Bỏ 250 triệu mua ô tô cũ, vợ chồng trẻ “phát mệt” vì mua phải xe “hoàn lương”

Taxi thải hay còn gọi là xe taxi “hoàn lương” thường được làm mới rất tinh vi, sau đó đội lốt thành xe gia đình ít sử dụng. Nếu không có kinh nghiệm, người mua rất dễ gặp phải những chiếc xe “hoàn lương” sau khi hoạt động hết công suất, vừa tốn tiền vừa “phát mệt”.

Chị Trần Thị Sự, trú tại Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết do đặc thù công việc làm xây dựng của chồng chị phải đi lại nhiều nhưng tài chính eo hẹp nên chị tìm mua chiếc xe cũ qua người quen với giá 250 triệu.

Chỉ vào chiếc xe Huyndai Grand i10 - 2014 đang “đắp chiếu” ở góc đường, chị Sự buồn bã nói: “Gần chục năm cày kéo ở Hà Nội vợ chồng tôi vét hết tiền để mua đất ngoại thành rồi xây nhà. Nghĩ công việc của chồng vất vả, lại hay phải di chuyển, đi sớm về khuya nên chúng tôi bàn nhau mua một chiếc ô tô với số tiền vừa phải để lấy phương tiện đi lại cho an toàn”.

Chiếc ô tô phải “đắp chiếu” vì hỏng hóc liên tục. (Ảnh minh họa)

Chiếc ô tô phải “đắp chiếu” vì hỏng hóc liên tục. (Ảnh minh họa)

Tin tưởng người quen, hiểu biết về ô tô tìm mua giúp nên vợ chồng chị Sự yên tâm, vui vẻ khi tìm được chiếc xe phù hợp với nhu cầu. “Nhìn bên ngoài khá mới, nội thất cũng sạch sẽ, lại tin tưởng người quen giới thiệu là xe gia đình ít sử dụng nên tôi quyết mua ngay. Trong nhà có 200 triệu, tôi vay thêm 50 triệu của anh trai rồi làm thủ tục mua ngay lập tức”.

Sau hơn 3 tháng sử dụng, chiếc xe liên tục “dở chứng” khiến vợ chồng chị phát mệt rồi đổ lỗi cho nhau. “Mua được một thời gian ngắn thì xe hỏng hết cái nọ đến cái kia. Lần thì về quê không khởi động được phải gọi cứu hộ, khi di chuyển thì rất ồn lại hay bị chết máy, cửa xe bị kẹt, mấy hôm nay nóng thì điều hòa không mát…”.

Xe hỏng liên tục, chị Sự mang vào gara sửa thì họ cho biết vợ chồng chị mua phải chiếc xe taxi thải, được “mông má”, đại tu và “lột xác” trở thành chiếc xe gia đình hoàn chỉnh và bắt mắt.

Hầu hết các xe taxi thải sẽ được đưa vào garage để đại tu toàn bộ trước khi tung ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Hầu hết các xe taxi thải sẽ được đưa vào garage để đại tu toàn bộ trước khi tung ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Bực mình vì mua phải xe “nát”, chị Sự gọi điện cho bên bán thì họ chối bỏ trách nhiệm do việc mua bán đã xong xuôi từ 3 tháng trước. “Thậm chí tôi nói bán lại xe thì họ nói chỉ mua với giá 150 triệu, tôi phải chịu lỗ 100 triệu. Đồng ý bán nhưng 2 hôm rồi không thấy “tăm hơi” họ đâu, ô tô đắp chiếu ngoài ngõ, vừa bực mình vừa xót của”, chị Sự thở dài.

Anh Quyền – Chủ Gara ô tô tại Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, sau một thời gian sử dụng liên tục, phơi nắng phơi mưa, làm việc không có ngày nghỉ, những chiếc taxi được thanh lý đều đã rất “nát” từ ngoài vào trong. Muốn tiêu thụ dễ dàng phải mang vào garage để trải qua quá trình đại tu và “lột xác”, làm lại toàn bộ để tiếp tục sử dụng thêm một thời gian nữa.

“Những chiếc taxi sau quá trình kinh doanh hầu hết đều đã vận hành với quãng đường lớn, các chi tiết quan trọng như khung gầm đều đã xuống cấp. Dù được các garage sửa chữa nhưng nó cũng sẽ không thể nào "ngon" như mới. Chị em phụ nữ hoặc những người không hiểu về xe, rất dễ mua phải xe taxi cũ, vừa tốn tiền vừa không đạt được mục đích mua một chiếc xe ổn để đi lại”, anh Quyền nhấn mạnh.

Nếu mua phải những chiếc taxi "hoàn lương" này, người dùng sẽ phải chi trả rất nhiều tiền để sửa chữa các lỗi hỏng vặt phát sinh khi xe vận hành. (Ảnh minh họa)

Nếu mua phải những chiếc taxi "hoàn lương" này, người dùng sẽ phải chi trả rất nhiều tiền để sửa chữa các lỗi hỏng vặt phát sinh khi xe vận hành. (Ảnh minh họa)

Điều đáng nói là những chiếc xe taxi thanh lý thường được thợ “xóa dấu vết” bằng cách sang tên đổi biển, thay thế những chi tiết cũ hỏng bằng phụ tùng rẻ tiền, sau đó sơn sửa và đẩy giá lên tiệm cận mức những chiếc xe gia đình, bán kiếm lãi hàng trăm triệu đồng mỗi chiếc. Người dùng chỉ sau khi mua về đi được một thời gian, thấy xe xộc xệch và tìm hiểu mới biết mình ăn phải “quả đắng”.

Theo anh Quyền, để phát hiện xe taxi hoàn lương, người mua đặc biệt nên quan sát, kiểm tra taplo và tay cầm cửa xe. Bởi xe taxi bắt buộc phải gắn đồng hồ đo quãng đường và máy tính tiền ở taplo khu vực phía trước của ghế phụ. Khi kiểm tra cabin xe, bạn hãy rất chú ý đến taplo xem nó có các lỗ nhỏ hoặc bề mặt taplo không phẳng, có dấu hiệu làm lại hay không. Nếu có thì đó rất có thể là xe taxi đã được “hoàn lương”.

Một số người có kinh nghiệm thì cho rằng, khi mua xe cũ để an toàn nhất người mua nên đưa xe qua các đại lý chính hãng kiểm tra tổng thể theo đúng tiêu chuẩn của hãng. Như vậy mới có thể biết chính xác tình trạng sức khỏe của xe.

Vì vậy, nếu như không có nhiều kinh nghiệm cách tốt nhất khi mua xe cũ bạn nên nhờ người có tay nghề hoặc thuê dịch vụ kiểm tra tình trạng máy xe. Kiểm tra thật kỹ trước khi xuống tiền để tránh “tiền mất tật mang” chi ra vài trăm triệu đồng để mua về xe cũ nát.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh An ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN