Wawrinka dưới cái bóng của Federer
Anh không thể bảo vệ chức vô địch Madrid Masters thay cho người đồng hương huyền thoại Federer, nhưng đã tới lúc Wawrinka bắt đầu kiến tạo cho mình một chỗ đứng riêng.
Cái bóng của Federer
Chưa bao giờ Wawrinka được đem so sánh với Federer, dù cho họ là hai trong số bốn người Thụy Sĩ duy nhất xưa nay đứng trong top 10 thế giới (nam).
Đẳng cấp quá khác biệt. Federer là huyền thoại với 17 Grand Slam, trong khi Wawrinka mới chỉ hai lần lọt vào tới tứ kết của các giải đấu lớn.
Federer có 21 danh hiệu Masters 1000, còn trận chung kết Madrid Masters 2013 mới là lần thứ hai Wawrinka được chơi ở trận đấu cuối của đẳng cấp này, và thật tiếc, năm 2008, anh bại trận trước Djokovic ở Rome.
Federer đã thiết lập kỷ lục 302 tuần đứng ở vị trí số 1 thế giới – một kỷ lục có thể “thọ” tới cả trăm năm nữa, còn đỉnh cao nhất trên bảng xếp hạng ATP của Wawrinka là thứ 9 vào tháng 6-2008, và tuần này, anh lần đầu trở lại với top 10 sau 5 năm.
Chỉ có một sự tương đồng duy nhất, là khi họ đứng cặp cùng nhau, Wawrinka cùng với Federer đã đoạt được tấm HCV đôi nam ở Olympic 2008.
Federer làm lu mờ Wawrinka
Thực tế ấy dường như đã tác động tiêu cực tới quá trình xây dựng hình ảnh và vị trí của Wawrinka trong làng tennis thế giới. Nó không giống như câu chuyện của những chiếc đồng hồ, dù đã có Rolex là mẫu mực thì Thụy Sĩ vẫn còn hàng loạt những thương hiệu khác, như Longines cũng nổi danh trên toàn thế giới; ở đây Wawrinka gần như chìm trong bóng tối, chỉ được biết tới nhiều hơn một chút so với Marco Chiudinelli, tay vợt đương thời người Thụy Sĩ cũng từng đứng trong top 50.
Và đáng tiếc nhất, nó không tạo ra động lực thúc đẩy Wawrinka – người đi sau – khai thác tối đa tiềm năng to lớn của anh mà khi còn trẻ, người ta kỳ vọng ở anh không kém Federer. Nếu như Federer vô địch đơn trẻ Wimbledon thì Wawrinka cũng vô địch đơn nam trẻ Roland Garros cùng ở tuổi 18.
Trên đường hoàn thiện
Một trong những huyền thoại của tennis Mỹ và thế giới, John McEnroe, trong một lần nhận xét giữa năm 2010, từng ca ngợi Wawrinka là một trong số những người có cú trái một tay uy lực nhất thế giới.
Sự ca ngợi này có thể làm cho những ai đã tuyệt đối hóa Federer ngạc nhiên, nhưng nếu chúng ta chứng kiến cách Wawrinka sử dụng cú trái của anh để tạo nên những trận đấu đặc biệt của cá nhân anh cũng như của cả làng tennis thế giới trong thời gian qua, có thể tin rằng đó không phải là thiên kiến của McEnroe.
Cú trái ấy làm cho Djokovic nghiêng ngả ở trong suốt năm set đấu ở vòng bốn Australian Open 2013. Cú trái ấy đánh bại Ferrer trong trận chung kết giải đấu ATP 250 ở Bồ Đào Nha. Và nó cũng chính là vũ khí để anh hạ hiện tượng Dimitrov, hai tay vợt trong top 10 là Tsonga và Berdych.
Và không chỉ có vậy. Cú giao bóng của Wawrinka đủ mạnh và có hệ số chính xác khá cao để anh thi thoảng thi triển lối đánh giao bóng lên lưới. Trong năm 2013, nếu chỉ tính những người tới nay đã chơi trên 30 trận, với 63% giao bóng một chính xác, anh đứng thứ ba (sau Nadal 69% và Ferrer 64%). Nếu so với tất cả, anh cũng chỉ kém Djokovic 1%, và nhiều hơn Federer một khoảng cách tương tự. Và cú thuận tay cũng đủ uy lực để anh tạo đột biến ở cuối sân.
Cú trái của Wawrinka chẳng kém bất kỳ tay vợt nào
Một phần đó là thành quả của quãng thời gian kéo dài gần hai năm (bắt đầu từ 2010) mà anh thuê lại HLV cũ của Federer, ông Peter Lundgren. Và đó cũng là quãng thời gian người ta thấy anh có nhiều tham vọng nhất, và như nói ở trên, có hai lần vào tứ kết Grand Slam, rồi sau đó trải qua một quãng thời gian dài không có HLV.
Tức là Wawrinka của năm 2013 đã là một tay vợt tương đối hoàn thiện nếu chỉ xét trên góc độ cú quả.
Khi Wawrinka vẫn bước hụt
Nhưng trong tennis đỉnh cao, cú quả là chưa đủ. Wawrinka phạm phải hai điểm tối kỵ đối với những tay vợt hàng đầu: một là hạn chế về thể lực, hai là tâm lý. Đó là lý do Wawrinka không thể biến “suýt thắng” thành thắng trước Djokovic, và không thể tạo nên cuộc lật đổ vĩ đại ở Madrid Masters mới đây trước Nadal, như kết cục khá cay đắng là anh chưa từng thắng bộ ba huyền thoại của tennis đương đại (trong đó có cả Federer) sau sáu lần gặp họ ở Grand Slam, và có tỉ số đối đầu trên tất cả mặt trận với nhóm này là 3 thắng - 33 thua.
Về tâm lý, có thể vin vào một quyết định sai của trọng tài ở cuối trận đấu với Djokovic tại Australian Open 2013, nhưng thực tế là, người chơi hay ở thời khắc quyết định của trận đấu (chứ không phải cả trận đấu) đã thắng.
Về thể lực, có thể Wawrinka có thành tích không tồi khi phải đánh năm set, với 19 trận thắng và 13 trận thua, nhưng để chơi hay qua từng giải đấu, từng tuần đấu liên tiếp thì anh chưa đủ. Thậm chí, nền tảng thể lực cần thiết để anh có thể đương đầu với thách thức liên tục đấu các trận ba set ở các giải Masters không có ngày nghỉ xen giữa cũng là thách thức.
Vì thể lực không đủ độ bền, Wawrinka đã chơi dưới sức trong trận chung kết với Nadal ở Madrid Masters. Trước trận đấu đó, Wawrinka đã chơi liên tiếp ba trận đấu căng thẳng, kéo dài ba set với Dimitrov, Tsonga và Berdych trong khi tuần trước đó anh đã vào tới chung kết ở Bồ Đào Nha (thắng Ferrer).
Anh lý giải rằng, anh vốn dĩ đã gặp khó khăn trước Nadal, người chưa khi nào để anh ăn một set trong suốt gần chục lần gặp nhau, bởi cú thuận tay từ tay trái rất xoáy, lại càng không thể tạo ra đột biến khi “tôi luôn thiếu một hai bước chân nữa mới tới vị trí có thể bung ra những cú trái mạnh như vốn có”.
Liệu Wawrinka có tiếp đà thành công?
Một năm nữa để hoàn thiện
Sau trận thua đầy nước mắt của anh trước Djokovic ở Australian Open 2013, người ta bảo rằng hai tháng tiếp theo sẽ là quãng thời gian để giải mã tương lai cho Wawrinka, rằng liệu anh có thể trở thành một tay vợt lớn.
Câu trả lời ở đây là có thể. Anh giành danh hiệu vô địch thứ tư trong sự nghiệp sau quãng thời gian kéo dài 11 năm anh chỉ kiếm được ba chức vô địch. Và những trận thắng trước các tay vợt top 10.
Nhưng đó mới chỉ là sự bắt đầu. Phải cần nhiều thời gian hơn thế, nhiều mồ hôi và cả chất xám hơn nữa mới có thể giúp anh thách thức những giới hạn cao hơn, dù cho anh Wawrinka đang gặt hái kết quả qua những tuần đầu tiên làm việc cùng với HLV mới Magnus Norman (Thụy Điển, người từng là á quân Roland Garros).
Có một thực tế rằng, tennis ngày nay vẫn là môn thể thao cá nhân nhưng hơn bao giờ hết, người ta thấy vai trò của một ê kíp lại quan trọng đến thế. Như cái cách ê kíp của Nadal và Djokovic giúp họ hồi phục giữa các ngày đấu với tốc độ chóng mặt, giúp họ duy trì nhịp thi đấu ngay cả khi trận đấu bị ngắt quãng vì lý do nào đó vài giờ đồng hồ. Murry vô địch Grand Slam và giành HCV Olympic trong cùng năm 2012 cũng nhờ có HLV và cả một ê kíp biến anh trở thành một VĐV thực thụ (luôn tập cho cường độ sẵn sàng thi đấu năm set). Wawrinka khó có thể tái lập thành công kiểu của Del Potro là một thày một trò mà vẫn vô địch US Open.
Câu hỏi đặt ra là liệu có là quá muộn không khi Wawrinka giờ đã 28 tuổi trong khi các tay vợt lớn vẫn ngự trị ở đó (trừ Federer đã no nê thành tích và hơn anh tới 4 tuổi)?
Tommy Haas có thể là một tấm gương, thắng Djokovic, vô địch ATP 250 tại Munich ở tuổi 35 (suốt 5 năm qua mới có một trường hợp). Ferrer giờ 31 tuổi vẫn đang chơi thứ tennis tốt nhất trong sự nghiệp của mình.
Hãy cho Wawrinka một năm nữa rồi mới phán xét xem anh có thể thoát khỏi cái bóng của Federer, và nếu có cũng không phải vì lúc ấy Federer đã bắt cầm sổ hưu!