Cuộc chiến bán lẻ đến hồi quyết liệt

Sự kiện: Kinh Doanh

Thị phần bán lẻ giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước đang ngang ngửa, buộc các doanh nghiệp phải đẩy mạnh thu hút khách hàng.

Ở TP HCM, đến siêu thị Co.opmart Foodcosa Quang Trung (quận Gò Vấp) thời gian gần đây, nhiều người ngạc nhiên vì khu vực bán hàng tự chọn bắt mắt hơn hẳn một số Co.opmart trên địa bàn. Siêu thị này mở cửa từ 7 giờ 30 phút, sớm hơn các Co.opmart khác 30 phút. Đại diện Co.op Foodcosa Quang Trung giải thích: Nếu không chăm sóc tốt hơn thì sẽ mất khách hàng vì quanh đây có quá nhiều nhà bán lẻ lớn của nước ngoài.

So kè từng chút

Không nơi nào ở TP HCM tập trung nhiều thương hiệu bán lẻ hiện đại như Gò Vấp. Trong nước có Co.opmart, Vincom Plaza; nước ngoài thì có Emart, Lotte Mart, BigC. Trong đó, Emart luôn có những chương trình “nhấn” để thu hút khách hàng. “Đồng hương” với Emart, Lotte Mart Gò Vấp khai trương vào cuối tháng 4-2016 cũng không kém cạnh về sự đa dạng hàng hóa, chính sách giá và dịch vụ khách hàng. Lotte Mart Gò Vấp là bản sao mô hình Lotte Mart ở Hàn Quốc với các trang thiết bị hiện đại, có cả khu vực chăm sóc thú cưng, luôn tạo ra sự khác biệt với các điểm bán lẻ khác.

Chính vì thế, cuộc cạnh tranh bán lẻ ở Gò Vấp được đánh giá là quyết liệt, các siêu thị phải so nhau từng chút nhằm lôi kéo khách hàng. Theo thông tin trong ngành bán lẻ, sắp tới, người tiêu dùng Gò Vấp còn được các nhà bán lẻ “chăm sóc” tốt hơn do có thêm vài nhà phân phối mới.

Theo một chuyên gia, hiện tỉ trọng bán lẻ trên cả nước giữa nước ngoài và Việt Nam là 60% -40%. Tại TP HCM, tỉ lệ này ngược lại nhờ Saigon Co.op khá mạnh. Tuy nhiên, trong tương lai, rất khó duy trì tỉ lệ này vì các nhà bán lẻ ngoại đang quyết tâm mở rộng thị phần.

Cuộc chiến bán lẻ đến hồi quyết liệt - 1

Người tiêu dùng được hưởng lợi từ chương trình khuyến mãi của các siêu thị Ảnh: Hoàng Triều

Doanh nghiệp nội rơi rụng dần!

Tập đoàn TCC (Thái Lan) sau khi hoàn tất thương vụ mua lại Metro Cash & Carry hồi tháng 1-2016 đã đổi tên thành Công ty Mega Market Việt Nam từ tháng 7-2016 và sẽ sử dụng thương hiệu MM Mega Market từ tháng 1-2017. Cùng với đó là hàng loạt sự thay đổi về bày trí hàng hóa, cơ cấu hàng… và đương nhiên sẽ dành nhiều diện tích hơn cho hàng hóa từ Thái Lan.

Sau khi tái cơ cấu hoạt động hệ thống điện máy Nguyễn Kim và siêu thị Big C, Central Group đã đồng loạt mở thêm 14 trung tâm bán lẻ điện máy - kỹ thuật số trên cả nước. Tập đoàn đến từ Thái Lan này cũng vừa công bố kế hoạch đầu tư 30 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong 5 năm tới để nâng cấp 13 trung tâm thương mại, siêu thị Big C thành các trung tâm thương mại hiện đại và đa dịch vụ, đón đầu nhu cầu mua sắm của xu hướng mới. Ngoài ra, từ nay đến năm 2021, Central Group còn tiếp tục đầu tư thêm các trung tâm thương mại mới để tăng gấp đôi số lượng siêu thị và doanh số so với hiện giờ.

Các tập đoàn bán lẻ nước ngoài như Aeon, Lotte, Auchan… cũng đang đẩy mạnh mở rộng thị phần. Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước lại rơi rụng dần. Những cái tên như Maximark, Citimart, Fivimart, Siêu thị Hà Nội… đã đổi chủ hoặc teo tóp.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, DN bán lẻ nước ngoài có lợi thế về kinh nghiệm, tài chính và khả năng chịu đựng lâu dài. Cuộc chiến bán lẻ không đơn thuần là giành thị phần, chiến lược kinh doanh mà còn gắn với cuộc chạy đua về mặt bằng. Cuộc chiến này ngày càng khốc liệt, đẩy DN nội địa vào thế khó khăn. Do đó, Saigon Co.op phải đẩy mạnh đầu tư chiều sâu để nâng cấp hình ảnh, đa dạng hóa mô hình bán lẻ, phát triển mạnh ở các tỉnh, đưa vào vận hành hệ thống Co.op Smile (nâng cấp cửa hàng Co.op cũ), chuẩn bị tung ra mô hình siêu thị cao cấp, cửa hàng tiện lợi… Saigon Co.op còn thay đổi cách thức truyền thông, tập trung vào những điểm nhấn để tương tác với khách hàng hiệu quả hơn.

Nhiều chuyên gia đánh giá các nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam đã mang theo những trải nghiệm mua sắm mới cho người tiêu dùng cùng cách truyền thông hiệu quả nên tạo được sự hấp dẫn. DN nước ngoài có kinh nghiệm, hoạt động cả 100 năm, có tầm nhìn xa nên đầu tư bài bản và biết cách khai thác nhà cung cấp lẫn người tiêu dùng.

Nhà cung cấp chịu thiệt, khách hàng được lợi

Vài năm qua, các nhà bán lẻ chạy đua về chính sách giá, hệ thống nào cũng tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn cùng nhiều hoạt động thu hút khách hàng. Tất nhiên, chi phí cho những chương trình này có phần đóng góp của các nhà cung cấp, như chiết khấu cho siêu thị tăng hằng năm. Bà Lê Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Saigon Food, cho biết tổng chi phí mà Sài Gòn Food phải trả cho các siêu thị ngoại ít nhất là 10%-20% (siêu thị nội không quá 10%), ăn hết vô lợi nhuận. Tuy nhiên, để giữ vững thị phần, DN không thể dừng đưa hàng vào các hệ thống phân phối ngoại.

Các DN dự đoán Tết này, người tiêu dùng TP HCM sẽ được lợi từ nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng loạt mặt hàng nhập khẩu, trong đó đa phần là thực phẩm, hàng tiêu dùng của Thái Lan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Nhân (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN