Chống thực phẩm bẩn, Hà Nội gắn logo nhận diện

Hà Nội cho phép nghiên cứu thực hiện xác nhận hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) với việc gắn logo nhận diện. Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm, liệu việc gắn logo có mang lại hiệu quả thực sự hay chỉ hình thức khi mà nỗi lo về ATTP đang hàng ngày bủa vây người dân.

Gắn logo nhận diện

Anh Trần Thắng Mỹ chủ nhà hàng nem chua, giò chả Ước Lễ Trần Công Châu, ở phố Trần Xuân Soạn (Hà Nội) cho hay, gia đình rất vui khi hay tin thành phố cho phép nghiên cứu thực hiện gắn logo nhận diện cửa hàng, thương hiệu ATTP. Dù là một cơ sở kinh doanh nghề truyền thống cha ông để lại nhưng lâu nay điều mà anh lo lắng nhất việc nhiều nơi “mạo danh” thương hiệu. Sản phẩm của gia đình chỉ bán lẻ duy nhất ở một địa chỉ nhưng nhiều cơ sở sản xuất nem giò khác cũng sản xuất và in logo “mạo danh” là nem giò Trần Công Châu, thậm chí còn quảng cáo rầm rộ trên Facebook để bán hàng, cạnh tranh không lành mạnh.

Chống thực phẩm bẩn, Hà Nội gắn logo nhận diện - 1

Liệu việc gắn logo nhận diện có thực sự mang lại hiệu quả?

“Những cơ sở đó thịt lợn không rõ nguồn gốc, kiểm dịch, không biết bí quyết làm giò truyền thống của người Ước Lễ, nhưng mạo danh thương hiệu ảnh hưởng uy tín không nhỏ đến thương hiệu giò chả Ước Lễ. Việc gắn logo nhận diện thương hiệu thực phẩm sạch là cần thiết, nó sẽ giúp cho chúng tôi giữ vững được thương hiệu và uy tín của nghề truyền thống gia đình”, ông Mỹ nói. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, việc nghiên cứu gắn logo sẽ giúp tăng cường quản lý chất lượng ATTP và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhận diện, hướng dẫn người tiêu dùng Thủ đô cách nhận biết, phân biệt sử dụng những sản phẩm an toàn vì sức khỏe gia đình, cộng đồng và xã hội là rất cần thiết. Xác nhận hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh bảo đảm ATTP và gắn logo nhận diện thuộc phạm vi quản lý của ngành công thương. Theo đó, các cơ sở kinh doanh thực phẩm gồm: Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, trong hoạt động kinh doanh đảm bảo các tiêu chí ATTP.

Điều đáng nói, cơ sở kinh doanh có nhu cầu đề nghị xác nhận điểm kinh doanh thực phẩm an toàn và gắn logo nhận diện phải có bản đăng ký và cam kết nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn với Sở Công Thương. “Sở sẽ tiến hành kiểm tra, nếu đáp ứng đầy đủ tiêu chí thì tiến hành xác nhận cho cơ sở kèm logo nhận diện được thể hiện trên Giấy xác nhận. Các cơ sở tham gia đã được xác nhận được phép sử dụng logo để in trên biển hiệu của điểm kinh doanh”, vị cán bộ cho biết.

Hiệu quả đến đâu?

Chị Lê Thị Tuyết ở Vạn Phúc (Hà Đông) cho rằng, việc gắn logo rất cần thiết, bởi những người nội trợ như chị lâu nay vẫn “tù mù” trong việc nhận diện sản phẩm, cửa hàng đủ tiêu chuẩn về ATTP.  Chị Tuyết cũng đặt vấn đề: “Việc gắn logo có đem lại hiệu quả thật sự hay chỉ là hình thức khi mà nhiều siêu thị, cửa hàng có gắn logo nhưng vẫn bán hàng không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng? Nhiều cửa hàng, siêu thị luôn tự nhận mình kinh doanh thực phẩm sạch dù chưa có cơ quan chức năng nào thừa nhận. Nếu việc gắn logo có sự kiểm soát chặt chẽ sẽ rất tốt cho người tiêu dùng”, chị Tuyết nói.

“Ví dụ gắn logo vào thịt lợn mà bản thân thịt không sạch, hay bị trà trộn là không giải quyết được vấn đề. Cần kiểm soát từ đầu vào đến đầu ra như nuôi lợn phải có nhật ký, có quy trình sau đó quản lý con lợn đó cho đến bàn giết mổ chứ không chỉ làm đứt đoạn hình thức”. 

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, đề xuất gắn logo để nhận diện thực phẩm sạch là rất tốt. Nhưng vấn đề là phải tổ chức sản xuất sạch, phải kiểm soát theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra. Theo ông Phú, trên thực tế, nhiều sản phẩm tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích đang phải “cõng” nhiều loại tem nhưng thực phẩm bẩn vẫn âm thầm tuồn vào các nhà hàng, siêu thị, luồn lách đến mọi hang cùng ngõ hẻm… Việc trà trộn thực phẩm chưa qua kiểm duyệt, giả mạo thành thực phẩm sạch, hay tự gắn nhãn “sạch” cho thực phẩm chưa sạch để đội giá, kiếm lời, vẫn là một thực tế đang xảy ra.

“Cần phải có chính sách hỗ trợ cho đơn vị đứng ra tiêu thụ, tránh thông qua trung gian. Khi nông sản được kiểm soát từ khâu sơ chế, vận chuyển tới người bán thì chắc chắn sản phẩm đó sẽ được kiểm soát và như thế mới là sản phẩm an toàn”, ông Phú lý giải.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho rằng, dán tem mác, logo cũng như bảo hiểm để bảo vệ, phát triển thương hiệu doanh nghiệp. Nhưng việc gắn logo cần quy định rõ về kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

“Việc dán tem, logo vào thực phẩm mới chỉ là vi mô, chúng ta cần nâng tầm vĩ mô hơn. Như việc rau bán tràn lan ngoài chợ không kiểm soát về chất lượng, độ an toàn, giá thành thấp sẽ lấn át rau sạch có logo. Thực phẩm ra chợ là phải có nguồn gốc xuất xứ, theo quy định mới được bán. Doanh nghiệp, hộ sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm mình làm ra cũng như bán cho người tiêu dùng”, ông Hồng chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV Thời sự (Tiền phong)
An toàn thực phẩm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN