''Đỏ mắt'' tìm kit test Việt Nam sản xuất

Tại nhiều tiệm thuốc Tây ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… khách hàng gần như không thể tìm mua kit test nhanh COVID-19, có nguồn gốc xuất xứ trong nước.

Không bán hàng Việt

Ngày 10/3, trong vai khách hàng cần mua kit test do Việt Nam sản xuất, chúng tôi đến nhiều hệ thống nhà thuốc lớn, nhỏ, chợ thuốc sỉ tại TPHCM nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ nhân viên bán hàng.

Khu vực đường Nguyễn Giản Thanh, Quận 10 - nơi được xem là chợ thuốc tây và vật tư y tế bán sỉ lớn nhất TPHCM. Ảnh: Hữu Huy

Khu vực đường Nguyễn Giản Thanh, Quận 10 - nơi được xem là chợ thuốc tây và vật tư y tế bán sỉ lớn nhất TPHCM. Ảnh: Hữu Huy

Tại khu vực đường Nguyễn Giản Thanh (quận 10), nơi được xem là chợ thuốc tây và vật tư y tế bán sỉ lớn nhất TPHCM, không có cửa hàng nào kinh doanh kit test nhanh “Made in Việt Nam”.

Cụ thể, chị H., nhân viên một cửa hàng kinh doanh thuốc tây tại chợ này báo giá: kit test Humasis (nhập khẩu từ Hàn Quốc) có giá 85.000 đồng/bộ, kit test Labnovation có xuất xứ từ Trung Quốc có giá 65.000 đồng/bộ (nếu lấy 1 hộp gồm 10 que test sẽ được giảm giá còn 60.000 đồng/bộ), kit test Biocredit xuất xứ từ Hàn Quốc có giá 75.000/bộ, kit test Standard Q của Hàn Quốc có giá từ 75.000- 80.000 đồng/bộ.

Theo một số nhân viên và chủ cửa hàng kinh doanh thuốc và vật tư y tế ở chợ này, giá các kit test đã ổn định trở lại sau thời gian tăng giá cách đây hơn 1 tuần.

Khi đề nghị muốn mua kit test do Việt Nam sản xuất, những người kinh doanh ở đây khẳng định, từ khi kinh doanh kit test nhanh COVID-19 cho đến nay, họ chỉ nhập và bán các kit test có nguồn gốc từ nước ngoài và chưa kinh doanh kit test có nguồn gốc, xuất xứ trong nước.

“Tất cả kit test COVID-19 nhập khẩu được kinh doanh ở đây đều có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Từ khi kinh doanh bộ test nhanh COVID-19 đến nay, chúng tôi chưa từng nhập về sản phẩm test nhanh có nguồn gốc trong nước” - bà N., chủ một cửa hàng kinh doanh vật tư y tế ở đường Nguyễn Giản Thanh nói.

Vào hàng chục tiệm thuốc Tây trên đường Hai Bà Trưng (quận 3), chúng tôi cũng chỉ nhận được câu trả lời “không có bán kit test của Việt Nam”. “Chúng tôi có 2 loại kit test, hàng Trung Quốc 70.000 đồng/bộ, hàng Hàn Quốc 90.000 đồng/bộ. Ở đây không bán hàng Việt Nam” - nhân viên tiệm thuốc Thanh Châu thông tin.

Hệ thống nhà thuốc Long Châu cung cấp 4 loại test nhanh, gồm Humasis (Hàn Quốc) giá 110.000 đồng/bộ, Salocor (Phần Lan) giá 95.000 đồng/bộ, Todarpharma (Pháp) 90.000 đồng/ bộ, Rapidfor (Thổ Nhĩ Kỳ) 85.000 đồng/bộ. Nếu mua sỉ 5,10 bộ hoặc cả hộp sẽ có giá rẻ hơn.

Tại các trang bán hàng online, chúng tôi cũng không thể tìm mua kit test hàng Việt. Đa số đều chào hàng các loại kit test hiệu Hometest của Hàn Quốc, Deepblue của Đức… có giá từ 60.000-100.000 đồng/bộ.

“Tôi thường mua kit test nhanh cho công ty mỗi tháng. Khi các nhà thuốc báo giá, tôi sẽ chọn loại rẻ nhất để mua, cũng không quan tâm đến hàng của nước nào nhưng đều không thấy có hàng Việt” - anh Minh, một nhân viên truyền thông (ngụ tại Bình Chánh) nói.

Tại Bình Dương, nhiều cửa hàng bán thuốc Tây trên địa bàn tỉnh này cũng vắng bóng kit test mang thương hiệu Việt Nam và không có hàng do Việt Á sản xuất. Hầu hết các cơ sở thuốc Tây đều bán loại xét nghiệm nhanh COVID-19 xuất xứ từ Hàn Quốc, Mỹ… với giá từ 65.000 - 120.000 đồng/bộ.

Tương tự, ông Lê Văn Hùng, chủ hiệu thuốc ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) chuyên kinh doanh các loại kit test khẳng định: “Cho đến nay, tôi chỉ bán các loại kit test nhanh của nước ngoài, phần nhiều xuất xứ từ Hàn Quốc, chứ chưa bao giờ thấy bộ kit test nào của Việt Nam sản xuất được nhà phân phối giới thiệu”.

Kit test Việt Á đang ở đâu?

Liên quan đến 3 bệnh viện trên địa bàn TPHCM mua kit test nhanh của Công ty CP Công nghệ Việt Á, ngày 10/3, trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết: “Vụ việc đã được cơ quan công an điều tra thụ lý. Cơ quan chức năng chưa có kết luận về vụ việc. Khi nào có kết quả điều tra, thanh tra, Sở Y tế TPHCM sẽ có thông tin cụ thể”.

3 bệnh viện mua kit test của Công ty Việt Á tại TPHCM gồm: Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức và Bệnh viện quận Bình Tân. Trong đó, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã mua 1.250 kit test với tổng giá trị hơn 636 triệu đồng. Bệnh viện Quận Bình Tân đã mua từ Công ty Việt Á 1.920 kit test.

Đơn vị mua nhiều kit test xét nghiệm nhất của Công ty Việt Á trên địa bàn TPHCM là Bệnh viện Thành phố Thủ Đức với 65.870 kit test, tổng giá trị 32 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, BS Nguyễn Lan Anh, Phó giám đốc điều hành bệnh viện này nói: “Chúng tôi đã phối hợp với cơ quan Công an làm rõ những vấn đề liên quan đến việc mua kit test của Công ty Việt Á. Bệnh viện có một nhân viên phòng vật tư bị khởi tố vì liên quan đến vụ việc trên. Việc mua bán và sử dụng kit test cũng như số lượng còn lại đã được cung cấp cho cơ quan chức năng, hiện bệnh viện cũng đang chờ kết luận điều tra”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, trong đợt dịch vừa qua, Đồng Nai được các doanh nghiệp, tổ chức tài trợ rất nhiều kit test, chủ yếu là các bộ kit test có xuất xứ nước ngoài. Sau khi tiếp nhận, kit test được giao cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) quản lý, phân phối.

Hiện tại CDC vẫn còn tồn cả triệu bộ kit test. Trong số hàng triệu bộ kit test được tài trợ cho Đồng Nai, bác sĩ Bình cho hay cũng có bộ kit test do Trueline COVID-19 Ag Rapid do Việt Nam sản xuất.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, vào thời điểm địa phương mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á là lúc dịch bệnh phức tạp nên mua bao nhiêu hết bấy nhiêu.

Sau này, nhiều đơn vị cung cấp kit xét nghiệm rẻ hơn nên Bình Dương không còn lấy từ Việt Á. Do đó, trước khi Việt Á bị Bộ Công an điều tra, kit xét nghiệm của doanh nghiệp này ở Bình Dương không còn.

Nguồn: [Link nguồn]

Phát hiện số lượng lớn kit test COVID-19 không rõ nguồn gốc, hé lộ thủ đoạn nhập lậu

Nhiều đối tượng nhập số lượng lớn kit test COVID-19 với giá rẻ từ nước ngoài về sau đó khai báo sai tên hàng hoá để “tuồn” về thị trường nội địa tiêu thụ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV Ban TPHCM ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN