Bỏ phố về quê nuôi bò, vắt sữa, lãi gần 1 tỷ/năm

Sự kiện: Kinh Doanh

Dù có một công việc ổn định với mức lương khá ở trên thành phố, nhưng anh Nguyễn Tiến Đạt (34 tuổi) ở thôn Đô Quan, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên (Hà Nam) vẫn quyết định bỏ về quê nuôi bò sữa, nhờ đó mỗi năm gia đình anh Đạt có lãi gần 1 tỷ đồng.

Chia sẻ với Dân Việt, anh Nguyễn Tiến Đạt cho biết, năm 2006 anh tốt nghiệp Cao Đẳng chuyên ngành công nghệ thông tin và sau đó tìm được một công việc ổn định với mức lương khá ở Hà Nội. Xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có khát khao trong lòng muốn quay trở về quê hương mở trang trại, làm nông nghiệp, sau khi tỉnh Hà Nam có chính sách hỗ trợ và khuyến khích nuôi bò sữa, đầu năm 2014 anh Đạt quyết định bỏ việc về quê đầu tư nuôi bò sữa.

Bỏ phố về quê nuôi bò, vắt sữa, lãi gần 1 tỷ/năm - 1

Nhờ nuôi bò sữa mà mỗi năm gia đình anh Nguyễn Tiến Đạt có lãi gần 1 tỷ đồng.

Khởi nghiệp từ 21 con bò sữa làm vốn ban đầu, nhận thấy con bò sữa dễ nuôi và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại vật nuôi khác nên anh Đạt tiếp tục nhân đàn và mở rộng chuồng trại. Sau hơn 4 năm nuôi, đến nay quy mô chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Tiến Đạt đã lên tới hơn 60 con bò sữa.

Trang trại nuôi bò sữa của gia đình anh Nguyễn Tiến Đạt được đầu tư bài bản, với hơn 1.200m2 chuồng trại trong tổng diện tích hơn 7ha. Chuồng nuôi bò được anh Đạt thiết kế rất kiên cố, có hệ thống chiếu sáng, quạt thông gió để luôn duy trì nhiệt độ phù hợp và hệ thống vắt sữa khép kín ...

Bỏ phố về quê nuôi bò, vắt sữa, lãi gần 1 tỷ/năm - 2

Với hơn 60 con bò sữa, trung bình mỗi ngày trang trại của anh Đạt cho sản lượng khoảng hơn 5 tạ sữa, với mức giá dao động khoảng 1.2000 đồng/1kg. Trang trại bò sữa của anh Đạt còn tạo công ăn việc làm cho gần 20 người với mức lương từ 3,5 -6 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ hết chi phí mỗi năm gia đình anh Đạt có lãi gần 1 tỷ đồng.

Dẫn chúng tôi đi thăm quan mô hình nuôi bò sữa của gia đình, anh Đạt tâm sự, để có được như ngày hôm nay anh phải trải qua hết khó khăn này cho đến khó khăn khác.

“Thời điểm mới bắt đầu vào nuôi thì kỹ thuật không có và thiếu hụt thức ăn xanh cho bò nên đàn bò bị hao hụt và cho sản lượng sữa không cao. Đến lúc khắc phục được những khó khăn đó và bắt đầu có sữa để bán thì nhiều khi phía công ty cấm nhập sữa cả một tháng, bán ra bên ngoài được bao nhiêu thì bán còn lại phải đổ đi hết , có những ngày đổ đi gần 7 tạ sữa tươi, lòng tôi như xát muối mà người làm trong trang trại rớt nước mắt theo...” anh Đạt tâm sự.

Cũng theo anh Đạt, chi phí đầu tư nuôi bò sữa là rất lớn, nhưng đầu ra vẫn chưa ổn định, nhiều khi phía công ty thu mua sữa ép giá và thậm chí còn đưa ra nhiều lý do để không mua. Để ổn định đầu ra hơn và đỡ phụ thuộc vào phía công ty thu mua, gia đình anh Đạt tự biến sữa của trang trại thành sản phẩm như các sữa tươi và sữa chua nếp cẩm để bán ra thị trường.

Những sản phẩm sữa tươi, sữa chua được gia đình anh xây dựng và đăng ký nhãn hiệu Hanamilk được sản xuất trên dây chuyền khép kín và được cấp đầy đủ chứng nhận an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng. Chỉ riêng sản phẩm sữa chua nếp cẩm, trung bình mỗi ngày gia đình anh Đạt bán ra ngoài thị trường khoảng 2.000 cốc, với giá trung bình là 7000 đồng/ cốc.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi bò sữa, anh Đạt cho biết, con bò sữa này không giống như các loại bò thông thường khác, bò sữa này yêu cầu rất cao về thức ăn, thức ăn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, việc áp dụng các quy trình vệ sinh chuồng trại, phòng, ngừa dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu thì con bò sữa mới cho sản lượng và chất lượng sữa tốt nhất...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN