Đến lúc phục vụ doanh nghiệp

Lần đầu tiên một luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ được xây dựng trên tinh thần phục vụ thay vì phải xin - cho

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Đặng Huy Đông nhấn mạnh quan điểm xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tại hội thảo lấy ý kiến xây dựng luật này do Bộ KH-ĐT, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ - USAID tổ chức ngày 9-6 ở TP HCM.

Món nợ phải trả

Nói về dự thảo Luật Hỗ trợ DNVVN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc chia sẻ đây là “món nợ” mà các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII chưa trả được cho cộng đồng DN khi không thúc đẩy được luật này sớm hơn. Thực tế, không phải đến giờ các ĐBQH mới đấu tranh để có được một luật hỗ trợ cộng đồng DNVVN Việt Nam với các chính sách đồng bộ, có hệ thống mà ngay từ Quốc hội khóa XII, nhiều đại biểu đã nói về sự cần thiết của luật này nhằm nâng sức cạnh tranh cho nền kinh tế và góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng…

“Món nợ này, các ĐBQH mới được bầu khóa XIV sẽ tiếp tục trả, nhất là những đại biểu tái cử. Thuận lợi là chưa bao giờ Quốc hội và Chính phủ có tiếng nói mạnh mẽ để hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng DN như gần đây, hy vọng luật này sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV vào tháng 10 tới” - ông Phúc nhấn mạnh.

Đến lúc phục vụ doanh nghiệp - 1

Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ dễ dàng tiếp cận vốn và ưu đãi trong quá trình phát triển, hội nhập Ảnh: TẤN THẠNH

Theo Bộ KH-ĐT, điểm nhấn của dự thảo luật là quy định rõ các nội dung hỗ trợ cơ bản cho đối tượng DNVVN như cải thiện môi trường kinh doanh; tiếp cận tín dụng tại ngân hàng, các quỹ bảo lãnh, hỗ trợ thuế thu nhập DN, mặt bằng sản xuất kinh doanh, mua sắm công, xúc tiến mở rộng thị trường...

Cụ thể, DN sẽ được hỗ trợ giảm thuế thu nhập DN 5% trong thời hạn tối đa 5 năm kể từ khi bắt đầu có hoạt động sản xuất kinh doanh; mở rộng kênh tiếp cận tín dụng cho DNVVN vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và hỗ trợ khởi nghiệp như các quỹ tương hỗ, quỹ đầu tư khởi nghiệp và hình thức gọi vốn cộng đồng...

Ông Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cho rằng các chính sách hỗ trợ DNVVN của Việt Nam thời gian qua có nhưng chưa cụ thể. Sự phát triển của các DN này phải được xem như chiến lược quốc gia trong quá trình phát triển. “Trong lúc mọi người say sưa với những “quả đấm thép” là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tôi lại quan tâm tới DNVVN bởi những nước có cộng đồng DN này phát triển mới thu hẹp khoảng cách giàu nghèo” - ông Lịch nói.

Có điều, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Ủy viên Ủy ban Khoa học và Môi trường của Quốc hội, các chính sách hỗ trợ trong luật liên quan đến đất đai, tín dụng, thuế, hỗ trợ nghiên cứu phát triển công nghệ cần có tiêu chí rõ ràng để DN tiếp cận, tránh cơ chế “xin - cho”. Quan trọng nhất là minh bạch để DN được thụ hưởng.

Khác biệt lớn nhất của dự thảo luật này được Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định là tư tưởng tiếp cận xem DN là đối tượng phục vụ và hỗ trợ, là dịch vụ công nhà nước phải cung cấp cho DN nhằm giúp cho sự phát triển của nền kinh tế. Luật sẽ chi tiết, cụ thể hơn và đi vào thực tiễn chứ không có chính sách chung chung; DN phải được phục vụ, nhất thiết không xây dựng theo hướng DN phải “xin - cho” mới được hưởng hỗ trợ. Đặc biệt, luật sẽ quy định cụ thể trách nhiệm của từng bộ, ngành và có sự đánh giá, giám sát của Quốc hội và cả xã hội để quá trình thực thi tốt hơn.

Không để quỹ bảo lãnh “ngồi chơi xơi nước”

Kinh nghiệm từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật cho thấy phát triển khu vực DNVVN đều gắn với ngành công nghiệp hỗ trợ. Thậm chí, Hàn Quốc còn cấm các tập đoàn, tổng công ty làm công nghiệp hỗ trợ và chỉ dành cho DNVVN. Với Việt Nam, nếu không phát triển công nghiệp hỗ trợ mà chỉ gia công, lắp ráp rồi nhập nguyên phụ liệu về thì các hiệp định thương mại có hiệu lực, DN Việt cũng không tận dụng được lợi thế. Nhưng Luật Hỗ trợ DNVVN có vi phạm cam kết quốc tế?

Ông Trần Du Lịch cho rằng hỗ trợ khác với trợ cấp và đây là cơ hội vì trong TPP cũng đề cập, quan trọng là cách nhà nước hỗ trợ ra sao. “Nhà nước có thể hỗ trợ theo 4 nhóm chính gồm tín dụng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và giúp DN tiếp cận thị trường. Ở Đài Loan, có hẳn trung tâm hỗ trợ triển lãm dành riêng cho DNVVN làm triển lãm, trưng bày không phải trả tiền. Các chính sách hỗ trợ phải tập trung, không cào bằng” - ông Lịch góp ý.

Một trong những điều được dự thảo luật đề cập là các quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ giúp DNVVN tiếp cận vốn. Cụ thể, DN có phương án sản xuất kinh doanh khả thi được vay vốn tại Quỹ Phát triển DNVVN, nâng cao năng lực tài chính cho các quỹ bảo lãnh tín dụng. Theo ông Trần Du Lịch, cách đây 10 năm, TP HCM đã có ý tưởng lập quỹ này nhưng đến giờ chỉ hoạt động cầm chừng hoặc “ngồi chơi xơi nước”. Quỹ bảo lãnh tín dụng mà bắt DN phải thế chấp tài sản giống như “tiệm cầm đồ cao cấp”.

Trong khi ở Mỹ, nhà nước lập ra quỹ bảo lãnh để giải quyết vướng mắc của DN trong tiếp cận vốn. Khi đánh giá hiệu quả, 10 DN đi vay sẽ có khoảng 2-3 DN không trả được tiền, quỹ phải trả nợ thay nhưng xã hội sẽ có lợi nhờ DN hoạt động hiệu quả, phát triển. Nếu cứ đứng trên quan điểm quỹ bảo lãnh nhưng không được để mất vốn thì rất khó.

Ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội DNVVN Việt Nam, cũng cho rằng với các DNVVN, ngân hàng thương mại chưa hẳn hỗ trợ tốt hơn quỹ bảo lãnh trong việc tiếp cận tín dụng nhưng quan trọng là dự thảo luật cần thêm vai trò của các quỹ này.

Được ưu đãi khi cho DNVVN vay vốn

Theo dự thảo luật, Chính phủ sẽ dành một số ưu đãi cho các ngân hàng thương mại khi đạt tỉ lệ dư nợ tối thiểu cho vay DNVVN là 30% hoặc cho các DN này vay với lãi suất ưu đãi theo các mục tiêu phát triển. Một số ưu đãi cụ thể mà ngân hàng được hưởng như thực hiện các biện pháp tỉ lệ dự trữ bắt buộc, chiết khấu, tái cấp vốn, khoanh nợ và xử lý rủi ro, trích lập dự phòng… phù hợp với thông lệ quốc tế. Như ở Đài Loan, chính phủ khuyến khích ngân hàng cung cấp tín dụng cho DNVVN như điều chỉnh lãi suất, quy định tỉ lệ cung cấp tín dụng nhất định cho DNVVN tăng lên hằng năm. Dự thảo luật cũng quy định các ngân hàng thương mại phải đơn giản thủ tục, thời gian giải ngân vốn nhanh, bảo đảm an toàn tín dụng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN