Công khai bán pháo nổ trên mạng chỉ 45.000 đồng/quả, người bán bày “chiêu” để “né” cơ quan chức năng
Với mức giá chỉ 45.000 đồng/quả đối với loại pháo trứng và từ 1 triệu trở lên đối với pháo dàn, người tiêu dùng ở khắp các tỉnh thành dễ dàng có được pháo để chơi Tết chỉ với vài cú click chuột.
Mặc dù quy định Nghị định 137 của Chính phủ (hiệu lực từ 11/1/2021) cho phép người dân, tổ chức sử dụng pháo hoa (loại pháo không gây ra tiếng nổ) trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật… Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, hoạt động giao thương pháo diễn ra công khai, tấp nập.
Gõ cụm từ "pháo Tết" trên mạng xã hội Facebook, chỉ chưa đầy 3 giây, đã cho ra gần 10 hội, nhóm kinh doanh công khai pháo Tết.
Các hội, nhóm kinh doanh công khai mặt hàng pháo nổ, pháo hoa.
Có mặt tại hội "Pháo hoa Tết 2021 không cọc", nickname Đỗ Công Bá nhanh tay giới thiệu các mặt hàng pháo hoa đang được bán phổ biến trên thị trường, chỉ với mức giá từ 45.000 đồng/quả.
Đỗ Công Bá cho biết: "Mình bán pháo nổ và pháo hoa. Tất cả đều là hàng Trung Quốc. Pháo thì chỉ có 2 loại là loại trứng và loại dàn. Loại pháo trứng thì tôi bán lẻ là 45.000 đồng/quả, còn loại pháo dàn thì tuỳ, giá dao động từ 1.250.000 đồng/dàn đến 3 triệu đồng/dàn, tuỳ độ dài".
Các nickname rao bán mặt hàng cấm công khai trên mạng xã hội.
"Nếu bạn dùng loại pháo trứng thì phải có cái ống để pháo bắn lên, khi bắn lên trời thì mới có tiếng nổ và phát ra hoa. Còn pháo dàn thì bạn mua về chỉ việc đốt thôi. Ngoài ra còn loại pháo bánh thì khi mình đốt, nó sẽ nổ dưới mặt đất. Tất cả loại này đều là hàng cấm, nếu bạn chơi thì cứ chờ đến lúc giao thừa sang canh thì hẵng bắn, chứ không là bị bắt như chơi", Đỗ Công Bá cho hay.
Hình ảnh rao bán công khai pháo nổ của Đỗ Công Bá, với giá chỉ từ 45.000 đồng/quả với pháo trứng và hơn 1 triệu đồng đối với pháo dàn.
Nói về quy định mới về sử dụng, quản lý pháo, Đỗ Công Bá cho hay: "Quy định mới là cho người dân dùng pháo không nổ, pháo không nổ chỉ có pháo điện dùng ở các đám cưới thôi. Pháo đã không nổ thì còn gọi gì là pháo nữa".
Đỗ Công Bá cho biết, bản thân đang ở Thái Bình nhưng nếu khách có nhu cầu về pháo để chơi Tết thì chỉ cần chuyển khoản, hàng sẽ được giao tận tay bất kể khách ở đâu trên mọi miền Tổ quốc. Với khách hàng ở Thái Bình thì có thể đến xem hàng trực tiếp.
Để tăng sự tin tưởng, Đỗ Công Bá đã cung cấp nhiều hình ảnh giao dịch với khách hàng trước đó.
Nickname Bùi Minh Tuấn tự giới thiệu, bản thân sinh sống ở khu vực Chi Mã, Lạng Sơn nên có nguồn pháo tốt cho người dùng và sẵn sàng phân phối trên phạm vi toàn quốc. Thậm chí, khách hàng lấy nhiều sẽ có được giá ưu đãi.
Bùi Minh Tuấn cho hay, có rất nhiều loại pháo trên thị trường, như pháo trứng, pháo bi, pháo dàn… Giá bán lẻ thì hơn 50.000 đồng/quả nhưng nếu mua số lượng nhiều thì giá thấp hơn rất nhiều.
"Tôi làm uy tín, rất nhiều tỉnh, thành lấy hàng nên bạn yên tâm, không cần cọc tiền, bạn có nhu cầu thực sự thì kiểm tra hàng trước khi mua thoải mái. Nếu bạn không mua sớm thì càng cận Tết, giá pháo càng tăng. Năm nay người dân được thoải mái dùng pháo trong những ngày Tết, lễ nên không cần lo", Tuấn chắc nịch.
Nickname Bùi Minh Tuấn chào bán công khai các sản phẩm pháo mà không cần cọc tiền.
Liên quan đến mặt hàng pháo cấm, thông tin tới PV, đại diện Đội QLTT số 3 (Cục QLTT tỉnh Bắc Giang) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với tổ công tác của Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang bắt giữ quả tang 02 đối tượng có hành vi vận chuyển, mua bán hàng cấm là pháo.
Đó là đối tượng Vũ Văn Thành (SN 2000, trú tại thôn Dễu, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) và đối tượng Nguyễn Văn Ngọc (trú tại xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang).
Tang vật thu giữ gồm 18 bệ pháo (loại dàn 36 quả/bệ) và 200 quả pháo trứng có tổng trọng lượng là 33 kg được vận chuyển trên xe mô tô biển kiểm soát 98B-606.03.
Hàng ngàn quả pháo trứng vừa được lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang phát hiện và bắt giữ kịp thời. Ảnh: QLTT cung cấp.
Qua đấu tranh, tổ công tác đã thu giữ thêm 16 bệ pháo (loại dàn 36 quả/bệ) có tổng trọng lượng là 21 kg của Nguyễn Văn Ngọc.
Tiếp tục điều tra, xác minh mở rộng, tổ công tác đã xác định Hán Văn Hùng, sinh năm 1993, trú tại thôn Yên Vinh, xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang là người bán số lượng pháo trên cho đối tượng Nguyễn Văn Ngọc.
Sau khi triệu tập và đấu tranh, Hán Văn Hùng đã đến đầu thú và khai nhận về hành vi buôn bán hàng cấm là pháo.
Tổng trọng lượng số hàng cấm (pháo) thu giữ là 54 kg, trong đó có 34 bệ pháo (loại dàn 36 quả/bệ) và 200 quả pháo trứng.
Ngày 12/12/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định tạm giữ đối tượng Nguyễn Văn Ngọc, Hán Văn Hùng về hành vi buôn bán hàng cấm là pháo.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, xác minh làm rõ.
Theo luật sư Lê Minh - Văn phòng Luật sư Thành Sơn và Đồng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), khoản 1, Điều 3 Nghi định 137/2020 của Chính phủ phân loại rất rõ 2 loại pháo là pháo nổ và pháo hoa.
Trong đó, có pháo hoa nổ tầm thấp và pháo hoa nổ tầm cao là các loại pháo nổ, các loại pháo này có thể nổ và thường được Nhà nước tổ chức bắn trong các lễ hội, Tết.
Còn loại "pháo hoa" mà người dân, tổ chức được sử dụng trong các buổi lễ, tết, sinh nhật… mà Nghị định 137 giải thích là sản phẩm được chế tạo để tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian nhưng không gây ra tiếng nổ.
Luật sư Minh cho hay, trên thực tế, trong các dịp lễ, hội… ở nước ta thường có loại pháo hoa nhỏ nhưng vẫn chưa có quy định cụ thể nào cho phép những loại pháo hoa này được lưu thông.
Nguồn: [Link nguồn]
Khoảng 1 tuần trở lại đây, các mặt hàng đồ bảo hộ dưới nước đặc biệt là áo phao được “săn lùng” và nhanh chóng...