Ai phải chịu trách nhiệm trước mỗi lần tăng giá điện?

Sự kiện: Giá điện 2019

Giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng từ ngày 20.3 với mức tăng 8,36%. Theo đó, giá điện dự kiến tăng từ 1.720 đồng lên khoảng 1.850 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). Giá điện tăng, cộng hưởng mức tăng của giá xăng dầu và sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi, dự kiến sẽ tạo gánh nặng chi phí trên vai doanh nghiệp và người dân.

Ai phải chịu trách nhiệm trước mỗi lần tăng giá điện? - 1

PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: Internet)

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này.

Ẩn số khoản lỗ tỷ giá 10.000 tỷ đồng

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về phương án tăng giá điện với mức tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành do Bộ Công Thương đề xuất?

- Điện là lĩnh vực độc quyền, do Nhà nước kiểm soát thông qua cơ chế kiểm soát giá, định giá bán điện trong mỗi lần điều chỉnh. Vậy nên, khi các yếu tố đầu vào tạo nên giá điện đều tăng thì việc tăng giá điện là không tránh khỏi.

Theo quyết định 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 06 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Hàng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu: phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

Ai phải chịu trách nhiệm trước mỗi lần tăng giá điện? - 2

Lịch sử tăng giá điện từ năm 2010 tới nay. (Ảnh: TTXVN)

Lẽ ra vào thời điểm cuối năm 2018, khi những yếu tố đầu vào gia tăng, ngành điện cần điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện. Song với mục tiêu kiểm soát lạm phát, Chính phủ đã không cho phép điều chỉnh tăng giá điện vào thời điểm đó.

Trong cơ cấu ngành điện hiện nay, nhiệt điện chiếm một tỷ lệ tương đối lớn, lên tới 51%. Tiếp theo, thuỷ điện cũng chiếm tỷ lệ 30%. Khi giá cả các nguyên liệu đầu vào như than, khí, dầu đều tăng, cộng thêm thiết bị do ngành điện nhập khẩu từ nước ngoài chiếm tới 70% trong bối cảnh tỷ giá ngoại tệ luôn biến động đã khiến các chi phí đầu vào tăng lên. Thêm vào đó, nhu cầu sử dụng điện trong nền kinh tế tăng trưởng rất nhanh, với tốc độ bình quân trên 10%/năm.

Ngành điện lúc này buộc phải điều chỉnh giá bán để đảm bảo đủ chi phí và có lợi nhuận phục vụ cho nhu cầu phát triển nội tại của ngành.

Về phía Nhà nước cần kiểm soát việc điều chỉnh tăng giá điện ở khía cạnh xem xét chi phí đầu vào hợp lý của tất cả các khâu là bao nhiêu? Từ đó, mới quyết định mức độ tăng giá mỗi lần điều chỉnh.

Dư luận đang băn khoăn khoản chênh lệch tỷ giá năm 2018 của giá điện khoảng 10.000 tỷ đồng. Vậy khoản chênh lệch tỷ giá của EVN thực tế là gì?

- Khoản lỗ 10.000 tỷ đồng của giá điện do chênh lệch tỷ giá giữa VND và các ngoại tệ khác. Khi ngành điện tiến hành mua sắm máy móc, nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài, ban đầu, chúng ta xác định tỷ giá giữa VND và ngoại tệ giao dịch ở một mức giá. Song sau đó, do xảy ra biến động tỷ giá nên khoản chênh lệch về giá trị giao dịch phát sinh trong quá trình mua thiết bị từ nước ngoài càng lớn hơn.

Tuy nhiên, khoản chi phí này không phân bổ một lần, mà được phân bổ nhiều lần, vào nhiều thời điểm khác nhau. Có những khoản chi phí phát sinh do chênh lệch từ giai đoạn trước, tới nay vẫn tiếp tục được phân bổ, hạch toán vào chi phí sản xuất – kinh doanh của ngành điện.

EVN có cơ chế nào trong việc phòng ngừa rủi ro tỷ giá không, thưa ông?

- Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải thực hiện dự phòng rủi ro trong quá trình hoạt động sản xuất – kinh doanh. Với EVN, không chỉ phải phòng ngừa rủi ro tỷ giá do nhập khẩu tới 70% thiết bị từ nước ngoài, họ còn phải phòng ngừa rủi ro lãi suất do nguồn vốn thực hiện nhiều dự án của EVN là vốn đi vay. Ngoài ra, EVN dù nhận được nhiều ưu đãi khi vay ở các tổ chức quốc tế nhưng cũng có khoản vay thương mại.

Đây là vấn đề về mặt nghiệp vụ. Trong quá trình tính toán chi phí và rủi ro, vẫn có những yếu tố bất ngờ, không thể lường trước toàn bộ. Trách nhiệm kiểm tra, xem xét hoạt động hạch toán chi phí, sử dụng nguồn vốn của EVN có đúng và hiệu quả hay không thuộc về Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan thanh tra của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương…

Ai phải chịu trách nhiệm trước mỗi lần tăng giá điện? - 3

Giá điện tăng, cộng hưởng mức tăng của giá xăng dự kiến sẽ tạo gánh nặng chi phí trên vai doanh nghiệp và người dân. (Ảnh: Internet)

Điều tôi quan tâm là tất cả các chi phí phía EVN, Bộ Công Thương tính toán để đưa ra đề xuất điều chỉnh tăng giá điện đã hợp lý hay chưa?

Vừa qua, ngành điện đã có những tiến bộ. Năng suất lao động của họ đã tăng lên, không còn xuất hiện những lao động thủ công thực hiện công việc thu tiền điện, đếm số điện. Hao hụt điện trước đây rất lớn, song so với các nước trong khu vực hiện nay, Việt Nam là một trong số các quốc gia có số hao hụt điện trong quá trình tiêu thụ thấp nhất. Chỉ số tiếp cận điện năng của người tiêu dùng cũng rất cao.

Giá điện tăng, nhiều mặt hàng chờ “tát nước theo mưa”?

Có ý kiến cho rằng việc tăng giá điện ở mức 8,36% sẽ góp phần giải tỏa gánh nặng cho ngành điện khi những áp lực chi phí đầu vào liên tục tăng suốt thời gian qua. Song gánh nặng này lại dồn lên người dân, doanh nghiệp. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Giống như xăng dầu, điện vừa là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất, vừa phục vụ đời sống tiêu dùng của người dân. Mỗi lần điều chỉnh tăng giá điện đều tạo tác động lớn tới đời sống sản xuất – tiêu dùng. Đây là lý do khiến điện lực, dù là lĩnh vực có khả năng cạnh tranh cao, nhưng Nhà nước vẫn nắm quyền kiểm soát, quản lý.

Tìm hiểu thông tin từ nhiều quốc gia trên thế giới, tôi chưa chưa thấy quốc gia nào thực sự mở cửa cho thành phần kinh tế tư nhân cùng tham gia vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh điện. Ngay cả một quốc gia phát triển như Singapore cũng mới mở cửa cho phép cạnh tranh ở lĩnh vực cung cấp điện cho sinh hoạt thôi.

Ai phải chịu trách nhiệm trước mỗi lần tăng giá điện? - 4

Tác động của tăng giá điện tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2019. (Ảnh: Internet)

Ở Việt Nam, các cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm lớn trước người dân mỗi lần tăng giá điện. Tăng giá điện sẽ làm tăng chỉ số sản xuất (PPI), dẫn tới tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), rồi làm giảm chỉ số tăng trưởng kinh tế (GDP).

Những lĩnh vực tiêu tụ điện lớn như xi măng, hoá chất, luyện kim sẽ chịu tác động trực tiếp. Người dân nếu tiêu thụ điện nhiều cũng sẽ chịu tác động gần như ngay lập tức.

Đối với tác động gián tiếp, rất nhiều mặt hàng sẽ tranh thủ “tát nước theo mưa”, gây ra tác động lan truyền.  

Vấn đề nữa là giá dầu thế giới vẫn là ẩn số khó lường. Từ 1.1.2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên kịch trần nhưng ta thấy giá xăng dầu vẫn giảm. Tuy nhiên, trong năm nay sản xuất nếu phục hồi hay do biến động chính trị thì vẫn làm giá dầu thay đổi.

Phương Tây có một so sánh rất hay: “Lạm phát giống như một thứ thuế đánh vào người dân”. Lạm phát gia tăng sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo tôi, Chính phủ phải có phương châm hành động quyết liệt. Tôi hy vọng năm 2019, với thành quả những năm trước, chúng ta có khả năng kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất lao động, tạo thêm công ăn việc làm… Nhưng quan trọng là lời nói đi đôi với hành động. 

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nhật ([Tên nguồn])
Giá điện 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN