Cử nhân xứ Quảng về quê trồng rau trên nền cát trắng, có 30 triệu/tháng

Sự kiện: Kinh Doanh

Tốt nghiệp Đại học kinh tế và có việc làm ổn định nhưng chàng trai 8X lại về quê làm nông dân, biến vùng cát trắng thủa nào thành nơi đẻ ra tiền. Đó là anh Hồ Sơn Ca, thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Bắt bãi cát đẻ ra tiền

Anh Hồ Sơn Ca  thực hiện giấc mơ làm nông dân của mình ở vùng cát trắng bằng mô hình trồng rau sạch cho hiệu quả kinh tế cao.

Cử nhân xứ Quảng về quê trồng rau trên nền cát trắng, có 30 triệu/tháng - 1

Mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Hồ Sơn Ca, cho thu nhập 30 triệu đồng/tháng. Ảnh: Trần Hậu

Trò chuyện với Dân Việt, anh Ca cho biết, mặc dù có công việc khá tốt tại TP. Đà Nẵng sau khi cầm tấm bằng cử nhân kinh tế, nhưng anh luôn trăn trở về nông nghiệp sạch. Đầu năm 2015, anh quyết định thôi việc ở Đà Nẵng về ngoài quê Quảng Nam để bắt tay xây dựng mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Mặc dù nhận được nhiều lời can ngăn, phàn nàn của người thân, nhưng anh Ca vẫn quyết định chọn trồng rau VietGAP làm hướng đi khởi nghiệp cho bản thân. 

Cử nhân xứ Quảng về quê trồng rau trên nền cát trắng, có 30 triệu/tháng - 2

Theo anh Ca, lưới che phủ trên rau giúp tránh được mưa lớn, nắng gắt và sâu bệnh; cho rau sinh trưởng tốt. Ảnh: Đoàn Hồng

Tìm hiểu và nhận thức rõ về thương hiệu rau sạch, anh Ca đã mạnh dạn vay mượn tiền từ người thân, cộng thêm số tiền tích lũy được khoảng 100 triệu đồng để mua đất, đầu tư hệ thống trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Bởi vùng Hưng Mỹ, cát phủ trắng cả làng, nếu trồng theo kiểu truyền thống thì hiệu quả không cao.

Cử nhân xứ Quảng về quê trồng rau trên nền cát trắng, có 30 triệu/tháng - 3

Anh Ca biến vùng cát trắng làng Hưng Mỹ đẻ ra tiền. Ảnh: Đoàn Hồng

Ngay vụ đầu, dù kinh nghiệm chưa nhiều nhưng anh Ca đã lãi hơn 10 triệu đồng/tháng. Vừa làm, vừa tìm tòi học hỏi kinh nghiệm nên vườn rau của anh phát triển khá tốt và cho thu nhập cao dần theo thời gian. Cứ thế, anh lấy số tiền lãi lứa rau này để đầu tư vào lứa rau tiếp theo và phát triển thêm diện tích trồng rau VietGap.

Cử nhân xứ Quảng về quê trồng rau trên nền cát trắng, có 30 triệu/tháng - 4

Mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới của anh Ca có ưu điểm là giảm thiểu côn trùng, sâu bệnh tấn công và làm hư hại rau. Ảnh: Trần Hậu

Hiện vườn rau sạch của anh Ca đã có diện tích hơn 1ha, gồm các giống rau như: cải bẹ, xà lách, rau muống, ngò rí, cần tây, tần ô, mồng tơi… Khách hàng chính mà anh Ca nhắm đến là các siêu thị nông sản sạch, các resort, nhà hàng,…

“Khi mới tham gia sản xuất rau VietGAP, tôi còn nhiều bỡ ngỡ phải dành nhiều thời gian học hỏi cách thức chăm sóc rau từ các hộ đi trước. Rồi tôi tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn trồng rau an toàn do Hội Nông dân tỉnh, huyện tổ chức để có thêm kinh nghiệm, áp dụng vào sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap” - anh Ca chia sẻ.

Cử nhân xứ Quảng về quê trồng rau trên nền cát trắng, có 30 triệu/tháng - 5

Mỗi ngày, anh Ca cung cấp ra thị trường khoảng 100kg rau củ các loại. Ảnh: Trần Hậu

Hiện tại, mỗi ngày anh Ca cung cấp ra thị trường khoảng 100kg rau củ các loại, với giá bán trung bình từ 20 - 25 nghìn đồng/kg (tùy vào loại rau); mỗi lứa khoảng 20-30 ngày là thu hoạch. Hàng tháng, sau khi trừ chi phí anh Ca lãi hơn 30 triệu đồng.

Tạo thương hiệu rau sạch xứ Quảng

Anh Ca cho hay: “Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP thì tất cả các khâu phải tuân thủ đúng quy trình. Nguồn nước tưới, lượng phân bón phải được kiểm tra nghiêm ngặt. Không được trồng liên tục một loại rau trên cùng diện tích. Nếu tuân thủ đúng các quy trình thì rau an toàn sẽ cho năng suất cao, đáp ứng đủ điều kiện để các công ty thực phẩm thu mua. Khi đó, không còn khó khăn về đầu ra”.

Cử nhân xứ Quảng về quê trồng rau trên nền cát trắng, có 30 triệu/tháng - 6

Anh Ca đã biến vùng cát trắng thành vựa rau sạch. Ảnh: Trần Hậu

Điểm khác biệt của mô hình trồng rau sạch của anh Ca là rau bón bằng phân vi sinh, phân chuồng ủ hoai mục. Bên cạnh đó, anh Ca không dùng hóa chất bảo vệ thực vật. Rau được phủ lưới hoặc trồng trong nhà lưới, nên hạn chế được sâu bệnh và phát triển tốt, có mùi vị thơm ngọt đặc trưng của làng rau Hưng Mỹ.

Cử nhân xứ Quảng về quê trồng rau trên nền cát trắng, có 30 triệu/tháng - 7

Anh Ca kiểm tra chất lượng rau thu hoạch. Ảnh: Trần Hậu

Vừa rồi, anh Ca đã thành lập Hợp tác xã rau sạch Mỹ Hưng để nhằm cung cấp giống, phân bón, lưới che, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho làng rau Hưng Mỹ. Đến thời điểm này, HTX có 23 thành viên tham gia sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, cùng với hơn 50 vệ tinh cung cấp sản phẩm rau sạch.

“Thương hiệu rau sạch mang tên HTX rau sạch Mỹ Hưng đã và đang chiếm được sự tin dùng của khách hàng, bởi các sản phẩm rau sạch, an toàn, tươi ngon, giá thành ổn định. Thời gian tới, tôi dự tính đầu tư mở rộng thêm diện tích để sản xuất, cũng như liên kết thêm với các hộ sản xuất rau tại làng nhằm có nguồn cung dồi dào hơn cho thị trường…”. - anh Ca bày tỏ.

Cử nhân xứ Quảng về quê trồng rau trên nền cát trắng, có 30 triệu/tháng - 8

Vườn rau của anh Ca chỉ dùng phân vi sinh, phân chuồng ủ hoai nên chất lượng rau rất tốt, được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Trần Hậu

Ông Nguyễn Ba - Chủ tịch UBND xã Bình Triều nhìn nhận: “Nhờ sản xuất rau sạch, gia đình anh Ca đã vươn lên làm giàu ở nông thôn, và là tấm gương tiêu biểu cho bà con nông dân học tập. Dù rất bận bịu với công việc của HTX nhưng anh Ca luôn nhiệt tình hướng dẫn bà con trong và ngoài xã về phương pháp trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Hậu - Đoàn Hồng ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN