Chuyên gia nói gì về bánh Trung thu handmade?

Sự kiện: Kinh Doanh

Cơn sốt tự làm bánh Trung thu tại Hà Nội nở rộ cũng kéo theo thị trường nguyên liệu làm bánh trở nên tấp nập hơn. Tuy nhiên, những nguyên liệu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán nhan nhản trên thị trường dẫn đến nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhan nhản sản phẩm không nhãn mác

Lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều người đã quyết định tự tìm mua nguyên liệu làm những chiếc bánh trung thu cho cả gia đình hay tìm mua những sản phẩm cộp mác “handmade” (làm bằng tay). Tuy nhiên những sản phẩm gắn mác handmade có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc? Tại phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm), con phố sầm uất chuyên bán rượu bánh, đồ khô nay trở thành địa chỉ được nhiều người tiêu dùng tìm đến để mua nguyên liệu làm bánh. Rẽ vào một cửa hàng trên phố này, khi chúng tôi hỏi mua nguyên liệu làm bánh trung thu được ông chủ nhiệt tình tư vấn: “Ở đây, cái gì cũng có từ bột làm bánh, các loại nhân, chất tạo màu, tạo mùi, đường làm bánh đều có hết”. Theo đó, các loại bột làm bánh pha sẵn có giá dao động từ 40.000 – 70.000 đồng/kg, các loại nhân làm sẵn có giá từ 50.000 – 90.000 đồng/kg (tùy từng vị), đường làm bánh có giá 50.000 đồng/kg...

Chuyên gia nói gì về bánh Trung thu handmade? - 1

Những gói bột làm bánh không nhãn mác tại một cửa hàng trên phố Hàng Buồm. ảnh:t.g

Điều đáng chú ý là, những sản phẩm không nhãn mác vẫn được bày bán công khai tại cửa hàng này. Những loại bột làm bánh được ghi vài chữ viết bằng bút dạ “bột bánh dẻo đặc biệt”, “bột bánh nướng đặc biệt” mà không hề có bất kì thông tin về nhà sản xuất, hạn sử dụng. Khi phóng viên hỏi mua nước đường làm bánh cũng được ông chủ chắt ra từ một can nhựa to không nhãn mác với giá 50.000 đồng/kg. Ông chủ này còn không quên quảng cáo: “Nước đường này đảm bảo luôn, không có thêm bất kì chất phụ gia nào cả”. Khi hỏi về nguồn gốc, ông chủ chỉ xuê xoa và nhấn mạnh rằng hàng chất lượng, người mua yên tâm dùng(?). Nắm bắt được xu hướng, nhiều cửa hàng tại chợ Đồng Xuân cũng không quên nhập thêm các loại nguyên liệu làm bánh mỗi khi mùa Trung thu về. “Năm nay, các loại nguyên liệu rất đa dạng, khiến người tiêu dùng cũng dễ dàng hơn trong việc làm bánh. Có rất nhiều loại nhân đóng gói sẵn như nhân đậu xanh, mè đen, trà xanh, mãng cầu, socola… có giá khoảng 40.000–70.000 đồng/kg, nhân thập cẩm đắt nhất có giá 180.000 đồng/kg. “Ở đây cũng bày bán các các loại khuôn, túi, hộp,... để người tiêu dùng hoàn thiện sản phẩm” chủ một ki ốt tại chợ Đồng Xuân giới thiệu.

Cũng giống như ông chủ hàng ở trên, khi được hỏi về nguồn gốc, chất lượng các loại nhân bánh, bà chủ ki ốt cùng dãy khẳng định: “Hàng nhà chị toàn hàng Việt Nam, có xuất xứ rõ ràng nên em cứ yên tâm. Mỗi ngày chị bán ra cả vài chục triệu tiền hàng, cửa hàng lớn người ta còn nhập của chị”. Các loại nguyên liệu không tem mác hay tem mác sơ sài, không rõ nguồn gốc xuất xứ không chỉ có ngoài chợ, trong các cửa hàng mà nó còn len lỏi vào cả những siêu thị. Tại một siêu thị chuyên bán đồ làm bánh trên đường Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy), người tiêu dùng không khó để tìm mua những sản phẩm đường làm bánh, bột làm bánh, nhân bánh, hạt sen,... được cộp mác hanmade. Những sản phẩm như nhân bánh, đường làm bánh, bột... chỉ được ghi vài dòng chữ đơn giản như tên sản phẩm, công dụng, ngày sản xuất, hạn sử dụng mà không hề có bất cứ một thông tin nào liên quan đến nhà sản xuất. Có những sản phẩm như vừng, mứt sen... thậm chí còn không có một loại nhãn mác nào.

Thận trọng với bánh Trung thu “ngậm” phẩm màu

Năm nay, ngoài các sản phẩm bánh Trung thu truyền thống, thị trường bánh Trung thu handmade còn rộ lên những sản phẩm với màu sắc bắt mắt, những hình thù độc đáo. Những chiếc bánh được khắc với họa tiết hoa nổi với đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng khiến nhiều bà nội trợ mê mệt. Lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, mấy năm gần đây chị Nguyễn Hồng Nhung (Hoàng Mai) đã chuyển hẳn sang mua bánh trung thu handmade cho cả gia đình. “Bánh trung thu tự làm năm nay có rất nhiều mẫu mã đẹp, ăn lại không bị quá ngọt và ngấy như bánh trung thu mua ngoài hàng nên mấy năm nay tôi đều mua bánh handmade. Các bạn bán hàng cũng quảng cáo bánh không sử dụng chất bảo quản, phụ gia, quá trình làm các bạn cũng chụp ảnh lên mạng trông sạch sẽ nên tôi cũng an tâm lựa chọn”.

Những loại bánh cộp mác “handmade” đều được người bán quảng cáo không chất phụ gia, không chất bảo quản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Giá trung bình của loại bánh trung thu hoa nổi cũng cao hơn bánh trung thu truyền thống, dao động từ 50.000 – 80.000 đồng /chiếc trọng lượng 100g – 125g; bánh hình thú ngộ nghĩnh cho trẻ em giá 8.000 – 15.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, chính những chiếc bánh với màu sắc bắt mắt cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm nếu sử dụng chất tạo màu, tạo mùi không được cơ quan chức năng cho phép hoặc sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc không rõ ràng.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện nay một số phụ liệu được bán ở các khu chợ chất lượng không được kiểm soát, đây là điều đáng lo ngại. “Nếu như người sản xuất sử dụng các loại màu thực phẩm được Bộ Y tế cho phép thì không sao, chỉ sợ trong trường hợp người ta sử dụng các loại màu không rõ nguồn gốc, không được cho phép thì sẽ rất nguy hiểm. Những người sản xuất bánh handmade không phải ai cũng nắm rõ được những quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, người tiêu dùng, không nên mua bánh trung thu handmade một cách tuỳ tiện. Khách hàng hiện nay nên mua bánh ở những người thân thiết, khi đã biết rõ được nguồn gốc của sản phẩm”.

Theo các chuyên gia về thực phẩm, một số chất màu có nguy cơ gây dị ứng ở người như brilliant blue (dùng trong chế biến sữa, thạch, xiro, đồ uống, kẹo) hay gây ung thư tuyến giáp như erythrosine (sử dụng trong chế biến kẹo, bánh nướng, gia vị, thực phẩm ăn nhẹ). Chất allura red (sử dụng trong chế biến thực phẩm ăn nhẹ, nước uống không cồn) có thể gây dị ứng, hen suyễn,viêm mũi ở người, chứng hiếu động thái quá ở trẻ em. Chất tartrazine sử dụng trong chế biến thực phẩm như ngũ cốc, mứt, thực phẩm ăn nhanh, mì gói, súp, bột nước giải khát, kẹo, bánh có thể gây phản ứng dị ứng và chứng hiếu động thái quá ở trẻ em.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kim Oanh (Gia đình & Xã hội)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN