Đìu hiu dịch vụ mùa cưới

Để tiết kiệm chi phí, mùa cưới năm nay nhiều gia đình có xu hướng mua nguyên liệu về tự chuẩn bị cỗ lễ thay vì đặt hàng ở các nhà hàng dịch vụ cưới. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều đơn vị kinh doanh loại hình dịch vụ này rơi vào tình trạng ế ẩm dù liên tục tung ra những chiêu khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn…

Giảm giá vẫn ế khách

Chị Hoàng Thuý Nga, nhân viên một đơn vị chuyên tổ chức tiệc cưới trên đường Ngô Gia Tự, quận Long Biên chia sẻ, mặc dù cửa hàng đã treo biển giảm giá 10- 50% từ 2 tháng nay nhưng lượng khách đến đặt tiệc cưới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các dịch vụ trọn gói như làm cổng chào, cho thuê tráp, đồ ăn hỏi, trang trí phông cưới, in thiếp cưới, cỗ cưới… đều đưa ra mức giá thấp hơn so với mọi năm nhưng tình hình kinh doanh vẫn không mấy khả quan.

Theo nhiều đơn vị tổ chức tiệc cưới chuyên nghiệp, khác với không khí tưng bừng mọi năm, năm nay các cặp uyên ương đã tiết giảm một số nhu cầu nhằm tiết kiệm chi phí trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Chính vì vậy, các đơn vị kinh doanh tiệc cưới cũng cho nhập lượng hàng hoá rất cầm chừng. “Nếu như vào mùa cưới những năm trước, tôi có thể bỏ ra vài trăm triệu để mua nguyên liệu dự trữ thì năm nay nhập vài chục triệu tiền hàng vẫn lo ế…”, chị Trần Mai Lan, chủ một cửa hàng chuyên đặt lễ ăn hỏi trên phố Hàng Than, quận Hoàn Kiếm cho hay.

Đìu hiu dịch vụ mùa cưới - 1

Thay vì tổ chức tiệc cưới tại những khách sạn, nhà hàng sang trọng,
nhiều người chọn thuê hội trường tự làm tiệc cưới. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh dịch vụ đặt cỗ, lễ cho đám cưới thì các dịch vụ như chụp ảnh cưới, thuê váy cưới, trang điểm cô dâu,… cũng rơi vào cảnh “đìu hiu”. Dạo qua một số tuyến phố như Quang Trung, Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hồ Tùng Mậu… chúng tôi nhận thấy rất nhiều ảnh viện áo cưới treo băng rôn giảm giá 50%-70%. Anh Lương Thanh Hải, quản lý một studio trên phố Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng cho biết, mùa cưới năm nay lượng khách hàng đến chụp ảnh, thuê váy cưới, trang điểm,…tại studio giảm mạnh. Vì vậy, để thu hút khách hàng, anh Hải thường xuyên tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhưng lượng khách tăng không đáng kể. Trong khi chi phí đầu tư như thuê nhà, nhân viên, trang thiết bị kỹ thuật tăng giá liên tục nhưng lợi nhuận không tăng khiến nhiều ảnh viện đã phải đóng cửa.

Theo khảo sát của chúng tôi, trong khi các năm trước gói album ảnh cưới trọn gói tại Hà Nội có giá từ 3,5- 5 triệu đồng thì năm nay 1 album ngoại cảnh cùng loại có giá khoảng 2- 3 triệu đồng, kèm theo 1 album cưới cỡ nhỏ 10 cm x 10 cm, tặng 2 ảnh phóng lớn. Thậm chí, nhiều ảnh viện áo cưới còn có gói chụp ảnh cưới “siêu tiết kiệm” từ 2- 3 triệu đồng, dã ngoại 3 địa điểm ở Hà Nội, kèm theo 2 đĩa DVD, 2 ảnh phóng cỡ 40 cm x 60 cm. Gói dịch vụ cao cấp từ 30- 50 triệu đồng hầu như không được lựa chọn, thay vào đó là những gói dưới 5 triệu đồng. Đặc biệt, để tiết kiệm chi phí nhiều cặp uyên ương còn chọn phương án chỉ chụp ảnh phóng với giá dưới 1 triệu đồng, thay vì chụp cả album như trước.

Tuyển sinh viên để giảm chi phí

Trước tình trạng lượng khách đặt tiệc cưới giảm, một số nhà hàng, khách sạn chỉ tuyển dụng đội ngũ phục vụ với số lượng cầm chừng. Đến mùa cao điểm, tùy theo lượng khách đặt, họ sẽ tuyển thêm nhân viên làm part time (bán thời gian). Anh Phan Thanh Hải – quản lý một khách sạn trên đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ cho biết, thông thường mức lương trả cho học sinh, sinh viên cho công việc phục vụ là 100.000 đồng/người/buổi, bắt đầu từ 17h đến 22h. Mức lương này thấp hơn mức lương mà khách sạn trả cho đội ngũ phục vụ hợp đồng dài hạn.

Thông thường, công việc mà các bạn sinh viên có thể làm thêm là phục vụ trên sân khấu tiệc cưới, từ MC cho đến các tiết mục văn nghệ, nhân viên phục vụ,... Những công việc này không chỉ là cơ hội kiếm thêm thu nhập mà còn là môi trường để nhiều sinh viên được đào tạo chuyên ngành phục vụ trong các lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn cọ xát với thực tế để nâng cao trình độ chuyên môn. Thế nhưng, trong quá trình mưu sinh, họ cũng gặp không ít tình huống dở khóc, dở cười.

Một số trung tâm tổ chức tiệc cưới do tuyển sinh viên không được đào tạo chuyên nghiệp tại các trường nghệ thuật nên khi được đảm nhiệm vai trò MC, họ đã tỏ ra khá lúng túng. Từng dẫn chương trình cho một số sự kiện ở trường phổ thông và “bỏ túi” được ít nhiều kinh nghiệm, nhưng MC đám cưới lại là một lĩnh vực khá mới lạ, nên Phương Dung, sinh viên trường ĐH Công đoàn phải mất thời gian học thuộc một kịch bản, đồng thời tự tập cho mình những phản ứng linh hoạt trên sân khấu. Tuy nhiên, qua những lần dẫn thực tế, Dung cho biết, cô vẫn chưa thực sự tự tin trên sân khấu, thỉnh thoảng vẫn bị mắc lỗi. Chính vì vậy, không ít lần Dung đã bị đơn vị tuyển dụng cắt bớt mức cát-xê đã thoả thuận trước đó…

Khác với diện mạo luôn lấp lánh từ những công việc nhằm khuấy động sân khấu tiệc cưới, những sinh viên được đào tạo chuyên ngành phục vụ trực tiếp như: nấu ăn, chạy bàn... cũng khá đắt “sô” trong mùa cưới. Theo phân chia của nghề, những người vững về chuyên môn sẽ đứng ở vị trí quan trọng như chảo, thớt..., còn mình đi làm lần đầu chỉ dám nhận những việc lặt vặt”, Tuấn Anh, sinh viên trường CĐ Du lịch chia sẻ. Sau 2 năm có kinh nghiệm làm thêm công việc này, Tuấn Anh tâm sự, gặp khách dự lễ cưới dễ tính thì còn may, chứ gặp người khó tính họ liên tục gọi phục vụ để sai lấy hết cái này đến cái khác, đến cuối buổi tiệc chân tay rã rời, không buồn bước… Tuy nhiên, công việc này cũng giúp nhiều bạn sinh viên có thêm thu nhập còn các trung tâm tổ chức tiệc cưới phần nào tiết kiệm được chi phí nhân lực trong bối cảnh kinh tế khó khăn. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Bảo (An ninh Thủ đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN