Điều hành về xăng dầu: Bộ Tài chính phải “chữa cháy”
Bộ trưởng Bộ Tài chính nói một đằng, cấp dưới làm một nẻo. Cuối cùng, thông tư mới ban hành, lập tức có một thông tư khác thay thế.
Chiều 21/1, nhiều người dân thảng thốt khi Bộ Tài chính bất ngờ ban hành Thông tư 07 “phủ nhận” Thông tư 06 do một Thứ trưởng của cơ quan này ký ban hành trước đó một ngày (cũng có hiệu lực từ 21/1), với quyết định không nâng thuế nhập khẩu các loại xăng lên kịch trần, ở mức 40% và lên mức 35% với mặt hàng dầu diezel.
Bộ Tài chính “loạn chiêu” khi tăng rồi giảm thuế nhập khẩu xăng dầu trong 1 ngày?. Ảnh: Như Ý.
Trưa cùng ngày, sau khi có tin về hạ giá xăng dầu và tăng mức thuế nhập khẩu mới, PV Tiền Phong liên lạc với Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng để làm rõ lý do phát biểu của ông và văn bản chỉ đạo không thống nhất. Bởi vì, trước đó, trong cuộc gặp báo chí, chính Bộ trưởng Dũng đã khẳng định sẽ giữ nguyên loại thuế này.
Nhận tin, Bộ trưởng Dũng tỏ ra bất ngờ, và dù đang đi công tác xa, nhưng ông lập tức chỉ đạo thu hồi ngay Thông tư 06/2015/TT-BTC. Sau đó ít giờ, Văn phòng Bộ Tài chính phát đi thông báo khẳng định tiếp tục giữ nguyên các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng xăng dầu theo Thông tư cũ (số 03/2015/TT-BTC).
Theo đó, Bộ này lý giải do giá dầu thô và các mặt hàng xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục giảm, để dành dư địa cho điều hành giá, giúp giảm các chi phí đầu vào của nền kinh tế; cơ quan này tiếp tục giữ nguyên các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng xăng dầu như quy định tại Thông tư số 03 ngày 6/1/2015.
Cụ thể xăng, dầu hỏa, dầu madút vẫn giữ nguyên thuế suất 35% trong khi dầu diezel có thuế suất 30% và xăng máy bay, nhiên liệu bay giữ thuế suất 25%. “Với những tờ khai hàng hóa nhập khẩu của mặt hàng xăng dầu đăng ký với cơ quan hải quan từ ngày 21/1 bị tính thuế theo quy định của Thông tư 06 thì được hoàn thuế theo mức thuế cũ”, Bộ Tài chính cho biết.
Phó Chánh văn phòng Bộ Tài chính Phạm Doãn Quân cho biết, theo trình tự, Bộ Tài chính sẽ gửi văn bản tới Bộ Công Thương, rồi Bộ Công Thương sẽ gửi cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhận thấy chưa đúng thời điểm, nên lãnh đạo Bộ Tài chính quyết định thu hồi. Thực tế, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 07/2015/TT-BTC để bãi bỏ Thông tư số 06/2015/TT-BTC và có hiệu lực ngay tức thì.
Điều hành có vấn đề?
Dù Bộ Tài chính rút văn bản chỉ đạo không tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xăng dầu, nhưng dường như việc điều hành về xăng dầu của Bộ Tài chính đang có vấn đề. Thứ nhất, việc ban hành 2 thông tư có hiệu lực áp dụng trong cùng một ngày khiến doanh nghiệp xăng dầu đầu mối không thể xoay xở kịp.
Thứ hai, với cách điều hành giá xăng dầu hiện nay, sẽ rất khó hiểu quyết định giữ nguyên mức thuế nhập khẩu xăng dầu do Bộ Tài chính ban hành được áp dụng với loại hình xăng dầu nhập khẩu nào trên thị trường? Thực tế đang tồn tại song song 2 loại thuế khác nhau đối với mặt hàng xăng dầu.
Cụ thể, theo các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, mức thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu có thể dao động từ 0% đến 40%. Trong khi, nếu đối chiếu với các quy định trong cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018, mặt hàng xăng dầu thuế nhập khẩu chỉ ở mức 20% trong giai đoạn 2015-2018. Thuế nhập khẩu diezel ở mức 5% cho năm 2015 và giảm tiếp dần về mức 0% từ năm 2016 đến năm 2018.
Như vậy, với những doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu từ khu vực ASEAN sẽ chỉ phải đóng thuế nhập khẩu xăng dầu 5%-20% (với điều kiện có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng nhập khẩu). Còn nhập khẩu từ các khu vực khác sẽ phải áp thuế theo Thông tư 03, cao nhất là 35%.
Tuy nhiên, dù ban hành liên tiếp 2 thông tư điều hành thuế nhập khẩu xăng dầu, nhưng Bộ Tài chính mới chỉ quan tâm đến điều hành mức thuế với những thị trường có mức thuế cao nhất mà bỏ quên điều hành xăng dầu nhập khẩu từ các nước thuộc khu vực ASEAN (trong khi đây là những thị trường có mức nhập khẩu cao nhất của Việt Nam)?
Chiếu theo số liệu chính thức của Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan, 11 tháng của năm 2014, cả nước nhập khẩu 7,88 triệu tấn xăng dầu với trị giá là 7,23 tỷ USD. Xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2014 chủ yếu có xuất xứ từ Singapore với 2,46 triệu tấn, Thái Lan 757.000 tấn, Malaysia 373.827 tấn, Trung Quốc 1,54 triệu tấn, Hàn Quốc 553.000 tấn.