Cất bằng kỹ sư công nghệ thông tin, về núi trồng nấm thành tỷ phú

Sự kiện: Kinh Doanh

Từng tốt nghiệp khoa CNTT của ĐH Bách Khoa nhưng cơ duyên lại đưa anh Bùi Văn Phương ở tiểu khu 4 (thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đến với nghề trồng nấm. Sau 5 năm nỗ lực, hiện tại anh Phương đang làm chủ của 4 cơ sở sản xuất nấm, thu về gần 1 tỷ đồng tiền lãi mỗi năm.

Có đến thăm xưởng nấm của anh Phương mới cảm nhận rõ không khí làm việc khẩn trương, tập trung của các công nhân ở đây. Dưới cái nắng hè oi ả, họ vẫn tích cực đóng phôi nấm cho kịp tiến độ sản xuất.

Rót ly trà đá mời khách, anh Phương nói: “Làm liên tục vậy mà vẫn không đủ bán đấy. Mỗi ngày tôi xuất khoảng 1,2 tấn nấm sò và phải chia đều cho các thương lái nếu không người ta lại trách.”

Cất bằng kỹ sư công nghệ thông tin, về núi trồng nấm thành tỷ phú - 1

Nấm sò là 1 thực phẩm bổ dưỡng, có thể chế biến thành nhiều món ngon như: xào, nấu canh, làm lẩu...

Chia sẻ về cơ duyên đến với cây nấm của mình, anh Phương kể: Trước anh từng học tại khoa công nghệ thông tin-CNTT của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Sau khi ra trường anh, anh theo một số người bạn sang Lào làm việc.

Đến năm 2014, công việc bên Lào không thuận lợi nên anh về quê tìm công việc mới. Trong một chuyến đi “phượt” Ninh Bình, anh vô tình gặp và làm quen với một chuyên gia ở Viện nghiên cứu phát triển nấm. Qua trò chuyện, anh cảm thấy hứng thú nên đã quyết định làm giàu bằng nghề trồng nấm.

“Ngày ấy, tôi “khăn gói” xuống tận Viện nghiên cứu và phát triển nấm để học hỏi kỹ thuật trồng và sản xuất nấm. Các thầy, cô ở đấy hướng dẫn rất tận tình. Sau này khi mở xưởng nấm rồi, mỗi lần có khó khăn gì về kỹ thuật tôi lại gọi điện hỏi thêm.”, anh Phương chia sẻ thêm.

Cất bằng kỹ sư công nghệ thông tin, về núi trồng nấm thành tỷ phú - 2

Anh Phương dùng mùn cưa cây cao su trộn cùng bông sợi theo tỉ lệ nhất định để làm phôi nấm sò.

Sau khi nắm chắc về kĩ thuật trồng nấm cũng như học hỏi kinh nghiệm trồng nấm từ một số xưởng nấm khác, anh Phương đã đầu tư xây một xưởng chuyên sản xuất nấm sò và nấm linh chi trên mảnh đất của mình tại xã Chiềng Mung (Mai Sơn, Sơn La). Anh trực tiếp xuống huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) để tìm mua nguyên liệu về làm phôi nấm. Với diện tích hơn 300m2, anh treo 2.000 phôi nấm sò, diện tích còn lại anh trồng 1 số nấm linh chi và ươm cây giống.

Cất bằng kỹ sư công nghệ thông tin, về núi trồng nấm thành tỷ phú - 3

Anh Phương cầm 1 bịch phôi nấm trên tay và bảo: “Bịch nấm này có nhiệt độ khoảng 70 độ C. Tiếp xúc với nấm nhiều nên chỉ cần cầm thế này tôi cũng có thể xác định được nhiệt độ của bịch nấm khá chính xác. Một chu kì của nấm kéo dài khoảng 2 tháng và mùa này sau khi gieo giống từ 18-22 ngày sẽ được thu hoạch, 7 ngày sẽ thu hoạch nấm 1 lần.”

Chia sẻ về kỹ thuật trồng nấm sò, anh Phương cho biết: Bước quan trọng đầu tiên là phải tạo được phôi nấm chất lượng tốt. Theo đó, anh dùng mùn cưa của cây cao su, trộn cùng bông sợi theo tỉ lệ nhất định, rồi xử lý với nước vôi đem ủ trong 3 ngày.

Sau công đoạn trên thì đảo đều hỗn hợp này rồi ủ thêm 3 hoặc 6 ngày nữa là có thể đóng thành phôi nấm.  Một khâu quan trọng nữa là cần xác định thời điểm để có cách treo phôi nấm khác nhau.

Ví dụ vào mùa hè, trời nóng thì cần treo bịch nấm nằm ngang và thu hoạch nấm từ củ nút (lồng 1 ống nhựa nhỏ ở miệng của bịch nấm để nấm mọc ra). Tuy nhiên, vào mùa đông thì cần treo bịch nấm dọc và tiến hành rạch khoảng  4 – 8 đường thẳng dọc bịch phôi để nấm mọc.

Cất bằng kỹ sư công nghệ thông tin, về núi trồng nấm thành tỷ phú - 4

Ngoài nấm sò, anh Phương còn trồng nấm linh chi cho hiệu quả kinh tế cao.

Để tối ưu sản lượng và chất lượng nấm sò, anh Phương thường chỉ thu hoạch nấm vào sáng sớm bởi vì anh biết chỉ cần qua 1 đêm là nấm đã lớn rất nhanh. Chính vì thế, để kịp có nấm xuất cho thương lái và đảm bảo người tiêu dùng được thưởng thức nấm tươi, ngon, xưởng của anh thường xuyên hoạt động từ 1h sáng.

Theo kinh nghiệm của mình, anh Phương cho rằng: Trồng nấm sò vào khoảng tháng 8 là thuận lợi nhất, nấm phát triển tốt và cho năng suất cao. Một bịch nấm có thể cho thu từ 0,8 – 1kg nấm thành phẩm.  Ở Sơn La thời tiết mát mẻ, ổn định nên có thể trồng nấm quanh năm.

"Rất may là từ ngày trồng nấm đến giờ tôi chưa thất bại lần nào, từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến tiêu thụ đều rất thuận lợi. Mới đầu tôi chỉ dám đầu tư 1 xưởng, sau khi thấy có hiệu quả tôi mạnh dạn xây thêm 3 xưởng khác nữa. Có được thành công này cũng là nhờ sự chỉ bảo tận tình của các chuyên gia ở Viện nghiên cứu và chắc một phần cũng do tôi có “duyên” với cây nấm...", anh Phương bộc bạch.

Cất bằng kỹ sư công nghệ thông tin, về núi trồng nấm thành tỷ phú - 5

Với 4 trại nấm đặt ở 4 huyện, thành phố của tỉnh Sơn La, anh Phương đang tạo việc làm cho khoảng 100 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Hiện tại, anh Phương đang làm chủ của 4 cơ sở sản xuất nấm đặt tại huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Mộc Châu và TP.Sơn La. Mỗi ngày anh xuất khoảng 1,2 tấn nấm tươi với giá bán sỉ 30.000 đồng/kg, số nấm này được bán cho các tiểu thương tại tỉnh Sơn La.

Bên cạnh nấm sò, anh Phương còn trồng nấm linh chi, mỗi năm anh thu hoạch khoảng 800kg nấm linh chi với giá bán dao động từ 500.000-650.000 đồng/kg. Theo tính toán của mình, sau khi trừ hết chi phí, anh “bỏ túi” khoảng 900 triệu đồng/năm.

Không những “làm giàu” cho chính mình, anh Phương còn giúp tạo ra công ăn việc làm, kiếm thêm thu nhập cho người dân địa phương. Hiện tại ở mỗi xưởng nấm của anh đều có từ 15-25 người làm việc thường xuyên với mức tiền công 200.000 đồng/người/ngày.

“Vì không đủ nấm cung cấp cho thị trường nên khi thương lái đến thu mua, tôi phải chia đều nấm cho họ, nếu không sẽ bị họ trách là không công bằng. Tôi đang có kế hoạch mở rộng thêm xưởng nấm ở một số khu vực khác nữa trong và ngoài tỉnh.” Anh Phương chia sẻ thêm.

Cây ”lì lợm” trồng 6 năm mới ra quả, giá 600.000 đồng/kg mà ai cũng thích

Đây là một loại “hạt” vô cùng quen thuộc ở Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bích Hội ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN