Đề xuất tăng gấp 5 lần thuế tiêu thụ với thuốc lá

Sự kiện: Kinh Doanh

Đề xuất của Bộ Tài chính áp dụng thêm mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá ở mức 1.000 đồng/bao được đánh giá là quá thấp và nên tăng gấp 2 hoặc thậm chí 5 lần.

Điều này được thạc sỹ Đào Thế Sơn, giảng viên Đại học Thương mại nêu lên tại buổi hội thảo về thuế thuốc lá sáng 8/5 tại Hà Nội.

Giơ cao đánh khẽ?

Nhìn lại những những lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá các năm trước, ông Sơn thẳng thắn, khoảng cách giữa những lần tăng thuế là quá xa: năm 2008, 2016 và theo lộ trình tiếp theo là năm 2019. Mức tăng theo ông của mỗi đợt điều chỉnh cũng chỉ là 5% (năm 2008 mức thuế là 65%, năm 2016 là 70% và năm 2019 là 75%.)

Khoảng cách giữa những lần điều chỉnh thuế khá xa với mức thấp theo ông Sơn khiến giá thuốc lá có xu hướng tăng nhưng không theo kịp mức tăng thu nhập bình quân của người Việt.

Ông dẫn số liệu thống kê năm 2015-2016 của Tổng cục thống kê và Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy: Giá thuốc lá trong 2 năm 2014 đến 2016 chỉ tăng khoảng hơn 1.000 đồng/bao trong khi thu nhập trên đầu người của người dân tới hơn 5 triệu đồng/người.

Nhìn vào số lượng thuốc lá tiêu thụ trong những năm qua, chính ông Sơn cũng chỉ ra điểm đặc biệt là: lượng tiêu dùng thuốc lá chỉ giảm trong những năm áp dụng chính sách tăng thuế. Nhưng, trong những năm sau đó, số lượng thuốc lá được bán ra lại tăng vọt. Điều này theo vị chuyên gia đồng nghĩa là chính sách thuế hiện tại không hiệu quả trong việc giảm lượng người hút thuốc.

Đề xuất tăng gấp 5 lần thuế tiêu thụ với thuốc lá - 1

Mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá trong những năm qua bị chê là quá thấp.

Nêu thêm vấn đề trên, ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, nghiên cứu của cơ quan này năm 2017 cho thấy, tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ thuốc lá của Việt Nam chỉ là 35% trong khi trung bình thế giới là 58,6%.

So với các nước ASEAN, tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ thuốc lá của Việt Nam thấp hơn rất nhiều nước như: Thái Lan, Singapore, Brunei, Indonesia, Malaysia,…

Ông khẳng định, tăng tỷ lệ thuế, từ đó tăng giá bán mới giúp giảm tiêu thụ. Ông dẫn thống kê của WHO năm 2016 tại Nam Phi: từ năm 1991 đến 2012, nước này đã liên tục tăng tỷ lệ thuế trong giá thuốc lá. Điều này đã khiến lượng tiêu thụ từ mức gần 2 tỷ bao về mức khoảng hơn 1,1 tỷ bao mỗi năm.

Đề xuất đánh thuế 5.000 đồng/bao

Với đề án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mới nhất vừa được Bộ Tài chính đưa ra, ngoài mức thuế 75% từ năm 2019, cơ quan này cũng muốn áp dụng thêm mức thu tuyệt đối là 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/một điếu xì gà.

Cách đánh thuế này được ông Đào Thế Sơn bày tỏ sự đồng tình. Ông phân tích, việc áp thuế theo mức tuyệt đối sẽ hạn chế việc chuyển dịch tiêu dùng từ các loại thuốc lá giá cao xuống giá thấp.

Theo ông, với đề xuất này, các dòng thuốc lá dù rẻ hay đắt cũng sẽ bị áp thêm một số tiền nhất định và điều này có thể giúp hạn chế đối tượng là người thu nhập thấp và thanh thiếu niên.

Tuy nhiên, ông lại tỏ ra băn khoăn, mức thu bổ sung 1.000 đồng/bao liệu có thấp quá không. Ông tính toán, với mức tăng trên, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể chỉ giảm 1,5% vào năm 2020. Trong khi đó, theo mục tiêu tới năm 2020 của Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc của nam giới phải xuống 39% thay vì 45,5% hiện tại. Điều này tức là, Việt Nam sẽ phải giảm 6,5% lượng người hút thuốc lá.

So sánh những con số trên, ông Sơn cho rằng, với phương án tăng thuế của Bộ Tài chính, kế hoạch của Chính phủ về giảm tỷ lệ người hút thuốc chỉ đạt được 1/4 mục tiêu.

Ông nêu lên đề xuất, từ năm 2020, bên cạnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ là 75%, mức thuế tuyệt đối nên ở mức 2.000 đồng/bao. Tuy nhiên, vị này cũng khuyến cáo, mức tối ưu là bổ sung mức thu 5.000 đồng/bao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN