Thể thao Đông Nam Á đang ở đâu ngoài 'điệp khúc đáng tiếc' ở Olympic Paris
(PLO)-Thể thao Đông Nam Á vẫn chưa giành được bất cứ huy chương nào sau ngày thi đấu thứ sáu của Olympic Paris 2024.
Olympic Paris 2024 đã trải qua được 6 ngày kể từ ngày khai mạc (27-7) đến nay, thể thao Đông Nam Á vẫn “bặt vô âm tín”. Ngoài điệp khúc “Tan vỡ con tim”, “Đáng tiếc”,”Kết thúc cuộc hành trình”, “Tan vỡ giấc mơ huy chương” thì thể thao Đông Nam Á chưa có tấm huy chương nào cả.
Tính đến thời điểm này, tức trưa 1-8, thể thao Đông Nam Á chưa có huy chương tại Olympic Paris 2024. Trong khi đó toàn đại hội Olympic Paris tính đến thời điểm này đã có 41 quốc gia, vùng, lãnh thổ có huy chương, trong đó các quốc gia chỉ một HCĐ rất nhiều.
VĐV TDDC Carlos Yulo của Philippines mang niềm hy vọng huy chương Olympic Paris. Ảnh: PhilStar.
Dự báo là ít ngày tới, thể thao Đông Nam Á tiếp tục “hạn” huy chương khi một số môn có phân chia hạng cân chưa tiến hành thi đấu, trong đó có võ sĩ Taekwondo Panipak Wongpattanakit (đương kim vô địch 54kg nữ Olympic Tokyo) của Thái Lan xuất trận. Đó là niềm hy vọng HCV cao nhất của Đông Nam Á, của Thái Lan.
Trong khi VĐV thể dục dụng cụ Carlos Yulo của Philippines rất khó có cơ hội trước những VĐV Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ. Carlos Yulo mạnh ở hai nội dung ngựa quay và vòng treo, nhưng nơi hội tụ anh tài hàng đầu thế giới thì thật khó cho chàng trai Philippines mong có huy chương.
Với cử tạ, đoàn Thái Lan có một thời gian rất mạnh ở các hạng cân nhỏ. Tuy nhiên bão doping ập xuống làng cử tạ Thái Lan dẫn đến nhiều VĐV bị tước huy chương và cấm dự giải quốc tế làm cho cử tạ Thái Lan bị chựng lại và các VĐV đến với Olympic này ít kinh nghiệm thi đấu quốc tế.
Panipak Wongpattanakit vô địch Taekwondo hạng 54kg Olympic Tokyo nay tiếp tục là niềm hy vọng vàng của Thái Lan ở Paris 2024. Ảnh:B.P
Niềm hy vọng khác của Thái Lan và Đông Nam Á cũng là VĐV Thái Lan, nhưng thật khó . Đó là VĐV chạy nước rút Bonsoon Puripol, 18 tuổi. Cự ly nước rút ở Olympic thì rõ ràng chẳng bao giờ có cửa cho các VĐV Đông Nam Á nhỏ người, chiều cao quá khiêm tốn. Cự ly điền kinh ngắn nam Olympic là sân chơi của các VĐV Jamaica, Mỹ, Anh, gần đây thêm Ý nhờ nhập tịch VĐV da màu.
Trên bình diện ASIAD, Puripol còn không có cửa HCV ở nội dung 100m và 200m thì nói gì đến sân chơi Olympic. Hồi SEA Games 31 tại Việt Nam, Bonsoon Puripol lập hai kỷ lục SEA Games ở nội dung 100m và 200m, cùng tấm HCV đồng đội nội dung tiếp sức 4x100m ở tuổi 16.
Puripol cũng được đánh giá là VĐV trẻ (dưới 18 tuổi) xuất sắc nhất thế giới nhưng đến sân chơi Olympic thì quá thách thức cho VĐV Thái Lan. Mục tiêu của Puripol đến với Olympic này chỉ là “phá bức tường 10 giây ở nội dung 100m” mà thôi, tức Puripol đặt ra mục tiêu cho chính mình là hoàn thành cự ly 100m dưới 10 giây.
VĐV nhảy sào Ernest John Obiena của Philippines cũng khó mang về tấm huy chương bất kỳ màu gì cho đoàn Philippines. Tay vợt cầu lông nữ của Việt Nam là Nguyễn Thùy Linh...mong vào vòng tranh huy chương nhưng cũng rơi rụng từ vòng bảng khi để thua Zhang Beiwen hai set trắng (20/22, 20/22) và dừng chân ngay sau vòng bảng. Cầu lông thì Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Tây Ban Nha cực mạnh khó có cửa cho Thùy Linh.
Hãy chờ Đông Nam Á lên tiếng, có khi lại là những gương mặt mới không được kỳ vọng, nhưng lại lên ngôi tại Olympic Paris 2024.
Nguồn: [Link nguồn]
(Tin thể thao, tin Olympic) Pan, 19 tuổi, làm nên lịch sử với HCV 100m tự do tại Olympic Paris 2024, phá kỷ lục thế giới và vượt qua những đối thủ đáng gờm.