Cảnh giác mua hàng trên mạng

Tại buổi hội thảo góp ý cho nghị định về thương mại điện tử (TMĐT) hôm 21-8, ông Trần Hữu Linh - cục trưởng Cục TMĐT và công nghệ thông tin, Bộ Công thương - đã khẳng định: để tránh những cú lừa trên mạng, trước tiên người tiêu dùng phải tự cảnh giác.

Trao đổi với PV, ông Linh nói:

- Trong những năm qua, TMĐT đã phát triển rất nhanh chóng. Với ưu thế nhanh, giảm chi phí, rất nhiều doanh nghiệp đã lập trang thông tin điện tử để bán hàng. Rất nhiều mô hình được lập ra như sàn giao dịch, chợ điện tử, thậm chí mô hình nhóm mua giá rẻ thế giới vừa ra đời đã xuất hiện tại VN và phát triển mạnh. Đến nay, được Bộ Công thương giao quản lý lĩnh vực TMĐT, gần như ngày nào Cục TMĐT chúng tôi cũng nhận được bộ hồ sơ đề nghị liên quan đến các hình thức kinh doanh TMĐT.

Bên cạnh mặt tích cực, thời gian qua chúng tôi nhận thấy xuất hiện những mô hình TMĐT không đúng, gây tác động xã hội xấu. Vì vậy, việc soạn thảo nghị định mới về TMĐT lần này sẽ tiếp thu những vấn đề từ thực tế để điều chỉnh kịp thời.

* Theo quy định, các sàn giao dịch phải có hồ sơ gửi Cục TMĐT, được đồng ý mới hoạt động. Nhưng hiện nhiều sàn chưa có phép vẫn hoạt động. Như mô hình MB24, khi vỡ lở, dân thiệt hại rồi sàn mới dừng hoạt động?

- Theo quy định, các doanh nghiệp muốn mở sàn giao dịch phải đăng ký với Bộ Công thương. Cục TMĐT và công nghệ thông tin là cơ quan trực tiếp phụ trách, quy trình xử lý của chúng tôi rất công khai.

Doanh nghiệp nào được đồng ý cho đăng ký, đơn vị nào không được đăng ký đều được công khai trên trang web của Cục TMĐT và công nghệ thông tin (http://www.vecita.gov.vn). Người dân hoàn toàn có thể vào đó để kiểm tra. Với doanh nghiệp chưa được đăng ký, người dân vẫn tham gia thì rõ ràng họ phải hết sức cẩn thận.

Rõ ràng là trước một phương thức kinh doanh mới, người tiêu dùng cần trang bị những kiến thức nhất định trước khi quyết định mua bán.

* Hiện còn khoảng 40 doanh nghiệp đang kinh doanh kiểu mô hình MB24, nhiều người dân đã thiệt hại. Vậy biện pháp xử lý của cục với vấn đề này như thế nào?

- Với bản thân mô hình MB24, công ty sở hữu sàn giao dịch này đã có đề nghị lên Cục TMĐT và công nghệ thông tin cho đăng ký nhưng chúng tôi có phát hiện những vấn đề qua hồ sơ đăng ký nên không chấp nhận. Trong điều kiện pháp lý hiện tại, bản thân cục cũng chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan để thường xuyên phát hiện, chủ động cảnh báo các hoạt động TMĐT có thể gây tác động xấu.

Với việc xử lý, bắt các cá nhân liên quan đến MB24 vừa qua, tôi tin gần 40 doanh nghiệp liên quan đến mô hình kinh doanh tương tự sẽ phải ý thức được việc kinh doanh có thể phải chịu trách nhiệm như thế nào.

* Nghị định mới về TMĐT có khác gì so với nghị định cũ?

- Nghị định này chỉ làm rõ các nguyên tắc của Luật giao dịch điện tử với việc sử dụng thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại, chưa đưa ra được điều chỉnh về các phương thức kinh doanh TMĐT. Trong khi đó, các luật như Luật TMĐT, Luật dân sự, Luật thương mại (sửa đổi) cũng chưa có quy định cụ thể, chi tiết về TMĐT. Nghị định mới sẽ quy định chi tiết hơn về các hình thức kinh doanh TMĐT, các đối tượng cũng như nguyên tắc hoạt động TMĐT, các bước để được kinh doanh... Quan điểm của chúng tôi khi xây dựng nghị định mới là phải bám sát được thực tiễn, theo kịp tốc độ phát triển TMĐT đang diễn ra.

* Nhưng dự thảo nghị định dù đầy đủ các điều kiện kinh doanh TMĐT nhưng lại thiếu hẳn phần xử phạt?

- Đúng là chúng tôi chưa đưa ngay vào nghị định này các quy định về xử phạt các hành vi vi phạm. Trước hết, bản thân nghị định về quản lý TMĐT cần được hoàn thiện để làm rõ đâu là những hành vi vi phạm. Sau khi đã làm rõ một cách đầy đủ hành vi nào vi phạm, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất và soạn riêng một nghị định về xử phạt trong TMĐT. Việc có riêng một nghị định về xử phạt chứ không ghép vào nghị định sửa lần này sẽ giúp có quy định cụ thể hơn về các chế tài trong TMĐT...

Hiện chúng tôi đã hoàn thiện dự thảo nghị định, đã đưa ra công khai lấy ý kiến nhân dân. Dự kiến đến tháng 12-2012, Bộ Công thương sẽ chính thức trình Chính phủ dự thảo nghị định để Chính phủ thảo luận, thông qua.

Sẽ cấm hình thức bán hàng đa cấp trên mạng

Bà Nguyễn Thị Hạnh - trưởng văn phòng đại diện TP.HCM, Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin - cho biết dự thảo nghị định có đưa ra điều cấm các hoạt động tương tự vụ MB24 là cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thông qua mạng lưới kinh doanh, tiếp thị, trong đó mỗi người tham gia phải đóng một khoản phí ban đầu để mua dịch vụ và nhận tiền hoa hồng từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới.

 

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM)

Thiệt thòi luôn là người tiêu dùng

Thương mại điện tử có ưu điểm nhanh chóng, tiện dụng, rất phù hợp với người tiêu dùng (NTD) trong cuộc sống ngày càng eo hẹp về thời gian hiện nay. Tuy nhiên, mua hàng qua mạng tiềm ẩn quá nhiều rủi ro từ khâu thẩm định công năng, chất lượng đến khâu thanh toán và chế độ hậu mãi, khiếu nại khi sản phẩm không đạt chất lượng.

Rủi ro tiềm ẩn khi NTD không thể biết chất lượng sản phẩm ngoài những lời quảng cáo, giới thiệu đầy hấp dẫn. NTD chỉ thật sự biết sản phẩm chất lượng như thế nào khi sử dụng. Quả thật mua hàng trên mạng hiện nay giống như chơi một ván bài đầy mạo hiểm.

Khâu thanh toán cũng như những giao dịch khi nhận hàng cũng tiềm ẩn đầy rủi ro. Nhiều NTD không nhận được hàng dù đã gửi tiền. Khi nhận hàng NTD cũng không mấy lưu tâm đến các giấy tờ hóa đơn, bảo hành sản phẩm. Hiện nay, Nhà nước đã ban hành các luật về thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng, luật chất lượng sản phẩm hàng hóa. Các luật này cho phép và khuyến khích NTD bị lừa đảo có thể khởi kiện nhưng việc này cũng rất khó khăn do NTD ngại khiếu nại vì nghĩ rắc rối, mất thời gian, trong khi các đơn vị tiếp nhận yêu cầu khiếu nại của NTD còn thiếu quan tâm, lúng túng trong giải quyết.

Ông Lý Quốc Hùng (vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, Bộ Công thương):

Tỉnh táo với những “bánh vẽ”

Những “bẫy” thương mại điện tử được giăng khắp nơi với chiêu thức vô cùng đa dạng và tinh vi. Đối với thị trường châu Phi, qua kênh giao dịch này các đối tác “ma” thường đưa ra những “bánh vẽ” đầy hấp dẫn là các đề nghị hợp tác đầu tư, ký các hợp đồng xuất nhập khẩu, gửi thông báo trúng thầu... có giá trị lên đến hàng triệu USD với mức lợi nhuận cao.

Chiêu lừa phổ biến mà nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước dính bẫy là việc các đối tác “ma” yêu cầu phía DN VN trả trước những chi phí như: phí nhập khẩu, phí giao dịch, phí trúng thầu, phí bảo lãnh hợp đồng của bộ tư pháp, tòa án tối cao... Khi nhận được các khoản phí này, các đối tác “ma” mới bắt đầu lộ diện bằng cách cắt đứt mọi liên lạc.

Do đó, trước khi ký kết hợp đồng, DN cần yêu cầu đối tác cung cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thẻ xuất nhập khẩu và địa chỉ ngân hàng nơi DN đó mở tài khoản. DN cũng nên thông qua Bộ Công thương và các cơ quan đại diện thương mại của VN tại nước sở tại để thẩm tra. Các DN cần tỉnh táo, lùi lại một bước để có thể nhìn ra những thương vụ hấp dẫn chỉ là miếng “bánh vẽ”.

Lê Sơn - Đình Dân

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cầm Văn Kình ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN