Kiến nghị giảm đầu mối xuất cá tra

Chỉ những doanh nghiệp có nhà máy chế biến và có code (mã số) vào thị trường EU mới được xuất khẩu cá tra.

Đó là một trong những điều kiện mà các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra nhất trí thông qua tại cuộc họp ngày 3-7 để kiến nghị Bộ NN&PTNT thông qua.

Các doanh nghiệp cũng đồng ý cần có một mức giá định hướng cho từng thị trường cụ thể để tránh việc các doanh nghiệp cạnh tranh bằng cách hạ giá như thời gian qua.

Cứu giá cá bằng giá định hướng

Hơn mười năm kể từ khi cá tra VN bước chân ra thị trường thế giới thì hầu như từng ấy thời gian giá xuất khẩu cá tra liên tục giảm. Đỉnh điểm là tại Hội chợ triển lãm thủy sản quốc tế VN (Vietfish 2012) tổ chức tuần qua, giá cá tra được một số doanh nghiệp chào bán ở mức 2,2 USD/kg, mức giá mà nhiều doanh nghiệp phải thốt lên là “thấp không thể tin được”. Bởi vì ngay trước hội chợ, các doanh nghiệp vẫn bán cho khách hàng châu Âu với giá 2,8 USD/kg.

Ông Nguyễn Phát Quang, chủ tịch HĐQT Công ty thủy sản Á Châu (Acomfish), cho rằng việc bán giá quá thấp đã giết chết hình ảnh, uy tín của con cá tra và cần phải chấn chỉnh những hành vi này càng sớm càng tốt.

Các doanh nghiệp tham dự cuộc họp đề nghị cần sớm ban hành mức giá định hướng (giá tối thiểu) cho từng thị trường xuất khẩu. Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết trước mắt sẽ áp dụng giá định hướng đối với cá tra xuất khẩu vào Mỹ vì có ít doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào thị trường này và sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ khá đồng nhất về chất lượng. Theo đó, giá định hướng vào Mỹ sẽ được áp dụng kể từ đầu tháng 8-2012, các thị trường khác sẽ áp dụng sau đó một tháng. Để kiểm soát việc các doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định giá định hướng đưa ra, từ ngày 1-8 các hợp đồng mà doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải được thông qua VASEP nhằm kiểm soát sản lượng, chất lượng và giá bán.

Ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương, cho biết tại cuộc họp hôm 27-6 các doanh nghiệp thống nhất giá định hướng vào thị trường Mỹ là 3,4 USD/kg. Tuy nhiên, do mấy ngày gần đây thị trường có nhiều diễn biến phức tạp nên các doanh nghiệp thống nhất sẽ có chuyến khảo sát thị trường Mỹ ngay trong đầu tháng 7 rồi sẽ đưa ra mức giá định hướng vào ngày 15-7 để áp dụng cho các đơn hàng xuất khẩu trong tháng 8. Riêng ở các thị trường khác, đặc biệt là EU, đang có sự sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng lẫn giá bán, giá định hướng xuất khẩu vào thị trường này là 2,6 USD/kg đối với các phi lê thịt trắng.

Kiến nghị giảm đầu mối xuất cá tra - 1

Chế biến cá tra xuất khẩu ở Đồng Tháp

Phải là ngành kinh doanh có điều kiện

Phát biểu tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho rằng áp dụng giá định hướng chỉ là bước đầu tiên trong quá trình lấy lại giá trị thực cho con cá tra của VN sau thời gian dài giảm giá. Theo ông Võ Đông Đức - tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), trên thế giới chỉ có VN xuất khẩu cá tra, sao chúng ta không đặt ra những điều kiện xuất khẩu để làm giàu cho người dân, doanh nghiệp. Trong tình hình xuất khẩu hiện tại, đặt ra điều kiện xuất khẩu là yếu tố quan trọng để loại trừ các thành phần không đủ điều kiện xuất khẩu nhưng lại đang phá thị trường xuất khẩu chung. Bởi vì hiện có quá nhiều đầu mối tham gia xuất khẩu, trong số đó có những đơn vị môi giới không có nhà máy, làm ăn chụp giật khiến giá cá tra bị bát nháo.

Người nuôi cá vẫn bán lỗ trên 3.000 đồng/kg

Ngày 3-7, giá cá tra tại ĐBSCL vẫn ở mức thấp từ cuối tháng trước, dao động khoảng 18.000-19.000 đồng/kg nhưng các doanh nghiệp vẫn rất ít mua vào. Với mức giá này, người nuôi đang lỗ tới 3.500 đồng/kg.

Theo VASEP, trong năm tháng đầu năm 2012, giá trị xuất khẩu cá tra đạt hơn 719 triệu USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2011.

Ông Dương Việt Thắng, phó giám đốc Công ty TNHH thủy sản Miền Nam (South Vina), lấy ví dụ: thị trường Brazil rất hấp dẫn nhưng bị một vài đơn vị môi giới phá nát bằng chiêu người bán sau chào giá thấp hơn người bán trước. Giá thấp đi kèm với chất lượng kém hơn, thậm chí là làm bậy bạ khiến khách hàng khiếu nại và quay lưng với cá tra VN. “Khi có nhà máy thì doanh nghiệp không dám làm bậy, nhưng nhiều đơn vị môi giới chỉ làm trung gian sẵn sàng đi lừa gạt khách hàng để bán được vài chục container rồi đóng cửa công ty” - ông Thắng nói. Vì vậy theo ông Thắng, cần sớm đưa việc xuất khẩu cá tra thành ngành kinh doanh có điều kiện để giảm bớt các nhà môi giới.

Kết thúc buổi họp, các doanh nghiệp thống nhất kiến nghị Bộ NN&PTNT và Chính phủ thông qua việc đưa điều kiện xuất khẩu cá tra. Trước mắt, doanh nghiệp chỉ được phép xuất khẩu cá tra khi có nhà máy sản xuất chế biến và phải có mã số xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Ông Dương Ngọc Minh cho biết đây là hai điều kiện cơ bản nhất nhằm loại bỏ những đối tượng trung gian làm ăn không đàng hoàng. “Điều kiện này không loại bỏ hoàn toàn các đơn vị môi giới vì nếu muốn xuất khẩu, họ có thể thông qua các doanh nghiệp đủ điều kiện để bán hàng” - ông Minh nói.

Ông Trương Đình Hòe cũng cho biết nếu điều kiện này được thông qua thì có thể giảm số đầu mối xuất khẩu cá tra hiện nay từ gần 200 xuống còn 65 (số công ty có nhà máy chế biến). “Do 65 doanh nghiệp này hiện đang chiếm gần 80% cá tra xuất khẩu nên cũng không ảnh hưởng gì đến xuất khẩu và tiêu thụ cá tra trong nước” - ông Hòe cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Mạnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN