Cứu chợ truyền thống bằng cách nào?

Sự kiện: Hàng Tết 2019

Thị trường Tết đang vào giai đoạn “nóng” nhất nhưng sức mua tại kênh truyền thống vẫn vậy

Chuẩn bị bước vào tuần cuối cùng trước Tết, trong khi các siêu thị tấp nập khách mua sắm thì ngược lại, chợ truyền thống mỏi mòn chờ khách.

Tiểu thương xoay xở đủ cách

Mới 19 tháng chạp (28-1), nhiều gian hàng quần áo ở chợ An Đông (quận 5, TP HCM) đã rục rịch dọn dẹp, chuẩn bị đóng cửa nghỉ Tết. Chị Hương, chủ sạp B114, cho hay mọi năm tầm 24-25 tháng chạp mới dọn hàng nhưng năm nay ế quá, buồn nên dọn sớm. “Hàng bán chỉ bằng 1/2 năm ngoái, mối hàng ở các tỉnh cũng than bán chậm, vừa lấy hàng ít vừa ngưng lấy hàng sớm” - chị Hương cho hay.

Tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), nhiều tiểu thương cho biết sức mua chỉ bằng 60% thời điểm giáp Tết Nguyên đán 2015. Chợ chậm quá nên quần áo treo ê hề, giá không những không tăng mà còn giảm. Các tiểu thương chợ Bình Tây (quận 6) cũng cho biết hàng bán đi tỉnh chỉ bằng 50% năm rồi, nguyên nhân một phần do người dân ngày càng hạn chế ăn kẹo mứt ngọt, một phần lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cứu chợ truyền thống bằng cách nào? - 1

Kênh phân phối hiện đại với hàng hóa phong phú và kiểm soát về chất lượng gần như lấn át các kênh phân phối truyền thống Ảnh: TẤN THẠNH

Theo Sở Công Thương TP HCM, chợ truyền thống ngày càng khó cạnh tranh do các kênh mua sắm hiện đại, bán hàng qua mạng, điện thoại, bán hàng trả góp... mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng hơn, được chuộng hơn. Thực trạng này đòi hỏi tiểu thương chợ truyền thống phải cân nhắc, tính toán để giữ khách. Nhiều tiểu thương ở những chợ lớn Bến Thành, An Đông, Bình Tây đã thay đổi cách tiếp cận phương thức bán hàng, gắn kết với người mua nhiều hơn, bán hàng chất lượng hơn và có chương trình khuyến mãi, giảm giá cho khách hàng thân thiết.

Cũng để giữ khách, tiểu thương ngành bánh kẹo ở chợ An Đông đã chủ động kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào và cung cấp đầy đủ thông tin nguồn gốc, xuất xứ cho khách mua. “Tôi chỉ mua hàng có đầy đủ giấy tờ chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Với khách sỉ, chúng tôi photocopy toàn bộ giấy tờ, chứng nhận của từng món hàng để giao kèm đơn hàng. Với khách lẻ, vì bánh kẹo nên phải tháo bao bì, đổ hàng ra túi ni-lông bán xá nhưng thay vì chỉ đổ hàng ra bán như mọi năm, năm nay tôi giữ lại nhãn phụ để dán lên từng túi bánh kẹo để khách biết hàng mua ở đâu, hạn sử dụng thế nào” - một tiểu thương ở chợ này nói.

Hàng nội chiếm ưu thế

Trước sức ép cạnh tranh, hàng nội buộc phải có bước tiến mạnh mẽ về mẫu mã, chất lượng, giá cả hợp lý hơn. Với tiêu chí hỗ trợ hàng Việt, hội chợ “Tết dùng hàng Việt” (diễn ra từ ngày 27 đến 31-1 tại Trung tâm Văn hóa TDTT quận Tân Bình) gồm 216 gian hàng của 160 doanh nghiệp, chủ yếu bày bán các sản phẩm thiết yếu và bánh mứt, các loại hạt, nông sản, đặc sản Tết của các DN, cơ sở sản xuất trong nước thu hút khá đông khách mua sắm.

Gặp chúng tôi ở hội chợ, chị Phan Thị Kim Thoa - nhà ở phường 5, quận Tân Bình - hào hứng khoe vừa mua được 1 balô Mr Vui giá rẻ và chuẩn bị mua vài món hàng dùng Tết. Theo chị Thoa, gian hàng CP đang giảm giá còn 17.000 đồng/vỉ 10 trứng; một số gian hàng giò chả, kẹo mứt nhìn rất hấp dẫn... dù chị đã đi siêu thị sắm Tết khá đầy đủ nhưng đến hội chợ xem có món nào được thì mua thêm.

Chị Nguyễn Thị Hải, nhà ở quận Bình Thạnh, cũng cho biết đã chuẩn bị Tết xong xuôi. Đồ dùng trong nhà chị 100% hàng nội, quà biếu cũng vậy, bao gồm nếp Bắc, miến dong đặt ở quê, chỉ có rượu vang là phải mua hàng nhập từ Pháp.

Tại khu bánh mứt, kẹo ở chợ Bình Tây (quận 6), bánh kẹo ngoại chiếm số lượng khá khiêm tốn so với hàng trong nước. Đặc biệt, hàng Trung Quốc gần như mất hút, thay vào đó là các loại hạt được giới thiệu là nhập khẩu từ Mỹ, Úc. Các loại chocolate, kẹo dẻo, mứt truyền thống vốn tiêu thụ mạnh dịp Tết phần lớn là hàng trong nước. Tại các siêu thị Maximark, Citimart - Aeon, Aeon, Emart, Lotte Mart..., hàng ngoại tương đối phong phú nhưng theo các siêu thị, số lượng không chênh lệch nhiều so với Tết 2015.

Tại hệ thống Lotte Mart, hàng nhập khẩu chiếm 5%-10% trong tổng số hàng hóa, ngoài sản phẩm Hàn Quốc còn có sản phẩm Thái, Indonesia, Malaysia... Theo đại diện hệ thống siêu thị này, trong dịp Tết, người tiêu dùng vẫn chú trọng những sản phẩm phù hợp với Tết Việt hơn hàng nhập khẩu; hàng nhập khẩu - kể cả hàng Hàn Quốc - chủ yếu làm phong phú thêm ngành hàng, tăng lựa chọn cho khách.

Còn tại Emart, sức tiêu thụ các mặt hàng nhập khẩu khá tốt. Ông Lê Hữu Tình, đại diện Emart, siêu thị nhập khẩu số lượng lớn sản phẩm No Brand (Hàn Quốc) và giới thiệu thêm hơn 100 chủng loại sản phẩm khác từ Hàn Quốc. Ngoài ra, Emart tăng cường các mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát và hàng nhập khẩu để đa dạng sự lựa chọn cho khách.

Siêu thị đắt hàng

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng Phòng Quản lý thương mại - Sở Công Thương TP HCM:

308 điểm bán thực phẩm an toàn

Nguồn hàng Tết năm nay rất dồi dào, doanh nghiệp (DN) không lo thiếu hàng mà lo thời gian nghỉ Tết lâu, người dân về quê và đi chơi xa, tiêu dùng trong Tết giảm. Ngoài ra, thói quen mua dự trữ không còn, hệ thống phân phối rộng khắp, thời gian mở cửa bán hàng kéo dài cận Tết và sáng mùng 2 Tết đã mở cửa bán lại nên không tạo cho thị trường áp lực lớn. DN phải tính toán phương án phân phối dàn trải ra, TP HCM không còn là điểm DN tập trung khai thác dịp Tết mà DN phải tính toán đến chuyện đưa hàng đi các tỉnh.

Về giá, các mặt hàng thiết yếu trong chương trình bình ổn thị trường chiếm thị phần tương đối lớn, có những mặt hàng chiếm đến trên 50% thị phần nên có thể chi phối, điều phối thị trường. Các DN đã chủ động và rất có trách nhiệm trong việc giữ giá, không lo họ bán phá giá. Điểm tích cực nhất trong Tết này là sự ra đời của chuỗi các điểm bán thực phẩm an toàn. TP HCM đã xây dựng được 308 điểm bán thực phẩm an toàn, được kiểm soát, cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu sản xuất đến khâu lưu thông. Người tiêu dùng có thể yên tâm mua sắm ở những cửa hàng này.

Bà Lê Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food:

Nín thở giữ giá

Sức mua thị trường Tết năm nay khá chậm, mới sôi động khoảng 1 tuần nay, dự báo là doanh thu mùa Tết năm nay sẽ sụt giảm. Trong năm, sức mua quá yếu nên dù giá nguyên liệu nhập khẩu (60% nguyên liệu đầu vào của Sài Gòn Food như cá trứng, cá hồi, cá saba nhập từ Nhật, châu Âu) tăng giá khá nhiều cộng thêm tỉ giá nhưng sức mua quá kém nên chúng tôi không dám tăng giá bán.

Bên cạnh đó, kênh bán lẻ hiện đại phát triển quá nhanh, siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi mọc ra như nấm khiến chi phí lưu thông, giao nhận của DN bị đội lên. Công ty còn phải chi đậm cho khuyến mãi để đẩy hàng ra thị trường, giữ thị phần. Không riêng gì chúng tôi mà DN nào cũng phải nín thở giữ giá.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op:

Kiểm soát chặt khâu chất lượng

Ba năm gần đây, sức mua dồn về những ngày cuối Tết. Tất cả hệ thống siêu thị đều đẩy mạnh giảm giá dịp cuối năm nhưng quan trọng là cách làm khuyến mãi, sản phẩm và chương trình khuyến mãi có chất lượng hay không mới hút được khách. Tại hệ thống Co.opmart, từ ngày 15-12-2015 đã triển khai các chương trình thu hút khách mua hàng, tạo sự lan tỏa, nhờ vậy sức mua rất tốt. Saigon Co.op vừa công bố 176 điểm bán thực phẩm an toàn, đến Tết sẽ có 180 điểm. Ngoài việc kiểm soát chặt chẽ hàng hóa (kiểm tra 3 lần tại nguồn, tổng kho và điểm bán), chúng tôi còn làm việc với các nhà cung cấp, siết chặt điều kiện nhập hàng để họ chủ động kiểm soát chất lượng tốt hơn, bảo đảm nguồn hàng tốt hơn cho người tiêu dùng.

Thanh Nhân ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Như Ý (Người lao động)
Hàng Tết 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN