Cá ngừ Việt 37 triệu, cá ngừ Nhật 70 tỷ, không nỗ lực mất thị trường

Sự kiện: Kinh Doanh

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do. Theo Bộ trưởng, CPTPP và EVFTA chiếm trên 30% GDP toàn cầu, 35% giao dịch thương mại toàn cầu, đây là cơ hội nhưng ngược lại cũng đầy rẫy thách thức, nếu không vươn lên thì không chỉ mất cơ hội xuất khẩu mà còn mất ngay thị trường sân nhà Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Chúng ta phải nhận diện rõ đâu là cơ hội. Tổng GDP của 2 thị trường tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do  Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chiếm hơn 35% GDP toàn cầu, tổng giao dịch thương mại khoảng 35% thương mại toàn cầu, hết sức lớn. Đây là cơ hội nhưng ngược lại cũng rất nhiều thách thức và rủi ro mà không nỗ lực thì chúng ta sẽ đánh mất cơ hội và mất ngay thị trường sân nhà Việt Nam.

“Một con cá ngừ đại dương Việt Nam có trọng lượng gần 300 kg chỉ bán được với giá 37 triệu đồng, trong khi đó, 1 con cá ngừ đại dương của Nhật Bản  270 kg bán được 70 tỷ đồng. Đây là đẳng cấp kinh tế, trình độ kinh tế, nó là tiêu chuẩn, quy chuẩn, cách thức, kỹ năng hội nhập. Cần nhận diện thật rõ hội nhập, tổ chức lại chuỗi ở tất cả các khu vực. Hoàn thiện thể chế, chuyển đổi phương thức, hệ thống kinh tế, liên kết chất lượng sản phẩm" - Bộ trưởng Cường nói.

Cá ngừ Việt 37 triệu, cá ngừ Nhật 70 tỷ, không nỗ lực mất thị trường - 1

Khai thác cá ngừ đại dương tại Phú Yên. Ảnh: I.T

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh – trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại quan trọng, với 16 hiệp định thương mại tự do cả song phương và đa phương đã được ký kết. Trong số đó, có nhiều FTA thế hệ mới với những đòi hỏi, yêu cầu chuẩn mực rất cao, tác động trực tiếp sâu rộng đến nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh của quốc gia, quản trị của quốc gia, chính sách phát triển kinh tế, xã hội…

Do đó, những nỗ lực và việc triển khai thực hiện FTA của Việt Nam mang tính hệ thống, xuyên xuốt và mang tính nền tảng, để đổi mới giúp Việt Nam thực hiện thành công chiến lược phát triển đất nước trên nền tảng phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, tác động của hội nhập đi vào cuộc sống, không chỉ đi vào Bộ, ngành địa phương mà còn tác động đến từng doanh nghiệp, từng người dân, sản xuất trong nước trong đó có ngành nông nghiệp và nông thôn.

Với hội nhập quốc tế, trong đó, có hội nhập kinh tế là chủ chốt, thì Việt Nam đã có những bước chủ động đi đầu trong cơ chế hợp tác kinh tế quốc tế và diễn đàn khu vực, và từ một nước đi sau, chúng ta đã vươn lên nằm trong nhóm nước đi đầu hội nhập kinh tế quốc tế. Và trong tiến trình này, chúng ta đã chuyển từ bị động sang chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, đã có những chuyển biến quan trọng cả về cơ cấu phát triển kinh tế, chất lượng phát triển kinh tế cũng như chiến lược đối ngoại của chúng ta, trong đó lấy nền tảng là đa phương hóa, đa dạng hóa.

Minh chứng thành công trong hội nhập của Việt Nam có thể lấy ví dụ từ chính ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, với việc Việt Nam hội nhập sâu rộng, nhất là các thị trường có hiệp định thương mại tự do, nông nghiệp đã vươn lên, chứng kiến sự thay đổi vượt bậc, trong năng lực sản xuất của doanh nghiệp và nông dân từng bước tạo tiền đề quan trọng trong liên kết chuỗi.

Với vị thế là nước đứng đầu trong các sản phẩm nông sản sản xuất và xuất khẩu như cà phê đứng thứ 2 thế  giới, gạo đứng thứ 3 thế giới, thủy sản đứng thứ tư thế giới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, không có giới hạn cho năng lực sản xuất nếu chúng ta có thể tận dụng tối đa cơ hội về thị trường và có được điều kiện để tái cơ cấu, đưa công nghệ và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, hữu cơ và gắn với việc hình thành phát triển các chuỗi giá trị.

Cá ngừ Việt 37 triệu, cá ngừ Nhật 70 tỷ, không nỗ lực mất thị trường - 2

Tham gia CPTPP Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu. Ảnh: I.T

“Các hiệp định thương mại tự do chính là cơ hội để chúng ta nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong tất cả các ngành kinh tế lớn của Việt Nam có giá trị xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD thì chúng ta có trên 30 ngành hàng, trong số đó, nông nghiệp chiếm một phần lớn, tuy nhiên, nông nghiệp vẫn gặp nhưng trở ngại về chất lượng, năng lực cạnh tranh, công nghệ chế biến để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật khi tham gia các hiệp định thương mại tự do. Do đó, chúng ta còn nhiều dư địa để triển khai công tác nghiên cứu, tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh”. 

Bối cảnh của thế giới đang diễn biến ngày càng phức tạp, đa dạng. Bản thân toàn cầu hóa đang có xu hướng phát triển đa dạng hơn, tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn thấy các trở ngại mới với trong bối cảnh đang xuất hiện chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa đơn phương và đã trực tiếp đe dọa đến năng lực sản xuất, khả năng lực cạnh tranh và thâm nhập thị trườngcủa sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.

Do đó, việc các FTA trong đó, Hiệp định CPTPP và tới đây EVFTA sẽ ký kết vào 30/6/2019 là nền tảng cho hội nhập của Việt Nam, giúp Việt Nam khẳng định hiệu quả, thế đứng, vị thế, tâm thế của Việt Nam, để chúng ta có thể hội nhập thành công hơn nữa, tạo ra công cụ cho các ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó có nông nghiệp tái cơ cấu sản, đổi mới sản xuất gắn với lợi thế cạnh tranh và thị trường toàn cầu hóa sôi động và nhiều cơ hội.

Điều kiện thuận lợi nhất không chỉ đến từ cắt giảm thuế quan mà còn có điều kiện thực thi chính sách phát triển tại các thị trường, đảm bảo môi trường bình đẳng, lành mạnh mà các quốc gia tham gia Hội nhập cùng cam kết thực hiện. Đồng thời, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất lao động, mô hình sản xuất nông nghiệp.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong hội nhập, không phải tất cả đều là bức tranh màu hồng. Rất nhiều áp lực, thách thức đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân và thành tố trong xã hội. Do đó, đòi hỏi vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ban ngành trong việc xây dựng chính sách và thực thi pháp luật để đảm bảo hiệu quả cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Đây là mục tiêu xuyên xuốt. Do đó, các chương trình hành động FTA đã ký kết luôn luôn hàm chứa các nội dung cụ thể, nhiệm vụ của từng bộ ngành, các tổ chức chính trị, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

“Cần hơn thế nữa sự vào cuộc của các địa phương, nhóm ngành hàng để Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành khác có điều kiện tiếp cận để bàn thảo, thảo luận các công việc cần triển khai, trách nhiệm của mỗi bên”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc: Hấp dẫn nhưng vẫn bí thông tin

Việc Trung Quốc siết các quy định về quản lý, kiểm soát xuất nhập khẩu nông sản là nguyên nhân khiến việc xuất khẩu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thơ ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN