Bộ Tài chính: Thành lập 5 đoàn kiểm tra

Đó là thông tin được ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), đưa ra sau buổi họp liên ngành diễn ra ngày 4-3.

Sau những diễn biến tăng giá đồng loạt của các hãng sữa trên thị trường, Bộ Tài chính đã quyết định thành lập năm đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra việc đăng ký, kê khai giá tại năm doanh nghiệp (DN) sữa có thị phần lớn gồm: Vinamilk, Nestlé, MeadJohnson, FrieslandCampina Việt Nam và Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (nhà phân phối sữa Abbott).

Chấn chỉnh biểu hiện “làm giá”

Chiều 4-3, sau cuộc họp liên ngành bàn về bình ổn giá sữa, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công Thương thu thập số liệu liên quan để điều tra xem các DN sữa có bắt tay làm giá, vi phạm Luật Cạnh tranh hay không. Bộ Tài chính đang nắm bắt tình hình, các thông tin liên quan, không loại trừ khả năng sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bình ổn giá, trong đó có thể tính tới việc áp dụng giá trần đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi.

Trước đó, có thông tin về việc một số DN đã kê khai giá với Bộ Tài chính và bị từ chối cho phép tăng giá. Tuy nhiên, các đơn vị này vẫn thực hiện việc điều chỉnh giá. Ông Tuấn cho rằng dùng từ “từ chối” là không đúng. Việc kê khai giá, các DN phải thực hiện theo luật khi điều chỉnh giá các sản phẩm. Tuy nhiên, vừa qua trong quá trình tiếp nhận thông tin, cơ quan quản lý thấy một số yếu tố đầu vào chưa rõ nên đề nghị DN giải trình thêm. Trong quá trình giải trình, có thông tin DN vẫn tự ý điều chỉnh. Do đó thanh tra tài chính sẽ xác minh vấn đề này.

Bộ Tài chính: Thành lập 5 đoàn kiểm tra - 1

Theo TS Ngô Trí Long, tùy thuộc vào thị trường để cơ quan quản lý lựa chọn biện pháp nào hợp lý để bình ổn giá sữa. Ảnh: HTD

“Bên cạnh việc kiểm tra tăng giá, Bộ Tài chính cũng đang thanh tra nghi vấn chuyển giá của DN sữa nước ngoài” -  ông Tuấn cho biết thêm.

Bộ quyết liệt, DN đâu dám làm liều

Trước thông tin về việc Bộ xem xét đưa ra giá trần cho mặt hàng sữa dành cho trẻ em, đại diện một DN giấu tên cho biết hiện nay trên thị trường phần lớn các loại sữa bột dành cho trẻ em là sữa công thức. Đây là loại sữa đặc biệt và từng nhà sản xuất có công thức khác nhau. Khi pha trộn các hàm lượng dinh dưỡng thì đều phải thử nghiệm lâm sàng, trong khi đó chi phí thực cho việc này rất lớn cho nên không biết lấy giá nào phù hợp để áp giá trần. Bên cạnh đó, hiện nay phần lớn nguyên liệu sữa đều nhập từ thế giới, khi giá nguyên liệu thế giới tăng cao hơn mức trần mà Bộ đề ra thì chắc chắn các DN sữa sẽ phải đề nghị nới rộng giá trần. Bên cạnh đó, nếu áp giá trần cho sản phẩm sữa thì dẫn đến hậu quả các công ty sữa không cạnh tranh lẫn nhau trong việc ra sản phẩm mới. Hoặc có thể họ sẽ không sản xuất ra mặt hàng đó vì lỗ, lúc đó phân khúc thị trường cho trẻ sẽ hụt.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long cho rằng vấn đề cốt lõi là xác định thị trường sữa là độc quyền, cạnh tranh hay vừa cạnh tranh vừa độc quyền thì mới xem xét có nên áp dụng giá trần hay không. Nếu DN sữa nào chiếm 30% hoặc hai DN chiếm 50% thị phần là độc quyền… Trong khi hiện nay thị trường sữa Việt Nam chỉ có bốn DN chiếm thị phần lớn, việc quan trọng là xác định thị phần của bốn DN là bao nhiêu để đánh giá. Nếu các DN này chiếm thị phần lớn nhưng có sự cạnh tranh với nhau thì nên áp dụng giá trần, nếu không thì không nên áp dụng. Vì vậy, tùy thuộc vào thị trường để cơ quan quản lý lựa chọn biện pháp nào hợp lý. “Mặt hàng sữa hiện có 500 dòng sản phẩm, tùy vào thị phần, từng DN và sản phẩm để xác định các phương án giá. Nếu áp dụng giá trần không đúng thì quốc tế sẽ phản ứng” - ông Long lưu ý.

“Ở đây trách nhiệm quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, DN muốn tăng hay giảm đều phải qua tay cơ quan quản lý giá từ khâu bán buôn đến bán lẻ. Có một thực tế, thời gian qua giá sữa không có chế tài nào đủ mạnh để DN sợ, họ vẫn cứ tăng dù bị cơ quan quản lý “tuýt còi”. Cơ quan quản lý buông lỏng nên mới để xảy ra tình trạng loạn giá sữa. Cục Quản lý Giá không đủ khả năng để đi kiểm soát chi phí mà chỉ có cơ quan thanh tra tài chính hoặc cơ quan thuế mới kiểm tra được DN” - ông Long đánh giá.

Vẫn có thể tính giá thành

Kiểm soát giá nói chung và giá sữa nói riêng rất đơn giản, chỉ cần dựa vào cơ cấu giá thành là biết được giá có được các DN tính đúng hay không. Giá thành sữa bao gồm giá vốn, chi phí quảng cáo, tiếp thị, cộng với lợi nhuận, chiết khấu đại lý,… Từ đó sẽ biết giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cao thấp ra sao .

TS NGÔ TRÍ LONGchuyên gia kinh tế

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRÀ PHƯƠNG - TÚ UYÊN (Pháp Luật Tp.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN