Bổ sung sản xuất ô tô vào kinh doanh có điều kiện

Ủy ban Kinh tế đã thống nhất tán thành với việc bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Ngày 8-11, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đưa ra báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo Ủy ban Kinh tế, hiện có hai ý kiến và quan điểm về đề xuất đưa ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô trở thành ngành kinh doanh có điều kiện. Loại ý kiến thứ nhất nhấn mạnh đến Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014.

Trong đó, Chính phủ đưa ra các định hướng cụ thể, “nghiên cứu thiết lập các điều kiện kinh doanh cần thiết đối với ô tô nhập khẩu; đồng thời, hoàn thiện, bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu đối với ô tô sản xuất trong nước để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế” và “bảo đảm nhất quán, ổn định hệ thống chính sách trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập để tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư”.

Bổ sung sản xuất ô tô vào kinh doanh có điều kiện - 1

Sản xuất, lắp ráp ô tô được đưa vào danh mục ngành kinh doanh có điều kiện. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG

Tuy nhiên, theo quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư 2014, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Việc thay đổi chính sách đối với sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, làm mất niềm tin đối với các nhà đầu tư, ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi người tiêu dùng; đặc biệt là việc bảo hành, bảo dưỡng, đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe của cộng đồng.

Do vậy, việc bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là cần thiết để phát triển ngành công nghiệp ô tô theo định hướng nêu trên, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị làm rõ việc bổ sung điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp hay yêu cầu quản lý nhà nước và có đảm bảo tính bình đẳng, phổ quát của pháp luật không?

Bởi hiện việc sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu các phương tiện giao thông như mô tô, xe máy, đầu máy, toa xe tàu hỏa, tàu điện, cáp treo đều không quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; việc bảo đảm an toàn cho người sử dụng được thực hiện thông qua công tác đăng kiểm định kỳ. Đối với ô tô khi đưa vào sử dụng cũng phải thực hiện việc đăng kiểm định kỳ để bảo đảm an toàn cho người sử dụng; đồng thời có quy định chặt chẽ về niên hạn sử dụng đối với ô tô chở hàng và ô tô chở người.

Nếu coi nhập khẩu ô tô là ngành, nghề cần hạn chế kinh doanh để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng thì tại sao không hạn chế việc nhập khẩu xe máy và các phương tiện giao thông khác. Do đó, đề nghị cân nhắc việc bổ sung nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, gút lại các ý kiến, Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Phương (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN