyết định hạ giá bán gạo để cạnh tranh với gạo Thái.

Trước tình hình đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã quyết định hạ giá bán gạo, từ 405 USD/tấn gạo 5% tấm trong đầu tháng 2 xuống còn 380 USD/tấn hiện nay, trở lại giá thấp nhất trong các nguồn cung cấp ở châu Á, sau khi ở mức cao từ cuối năm 2013.

Đại diện VFA cho biết, mặc dầu với mức giá này các doanh nghiệp đang bán lỗ so với giá thành thu mua lúa vụ đông xuân ở ĐBSCL, nhưng với trách nhiệm tiêu thụ hết lúa gạo trong dân, doanh nghiệp VFA quyết định hạ giá bán gạo xuống thấp hơn giá gạo cùng loại của các nước Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan để tạo sự cạnh tranh hấp dẫn người mua.

“Chúng ta đã kết thúc giao hàng hợp đồng Philippines, trong khi vụ đông xuân đang vào vụ thu hoạch rộ, nông dân lại được mùa, nên nếu không trở lại lợi thế là nước có nguồn cung gạo hấp dẫn nhất khu vực thì chúng ta sẽ không cạnh tranh lại gạo Thái”– ông Lâm Anh Tuấn- Giám đốc Công ty Thịnh Phát (Bến Tre), thành viên Ban chấp hành VFA nói.

Tận dụng hợp đồng mậu biên

VFA cho biết, kết quả xuất khẩu gạo trong tháng 2.2014 đạt hơn 330.000 tấn, trị giá FOB trên 147 triệu USD, tăng 15% so với tháng 1. Trong đó khoảng 50% là giao hàng đi Philippines xuất khẩu qua Trung Quốc và châu Phi cũng tăng đáng kể so với tháng 1, chiếm 28% và 8%. Đây được xem là 2 nguồn tiêu thụ chính cho vụ đông xuân đang thu hoạch của chúng ta. Ngoài ra, Philippines cũng dự kiến nhập khẩu 1 triệu tấn trong năm 2014, nhưng chưa biết nhập khẩu chính phủ hay tư nhân.

Trước sức ép xả hàng bán tháo ra với số lượng cả triệu tấn gạo/tháng của Thái Lan, để cạnh tranh lại, các doanh nghiệp Việt Nam đã quyết định hạ giá bán gạo, đồng thời tìm đường xuất khẩu cả tiểu ngạch, chính ngạch sang Trung Quốc.

“Trung Quốc tiêu thụ gạo của chúng ta với yêu cầu giá thấp nên phần lớn thời gian qua chỉ xuất khẩu qua đường mậu biên ở cửa khẩu biên giới. Với tình hình xuất khẩu khó khăn hiện nay, đây rõ ràng là lợi thế mà chúng ta cần phát huy. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang kiến nghị Chính phủ có những chính sách để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này để giải quyết hết lượng lúa gạo vụ đông xuân trong dân” – vị đại diện VFA đề xuất.

Hiện tính đến ngày 5/3, theo số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT, các tỉnh thành vùng ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 520.000/1.600.000ha vụ đông xuân với sản lượng 3,4 triệu tấn lúa. Dự kiến trong tháng 3 sẽ thu hoạch thêm 3,45 triệu tấn và tháng 4 là 4,1 triệu tấn lúa nữa. Tổng cộng cả vụ đông xuân là gần 11 triệu tấn lúa. Sau khi cân đối để lại làm giống, chăn nuôi, tiêu dùng nội địa thì lượng gạo hàng hóa cần xuất khẩu là 4,275 triệu tấn quy gạo. Trong khi lượng hợp đồng đã ký hiện nay chỉ hơn 1 triệu tấn.

Trước áp lực đó, từ đầu tháng 3 đến nay, ngay khi các doanh nghiệp vừa giao hàng xong hợp đồng Philippines, lúa gạo trong nước đã rớt giá không phanh. Chỉ trong vòng 5 ngày, giá gạo từ 7.100 đồng/kg gạo nguyên liệu IR 50404 đã giảm xuống còn 6.600 – 6.700 đồng/kg.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2014, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nêu vấn đề xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn do lượng gạo dự trữ của Thái Lan quá lớn và đang bán ra dù với giá thấp. Do vậy, Bộ NNPTNT đề nghị triển khai sớm chương trình tạm trữ lúa gạo với thời gian hỗ trợ dài hơn (từ 3 tháng lên 4 tháng), đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Minh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN