Gần Tết, đường cát nhập lậu lại “nóng”

Vào dịp cuối năm, cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ đường trong nước tăng cao, tình trạng vận chuyển đường nhập lậu lại “nóng” và diễn biến phức tạp. Theo đó, chỉ trong thời gian ngắn lực lượng chức năng phát hiện hàng chục nghìn tấn đường cát nhập lậu vào Việt Nam để tiêu thụ.

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh, giá mặt hàng đường cát ngoại thấp hơn giá sản phẩm trong nước đã làm gia tăng tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ trái phép đường cát ngoại, gây thất thu thuế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước và người trồng mía. Để ngụy trang, các đối tượng vận chuyển, giao nhận vẫn bằng hình thức sang từ xe lớn sang các xe trung chuyển nhỏ trong đêm tại các bãi xe nằm vùng ven như huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, Quận 12…

Đường nhập lậu do Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh thu giữ.

Đường nhập lậu do Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh thu giữ.

Mới đây nhất, ngày 23/1/2024, Đội QLTT số 19C (Cục QLTT TP Hồ Chí Minh) phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an xã Tân An Hội (Công an huyện Củ Chi) kiểm tra đột xuất Công ty TNHH T.M.D.N, tại ấp Bàu Tre 1, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi. Đoàn kiểm tra đã phát hiện 6.800kg đường cát nhập lậu, loại 50kg/bao, xuất xứ Campuchia. Đội QLTT số 19 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 19/1/2024, Đội QLTT số 3 (cục QLTT Quảng Ngãi) phối hợp với Đội 3, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an tỉnh Bình Định phát hiện trên ôtô tải mang biển kiểm soát 77H – 026.XX và 77H – 051.XX có hành trình từ TP Đà Nẵng đi vào các tỉnh phía Nam vận chuyển 44 tấn hàng thực phẩm là đường kính trắng do nước ngoài sản xuất, tại thời điểm kiểm tra chưa xuất trình đầy đủ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Trị giá ước tính khoảng 800 triệu đồng.

Đến chiều 20/1/2024, Đội QLTT số 3 đã hoàn thành thủ tục tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xử lý theo quy định. Tại tỉnh Bình Thuận, ngày 12/1, lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện tại hộ kinh doanh B.T.N, địa chỉ: số 455 Nguyễn Tất Thành, khu phố Lương Tây, thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình đang kinh doanh lô hàng 4.000kg đường cát trắng nhập lậu do Thái Lan sản xuất, lô hàng trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Bà N. chủ hộ kinh doanh cho biết, số hàng trên được mua trôi nổi trên thị trường. Trước đó, ngày 23/12/2023, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Long An tiến hành kiểm tra, phát hiện, tạm giữ 2 tấn đường cát do nước ngoài sản xuất nghi nhập lậu trên địa bàn huyện Đức Hòa.

Theo lực lượng chức năng, tình trạng vận chuyển đường nhập lậu diễn biến phức tạp, tinh vi hơn với các điểm “nóng” nổi lên là địa bàn các tỉnh, thành phố như: Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Mặc dù các lực lượng chức năng đã rất quyết liệt trong phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với mặt hàng đường cát, tuy nhiên các đối tượng móc nối, câu kết hình thành các đường dây với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Theo thống kê Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong năm 2023 các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 661 vụ việc vi phạm; 111.994 đối tượng. Qua đó tịch thu 684.492kg đường cát, tiêu hủy 99.944kg; xử phạt vi phạm hành chính 523 vụ, 654 đối tượng; xử lý hình sự 3 vụ, 3 bị can. Tổng số tiền phạt gần 1 tỷ đồng.

Trên thị trường ghi nhận từ cuối năm 2023 đến nay, giá đường thế giới có xu hướng tăng. Giá đường trong nước cũng nhích dần lên. Trước đó, từ ngày 18/8/2023, Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường mía của các doanh nghiệp Thái Lan là từ 4,65% đến 32,75%. Quyết định này có hiệu lực đến ngày 15/6/2026. Cùng với Thái Lan, Campuchia, Myanmar... cũng có nguồn cung đường dồi dào. Khi bị áp thuế chống bán phá giá ở mức cao, đường nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam sẽ khó cạnh tranh.

Tuy nhiên, mặt hàng đường cát ngoại hiện lại có giá thấp hơn giá sản phẩm trong nước. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các đối tượng buôn lậu lợi dụng sự chênh lệch về giá đường cát giữa thị trường các nước tiếp giáp Việt Nam với thị trường trong nước để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ trái phép đường cát ngoại.

Trong khi đó, người dân rất khó phân biệt được mặt hàng đường cát ngoại với đường cát sản xuất trong nước.

Trước nạn đường cát lậu diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh – thị trường tiêu thụ lớn của khu vực miền Nam, đại diện Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các Đội QLTT chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp, đại lý trong việc chấp hành các quy định về điều kiện nhập khẩu, sản xuất, lưu kho, vận chuyển, kinh doanh đường cát để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Chỉ tính riêng đối với mặt hàng đường cát, trong năm 2023 các lực lượng QLTT TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra 44 vụ vi phạm, kết quả xử lý phạt tiền 1,44 tỷ đồng, tịch thu 14,8 tấn đường và buộc tiêu hủy 100,8 tấn đường cát.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ sưu tập 1.000 con rồng được làm từ nhiều chất liệu như gỗ, sơn mài, gốm, kim loại, thể hiện sự đa dạng của nghề truyền thống, sắp đặt thể hiện câu chuyện từ truyền thuyết nói về xuất thân của người Việt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Đức ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN