4.500 container “đắp chiếu” ở Móng Cái

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tại thời điểm này trên địa bàn TP. Móng Cái có khoảng 4.500 container tạm nhập tái xuất tồn đọng tại điểm tập kết.

Theo con số thống kê của các cơ quan chức năng tại khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) Móng Cái (Quảng Ninh), đến hết tháng 8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này đạt gần 3,2 tỷ USD, giảm gần 14% so với cùng kỳ.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 50,4%; nhập khẩu giảm 8%; các loại hàng hóa tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, chuyển tải, kho ngoại quan qua khu vực này cũng giảm 7,04%. Sự vượt trội đáng kể nhất là cao su thiên nhiên sơ chế, một mặt hàng xuất khẩu chủ lực qua khu KTCK. Tuy sản lượng và giá đều giảm nhiều, nhưng giá trị kim ngạch đã đạt hơn 210 triệu USD. Xếp thứ hai là hàng thủy, hải sản, đạt giá trị kim ngạch gần 47 triệu USD...

4.500 container “đắp chiếu” ở Móng Cái - 1
Container nằm “đắp chiếu” tại khu cửa khẩu Móng Cái.

Nguyên nhân tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa giảm sút so với cùng kỳ, các cơ quan chức năng khu KTCK Móng Cái khẳng định, một mặt do bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, mặt khác là sự ảnh hưởng bởi những chính sách điều tiết và tăng cường quản lý xuất nhập khẩu tiểu ngạch giữa hai bên biên giới. Do đó, nhiều loại hàng hóa kinh doanh đã không tham gia xuất nhập khẩu theo đường biên mậu nữa, đã làm giảm đáng kể kim ngạch xuất nhập khẩu trong những tháng qua.

Cũng theo thống kê của các cơ quan chức năng, tại thời điểm này trên địa bàn TP. Móng Cái có khoảng 4.500 container tạm nhập tái xuất tồn đọng tại điểm tập kết bến bãi như bến xe tạm Lục Lầm; kho ngoại quan Hoàng Tiến; bến Quang Phát; HTX Lục Lầm; Thành Đạt, Tiền Thảo, Hương Giang, bãi đỗ xe cửa khẩu Móng Cái, bãi đỗ xe của Công ty CP Thương mại Du lịch...

Ông Hoàng Cường - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Móng Cái thừa nhận, tình trạng tồn đọng hàng hóa tạm nhập tái xuất đã và đang là mối đe dọa đến sự tồn vong của DN tham gia loại hình hoạt động này. Rất nhiều DN đã vỡ nợ, triệt tiêu toàn bộ tài sản khi không có khả năng hối toán và thực hiện các cam kết của hợp đồng. Do đó, ông Cường cho rằng "cứu" DN hoạt động biên mậu tại Móng Cái chính là sự điều hòa cần thiết đối với kinh tế của Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và của cả nước.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Tuấn Anh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN