Bộ trưởng Bộ Công Thương: Dưa ế vì không có quy hoạch trồng

Liên quan đến tình trạng nông sản ùn ế như thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chiều 20.5 đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí.

Bộ trưởng có thể lý giải nguyên nhân sâu xa tình trạng ùn tắc sản phẩm nông sản tại cửa khẩu trong thời gian qua?

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Dưa ế vì không có quy hoạch trồng - 1

   Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng,  để tránh ùn ứ, các địa phương không nên sản xuất  nông sản ồ ạt. Ảnh: Như Ý 

- Vừa rồi tình trạng ách tắc hàng hóa xảy ra với những mặt hàng nông nghiệp không có quy hoạch hoặc có nhưng rất lỏng lẻo. Về dưa hấu, theo tôi được biết hiện chưa có quy hoạch cụ thể về diện tích trồng dưa hấu trên cả nước. Mặt khác dưa hấu là loại cây dễ trồng, ngắn ngày nên tại khá nhiều địa phương người dân tận dụng giữa 2 vụ lúa để trồng dưa hấu tăng thu nhập. Việc trồng tự phát này không ai kiểm tra, không ai quy định, tính toán và đưa vào quy hoạch được. Vì thế dẫn đến sản lượng dưa hấu tăng đột biến.

Tuy nhiên, cần phải nói rằng chúng ta trồng dưa hấu vẫn chủ yếu là tiêu thụ trong nước. Theo thống kê, năm 2014, chúng ta có hơn 1 triệu tấn dưa hấu thì 700.000 tấn tiêu thụ trong nước, còn lại tiêu thụ sang Trung Quốc, chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Tại cửa khẩu Tân Thanh, chúng tôi đã kiểm tra nhiều lần và thấy rằng, không phải Trung Quốc hạn chế nhập khẩu dưa hấu mà họ đưa ra các điều kiện. Thứ nhất là chất lượng, mẫu mã, kích cỡ sản phẩm phải đảm bảo tiêu chuẩn. Thứ hai, khu vực tập kết xe tải chở hàng hóa làm các thủ tục thông quan ở cửa khẩu của phía Trung Quốc có diện tích rất chật chội, chỉ chứa được khoảng 350-400 xe/ngày. Song có những lúc có đến 1.000 xe chở dưa hấu của Việt Nam lên, dẫn đến ùn tắc...

Vậy Nhà nước phải vào cuộc và có kế hoạch cụ thể gì để giúp nông sản không bị ùn tắc đầu ra?

- Vấn đề này tỉnh Lạng Sơn đã có báo cáo lên Bộ Công Thương từ vài năm trước. Chúng tôi cùng với Bộ NNPTNT đã có khuyến cáo các địa phương trồng nhiều dưa hấu, nhất là các tỉnh miền Trung, đề nghị khi đưa dưa hấu lên biên giới cần liên hệ với các cơ quan liên quan để có giải pháp điều tiết. Tuy nhiên, thực tế không phải ai cũng biết thông tin đó.

Về lâu dài, cần phải có giải pháp gì để không xảy ra tình trạng nông dân sản xuất nông sản ồ ạt dẫn đến tắc đầu ra?

- Tôi nghĩ rằng với vấn đề này, đầu tiên chính quyền địa phương và các bộ ngành liên quan phải làm tốt công tác thông tin cho người nông dân. Cần phải vận động kết nối giữa người nông dân với thương lái, với các doanh nghiệp tiêu thụ, các trung tâm thương mại, siêu thị… Chúng ta vẫn tiêu thụ dưa hấu trong nước là chính, nếu tiêu thụ trong nước tốt chắc chắn không xảy ra vấn đề ế ẩm, ùn tắc ở cửa khẩu. Ngoài ra, vấn đề thông quan cần làm tốt hơn, chúng tôi đã bàn với một số địa phương mở rộng và xây dựng thêm khu tập kết, bảo quản và chọn lọc hàng hóa chờ thông quan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Lương (ghi) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN