Những việc cần làm ngay của Boxing Việt Nam

Sự kiện: Boxing

Olympic Paris sẽ diễn ra trong vòng chưa đầy 1 năm tới. Mục tiêu tiếp tục có VĐV tham dự Thế vận hội của Boxing Việt Nam vẫn còn trước mắt. Bên cạnh việc hướng đến mục tiêu vươn ra thế giới trong năm tới, Boxing Việt Nam cũng cần xác định những đích đến dài hạn, để đào tạo lực lượng VĐV kế cận sánh ngang với những đàn anh, đàn chị.

Mơ về một "thành trì Boxing"

Trong những chuyến tập huấn nước ngoài, đội tuyển Boxing Việt Nam thường đến Thái Lan, Nhật Bản hoặc Uzbekistan. Có một điểm chung giữa những nơi mà các thành viên đội tuyển đặt chân đến. Thay vì được xây dựng trong một khu phức hợp đa môn, các đội tuyển Boxing quốc tế thường tập ở một nơi riêng, biệt lập với thế giới bên ngoài.

Những võ sĩ như Nguyễn Đức Ngọc đã vô địch quốc gia, nhưng cần phải tiến bộ nhiều để vươn ra quốc tế.

Những võ sĩ như Nguyễn Đức Ngọc đã vô địch quốc gia, nhưng cần phải tiến bộ nhiều để vươn ra quốc tế.

Có nhiều lý do dể môn Boxing cần một trung tâm riêng biệt như vậy để tập luyện, thi đấu. Chia sẻ về quá trình tập Boxing tại địa phương, một HLV cho biết đây là "môn thể thao không nghỉ". Ngay cả trong thời gian không có giải đấu, các VĐV vẫn cần tập duy trì với cường độ cao, nếu không muốn phong độ đi xuống nhanh.

"Boxing là môn võ khó làm nhất so với tất cả các môn còn lại. Olympic chỉ có 4 môn võ, với Boxing là môn lâu đời nhất. Luật Boxing rất chặt chẽ, kỹ thuật cũng được chuẩn hóa ở cấp độ cao nhất. Ngoài ra, đây cũng là môn thể thao mà thế giới đi trước Việt Nam khá xa. Việc có một trung tâm huấn luyện Boxing chuyên biệt là điều nên làm", HLV này chia sẻ.

Năm 1988, Boxing Việt Nam lần đầu xuất hiện trên bản đồ thế giới khi có 2 võ sĩ tham dự Olympic. Họ là Đặng Hiếu Hiền và Đỗ Tiến Tuấn. Nhưng phải mất thêm hơn 3 thập niên, Việt Nam mới có thêm đại diện đến Thế vận hội. Đáng chú ý hơn, những gương mặt như Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Văn Đương lại sở hữu trình độ hoàn toàn khác biệt so với phần còn lại.

Có một thời gian dài, Nguyễn Thị Tâm được ví von như võ sĩ chỉ cần "đủ cân là vô địch". Bởi, sau khi kiểm tra cân nặng trước ngày thi đấu, đối thủ của cô thường xin bỏ cuộc vì biết mình không thể đấu lại Á quân thế giới. Điều đó còn được thể hiện ở SEA Games 31, nơi Nguyễn Thị Tâm giành chiến thắng áp đảo tại trận bán kết chỉ trong 30 giây thi đấu.

Xét về mặt thành tích, cũng như quãng thời gian thi đấu đỉnh cao, Nguyễn Thị Tâm có thể được xem như võ sĩ Boxing giỏi nhất Việt Nam từng sở hữu. Bên cạnh những điểm mạnh bẩm sinh về thể chất, Nguyễn Thị Tâm có thể tiến bộ như hôm nay nhờ được đặt trong một đơn vị mạnh về môn Boxing là Hà Nội.

Tại Việt Nam, số đội Boxing có điều kiện để đào tạo ra "Nguyễn Thị Tâm thứ hai" chỉ đếm trên đầu ngón tay: Hà Nội, Quân Đội, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh và Quảng Ngãi. Đây là những nơi có lượng VĐV, HLV lớn, qua đó giúp các em liên tục trau đồi để cùng nhau nâng cao trình độ. VĐV ở các địa phương nhỏ không có điều kiện phát triển như thế.

Vì lý do đó, Việt Nam cần một "thành trì Boxing" để phát triển môn thể thao này theo hướng thành tích cao giống như Thái Lan, Uzbekistan đã làm. Những người đứng đầu Boxing Việt Nam đang có ý tưởng thực hiện một trung tâm như vậy ở khu vực Tây Nguyên hoặc Nam Trung Bộ theo cơ chế xin đất nhà nước. Đây cũng là điều VFF đã làm với môn bóng đá.

Ngắn hạn và dài hạn

Trên thực tế, nhiều công việc đã đến rất gần với Liên đoàn Boxing Việt Nam. Các thành viên đội tuyển quốc gia sẽ tham dự 2 kỳ vòng loại Olympic được tổ chức tại Italia (tháng 2/2024) và Thái Lan (tháng 5/2024). Đến cuối tháng 7 và đầu tháng 8, môn Boxing tại Thế vận hội Paris sẽ chính thức khởi tranh. Các VĐV cũng dần chuẩn bị cho những giải đấu tới.

Xét trong bối cảnh thực tế, Việt Nam có thể nghĩ đến nhiều hơn 1 vé tham dự Olympic Paris trong môn Boxing. Với 2 kỳ vòng loại Thế vận hội, Nguyễn Thị Tâm sẽ có cơ hội chính thức giành vé sau khi đã để lỡ ở Á vận hội Hàng Châu. Cô đã hoàn toàn bình phục chấn thương, cũng như có thể trạng tốt để tiến ra thế giới.

Bên cạnh Nguyễn Thị Tâm, 2 võ sĩ khác cũng có khả năng giành vé dự Olympic là Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh. Họ đều là tuyển thủ Boxing quốc gia, từng tham dự nhiều giải đấu quốc tế. Với Kim Ánh, cô cần có thêm thời gian trở lại đội tuyển để duy trì tập luyện cường độ cao. Trong khi đó, Hà Thị Linh luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao.

Viễn cảnh Boxing Việt Nam giành ít nhất 1 suất dự Olympic 2024, vì thế, nằm trong tầm tay đội tuyển. Nhưng với Liên đoàn Boxing Việt Nam, đơn vị này không đặt mục tiêu giới hạn trong việc có suất tham dự. Họ muốn Boxing Việt Nam trong tương lai phải có đội ngũ kế cận Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh để hướng đến sân chơi thế giới.

Khi nhận cương vị Chủ tịch Liên đoàn Boxing Việt Nam, ông Lưu Tú Bảo đã mơ về một võ sĩ Boxing Việt Nam trở thành nhà vô địch Olympic. Để viễn cảnh đó trở thành sự thật, Boxing Việt Nam cần cải thiện thành tích tại sân chơi châu lục, cũng như có lượng VĐV đủ nhiều, đủ tốt để liên tục tiến bước trong tương lai.

Ở tương lai gần, Việt Nam có thể đăng cai một giải vô địch Boxing châu Á. Đây sẽ là cơ hội để các VĐV, HLV Việt Nam tận mắt chứng kiến đẳng cấp thế giới, qua đó cải thiện bản thân để hướng đến những mục tiêu lớn. Việc chinh phục những mục tiêu lớn lao sẽ trở thành trọng tâm mới, thay vì "đủ chỉ tiêu" như trước đây.

Hoạt động Boxing chuyên nghiệp cần quản lý chặt hơn

Đầu tháng 7/2023, võ sĩ phong trào Võ Nhật Hoàng tham dự một sự kiện Boxing chuyên nghiệp tại Hà Nội. Anh thượng đài với niềm yêu thích võ thuật, nhưng cuối cùng phải bức xúc ra về. Nhật Hoàng bước xuống võ đài khi trận đấu còn chưa kết thúc, bởi anh liên tục bị đối phương đấm vào hạ bộ nhưng trọng tài đài không hề nhắc nhở.

"Nhiệm vụ của trọng tài khi đứng trên sàn đài là đảm bảo trận đấu công bằng, cũng như đảm bảo sức khỏe võ sĩ. Nhưng điều đó không được thể hiện trong trận đấu của tôi. Nếu đây là Boxing chuyên nghiệp thì tôi không muốn tham gia nữa", Võ Nhật Hoàng bức xúc nói. Bên cạnh anh, nhiều bạn tập cũng khẳng định họ không hứng thú với Boxing chuyên nghiệp nữa.

Những giải đấu "chui" mang danh Boxing chuyên nghiệp còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không lường trước. Bởi, khác với Boxing thành tích cao (Boxing nghiệp dư), Boxing chuyên nghiệp có độ nguy hiểm lớn hơn rất nhiều. Vì thế, hoạt động Boxing chuyên nghiệp cần được quản lý chặt chẽ để không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra.

Nguồn: [Link nguồn]

Đoàn Việt Nam - ASIAD ngày 3/10: Boxing có HCĐ, cầu mây nữ vào chung kết

(Tin thể thao, trực tiếp ASIAD) Nữ võ sĩ Lưu Diễm Quỳnh giành HCĐ nội dung 75kg nữ môn boxing, trong khi đội tuyển cầu mây nữ giành quyền vào chung kết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đơn Ca ([Tên nguồn])
Boxing Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN