Cái “chết” của xi măng lò đứng: Thành công hay sai lầm?

Chuyện “khai tử” xi măng lò đứng coi như đã xong. Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng đánh giá kết thúc thành công sẽ không nhìn ra khuyết điểm để rút kinh nghiệm cho những quyết sách trong tương lai.

“Thấy người ta làm cũng làm” 

Nhìn lại quá trình phát triển xi măng công nghệ lò đứng, và chương trình 3 triệu tấn xi măng lò đứng của Bộ Xây dựng (giai đoạn 1993-1997), ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng: Đây là giải pháp tình thế hiệu quả.

“Giai đoạn đó đất nước còn khó khăn, doanh nghiệp nhỏ muốn đầu tư công nghệ lò quay cũng không có tiền, muốn vay cũng không được, thậm chí thiếu nhân lực vận hành dây chuyền. Do đó, lò đứng là tối ưu nhất”, ông Cung nói.

Theo ông Cung, dây chuyền lò đứng chỉ có của Trung Quốc, công suất nhỏ (gần 100.000 tấn clanke/năm), để đạt được mục tiêu 3 triệu tấn xi măng, Việt Nam phải đầu tư hơn 30 nhà máy. Sau đó vài năm, hàng loạt nhà máy đi vào hoạt động, Chính phủ có chương trình bê tông hóa kênh mương, giao thông vùng nông thôn, sử dụng chủ yếu xi măng từ các nhà máy lò đứng. 

Cái “chết” của xi măng lò đứng: Thành công hay sai lầm? - 1

Một nhà máy xi măng tại Hà Nam - địa phương thuộc diện nhiều nhà máy xi măng nhất nước. Ảnh: Minh Đức

PGS.TS Lương Đức Long, Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng cho rằng, những năm 90 có 3 chương trình lớn: Xi măng lò đứng, mía đường, đánh bắt xa bờ. Trong đó, theo ông, xi măng lò đứng là thành công nhất. Nay đã hoàn thành sứ mệnh, nên dừng hoạt động. 

“Cũng phải nói rằng, những nhà máy xi măng lò đứng đầu tư sau năm 2000 là theo phong trào, thấy người ta làm cũng làm. Ngoài ra, giá công nghệ lò đứng của Trung Quốc lúc này lại rẻ, chỉ bằng nửa trước đây (còn khoảng 30 tỷ đồng), thậm chí chế tạo trong nước nên hầu như không hiệu quả”, TS Long nói.

TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, với nhiều năm công tác trong lĩnh vực xây dựng và kiểm định chất lượng công trình, ông cho rằng: So với xi măng lò quay, chất lượng xi măng lò đứng kém hơn nhiều, lại thiếu ổn định.

“Với các công trình lớn, quan trọng, rất ít sử dụng xi măng lò đứng. Xi măng lò đứng làm ra chỉ dùng cho công trình nhỏ, dân sinh, như đường giao thông nông thôn, đặc biệt với kênh mương thủy lợi do không yêu cầu quá cao về chất lượng xi măng”, TS Chủng nói. 

Ông kể, khi giám sát (lúc đương chức), kiểm định công trình sử dụng xi măng lò đứng, ông phải ghi chú vào hồ sơ: “Đặc biệt lưu ý và giám sát chặt chất lượng”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, đầu tư xi măng lò đứng là sai lầm. Với chương trình 3 triệu tấn xi măng lò đứng, bà Lan cho rằng, đấy chỉ là lý do để được nhập về. Còn các vấn đề chất lượng kém, ô nhiễm môi trường… xã hội gánh chịu. 

“Các công ty xây dựng, hầu hết là doanh nghiệp nhà nước không ai chịu trách nhiệm. Do đó, giờ thị trường đào thải là tất yếu”, bà Lan nói. 

Tuy vậy, theo vị chuyên gia này, dù xi măng lò đứng đã bị đào thải, nhưng xã hội sẽ phải giải quyết vấn đề môi trường và lao động dôi dư từ các nhà máy chuyển đổi, đóng cửa.  

Việc đầu tư xi măng lò đứng rầm rộ cũng xuất phát từ một thực tế, các doanh nghiệp muốn chiếm dụng vốn để làm việc khác. Do đầu tư cho xi măng cần vốn lớn, vốn vay chủ yếu của nước ngoài và phải được Chính phủ bảo lãnh. 

“Các doanh nghiệp thường nâng khống vốn đầu tư lên gấp đôi thực tế, khi được vay sẽ chiếm dụng một phần làm việc khác. Như nâng vốn từ 200 lên 400 triệu USD, để chiếm dụng 200 triệu USD. Còn trả được nợ hay không là chuyện khác. Do đó, các doanh nghiệp chủ yếu mua công nghệ Trung Quốc, giá rẻ, chạy 5-7 năm có hỏng cũng hết nhiệm kỳ lãnh đạo”, một nguyên lãnh đạo Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) nói.

Môi trường ô nhiễm mới lo giữ?

Trong quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020, và định hướng đến năm 2030, ngoài đặt mốc thời gian “khai tử” công nghệ xi măng lò đứng, Chính phủ còn đặt mục tiêu: Trước năm 2015, nhà máy xi măng công suất lò nung từ 2.500 tấn clanke/ngày trở lên phải có hệ thống tận dụng nhiệt khí thải phát điện. Tuy nhiên, trong khoảng 30 nhà máy xi măng đạt công suất kể trên, mới có 4 nhà máy đầu tư theo quy hoạch. 

Theo TS Long, chủ trương đầu tư nhiệt điện tận thu nhiệt khí thải là đúng và nên làm. Do dễ làm, bảo vệ môi trường (đơn giản và ít tốn kém hơn đầu tư nhà máy xử lý rác thải). Lượng điện tạo ra đáp ứng khoảng 25% điện năng tiêu thụ của cả nhà máy xi măng, điều này tiết kiệm cho xã hội rất lớn.

“Các doanh nghiệp thường nâng khống vốn đầu tư lên gấp đôi thực tế, khi được vay sẽ chiếm dụng một phần làm việc khác. Như nâng vốn từ 200 lên 400 triệu USD, để chiếm dụng 200 triệu USD”.

Nguyên lãnh đạo Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam

Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung cho rằng: “Dù biết đầu tư nhiệt điện tận thu nhiệt khí thải có lợi, nhưng các nhà máy xi măng chưa mặn mà vì thiếu vốn, có muốn vay ngân hàng cũng khó”. 

Ông Cung cho biết, hiệp hội đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng, Bộ Tài chính có chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xi măng lắp đặt hệ thống nhiệt điện tận dụng nhiệt khí thải.

Để các chủ trương trong quy hoạch được thực hiện, theo TS Lương Đức Long, nhà nước cần có quy định, chế tài bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện, không để doanh nghiệp làm sao cũng được.

Lãnh đạo Vụ Quản lý Quy hoạch (Bộ KH&ĐT) cũng cho biết, Luật Quy hoạch (đang được Bộ KH&ĐT xây dựng) sẽ có chế tài bắt buộc các bên liên quan phải thực hiện quy hoạch. Đồng thời, quy trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan nếu quy hoạch không đạt được.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Hữu Việt (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN