'Chết oan' vì điều kiện xuất khẩu

Sau gạo, một số ngành hàng như thủy sản, hạt điều… cũng muốn có bộ điều kiện nhằm hạn chế tình trạng người người xuất khẩu, kiểu trăm hoa đua nở.

Song các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ cho rằng, không phải DN nào cũng làm ăn kiểu chụp giựt, các điều kiện đặt ra nếu không tính đến nguồn lực DN thì rất nhiều DN sẽ “chết oan”.

Để giảm lộn xộn…

Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), ông Nguyễn Thái Học vừa than phiền tình trạng nhiều DN nhỏ bán hàng phá giá gây xáo trộn trên thị trường. Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị Bộ Công thương nên đưa hạt điều vào danh sách mặt hàng sản xuất, xuất khẩu có điều kiện, yêu cầu, các cơ sở chế biến điều đạt tiêu chuẩn quy định của Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương mới được xuất khẩu.

Theo ông Học, Sở Kế hoạch - Đầu tư các tỉnh khi cấp phép thành lập DN kinh doanh xuất khẩu điều phải yêu cầu chứng minh năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, công nghệ sản xuất… theo những điều kiện nhất định.

Việc sàng lọc DN xuất khẩu bằng ràng buộc các điều kiện dễ nảy sinh cơ chế xin - cho, giết oan những DN nhỏ.

'Chết oan' vì điều kiện xuất khẩu - 1

Việc sàng lọc DN xuất khẩu bằng ràng buộc các điều kiện dễ nảy sinh cơ chế xin - cho, giết oan những DN nhỏ.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, hiện có quá nhiều DN tham gia tiêu thụ cùng loại sản phẩm, nhưng thiếu sự điều hành phối hợp đồng bộ. Nhiều DN vì lợi ích cục bộ đã tìm cách hạ giá chào bán xuất khẩu, đồng nghĩa với việc hạ chất lượng hàng hóa, uy tín sản phẩm, nên việc xây dựng điều kiện xuất khẩu cho một số ngành là cần thiết. Những điều kiện đưa ra trên cơ sở tham vấn từ chính các Hiệp hội ngành hàng, nên theo Bộ trưởng Hoàng, hoàn toàn phụ hợp với thông lệ quốc tế, không vi phạm các điều khoản của WTO.

Tuy nhiên, trong khi các điều kiện xuất khẩu chưa được áp dụng chính thức vào các ngành hàng, vai trò của một số Hiệp hội bị chính những cơ quan quản lý địa phương nghi ngờ. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ, cho biết, Hiệp hội lương thực (VFA) và Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản (VASEP) đang giữ vai trò chi phối nhiều đến khu vực ĐBSCL, nhưng phải xem xét lại cách làm của các Hiệp hội. Ông Toại dẫn chứng việc VFA được giao trọng trách thu mua lúa tạm trữ và thường báo cáo giá lúa có những chuyển biến tích cực, song thực tế giá tại ruộng của nông dân chẳng nhích được là bao. Bản thân Sở Công thương giám sát việc thu mua nhưng không nắm được tiến độ, vì DN thu mua quá… bí mật. “Sở không biết việc tạm trữ ra sao nhưng lại bắt chúng tôi xác nhận về số lượng. Phải chăng chúng tôi là công cụ để Hiệp hội lương thực hợp thức hóa việc làm của họ?” ông Toại bức xúc.

Nguy cơ “giết nhầm”

Những DN kinh doanh xuất khẩu gạo cũng tỏ ra bức xúc không kém trước chủ trương của Bộ Công thương và Chính phủ khi đặt điều kiện để giảm lượng DN tham gia vai trò xuất khẩu gạo từ 150 DN xuống còn 100, nhằm hạn chế có quá nhiều DN tham gia, gây rối loạn thị trường. Hầu hết các DN vừa và nhỏ ở ngành hàng này đều có nguy cơ loại khỏi cuộc chơi. Dù rất bức xúc nhưng họ cũng chẳng dám lên tiếng một cách công khai, vì sợ “mất lòng” VFA.

Một DN (xin giấu tên) bức xúc vì từ trước tới nay họ chỉ lựa chọn xuất khẩu gạo ở phân khúc gạo thơm đi những thị trường lớn như châu Âu, Mỹ… mỗi năm từ 10.000 - 20.000 tấn, đủ điều kiện lượng gạo xuất khẩu 1 năm theo Nghị định 109, nhưng DN này cho rằng với xuất khẩu ấy, không cần thiết phải bỏ ra 50 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng và mua đủ số máy móc mà công suất sử dụng chẳng là bao.

DN này cũng nêu ra hàng loạt những mâu thuẫn, và nghi ngờ giữa nói và làm trong việc xuất khẩu gạo có điều kiện. Chẳng hạn, VFA nêu rõ mục đích loại bớt những DN từ những ngành nghề khác chuyển sang xuất khẩu gạo, nhưng kể từ khi Nghị định 109 ra đời, có sự xuất hiện của hàng loại DN mới mà trước nay hoạt động ở những ngành nghề khác. “Có phải mục tiêu của Chính phủ là loại bớt DN vừa và nhỏ “yếu pin”, để cho những anh lớn lắm tiền tham gia vào sân chơi này. Nếu nói là sàng lọc thì phải dựa trên số lượng DN thực tế đã có thời gian tham gia vào thị trường chứ không phải là loại bớt và thay mới như vậy”, DN này bức xúc.

Bản thân Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng lo ngại việc đưa ra điều kiện DN đáp ứng đủ điều kiện mới được xuất khẩu cũng có thể sẽ tái diễn hình thức cơ chế hành chính xin - cho, và ảnh hưởng đến một số DN, nhất là nhóm DN vừa và nhỏ. Ông Hoàng cho biết sẽ xem xét lại một số điều kiện trong từng ngành hàng để tránh những tổn hại cho DN.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyên Khải ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN