Trận đấu nổi bật

felix-vs-jan-lennard
BMW Open
Felix Auger-Aliassime
-
Jan-Lennard Struff
-
arthur-vs-dusan
Barcelona Open Banc Sabadell
Arthur Fils
1
Dusan Lajovic
2
marta-vs-coco
Porsche Tennis Grand Prix
Marta Kostyuk
2
Coco Gauff
1
anhelina-vs-mirra
Open Capfinances Rouen Métropole
Anhelina Kalinina
2
Mirra Andreeva
0

Nadal vô địch RG: Không gì là không thể

Liệu có thể tin nếu Nadal không đòi trận đấu phải dừng lại ở tỉ số 6-4, 6-3, 2-6, 1-2 và dời sang ngày thứ Hai vì mưa, chắc gì anh đã thắng Djokovic ngay sau bốn set?

*Khi Paris đổ mưa

Nhưng Paris nổi tiếng hoa lệ và hàng triệu người biết tới nó với câu ngạn ngữ cũng nổi tiếng không kém gì bản thân thành phố này, là "avec des si on mettrait Paris en bouteille" - "với chữ nếu người ta có thể nhét cả Paris vào cái chai".

Người ta có thể thi đấu bóng đá trong mưa (dù là mưa tuyết tầm tã), nhưng không thể có một trận chung kết Grand Slam đỉnh cao - định đoạt số phận những siêu kỷ lục đã tồn tại gần nửa thế kỷ - khi mà nước ở khắp nơi. Nước làm ướt sân đấu. Nước ngấm vào bóng nặng trĩu. Nước làm cơ thể của các tay vợt vốn nhóp nhép thêm khó chịu. Djokovic có thể tiếc vì Trời đã không chiều lòng anh để được tiếp tục đà thăng hoa, dấn tới thắng luôn set bốn sau khi đã sớm bẻ được game của đối thủ, nhưng anh không thể trách Nadal nằng nặc muốn dừng trận đấu là vì thế.

Thực ra, chuỗi tám game liên tiếp của Djokovic đã bị chặn đứng bởi Nadal trước khi trận đấu bị dừng lại. Và Nadal cũng không quá tệ ở giai đoạn đầu của set bốn. Anh mất game giao bóng đầu tiên bởi một lỗi khá sơ đẳng: dồn Djokovic vào thế phòng ngự nhưng né trái đánh phải dọc dây quá hiền và bị phản đòn passing khi tràn lưới. Rồi khi được cầm giao bóng trở lại vẫn tiếp tục tấn công mạnh mẽ, và thắng game đó bằng một winner từ cú né trái đánh phải dọc dây hóc hiểm hơn nhiều (gần liếm mép trong vạch). Nghĩa là có dấu hiệu Nadal có thể đủ khả năng xoay lại chiều trận đấu ngay cả khi trời mưa.

Nadal vô địch RG: Không gì là không thể - 1

Sự gián đoạn của thời tiết không thể cản được Nadal

Khó mình khó ta, nhưng trời mưa ướt xem ra có lợi cho lối đánh của Djokovic hơn. Bóng ướt và nặng giúp cho lối đánh bóng hơi thiên về bạt uy lực hơn. Còn Nadal phòng ngự khó khăn hơn và các cú đánh giảm hẳn độ xoáy làm bóng nảy ngắn hơn và dễ bị đối phương điều hơn. Chúng ta có lẽ đều biết Nadal luôn thay vợt đúng vào những thời điểm trận đấu có bóng mới, để mặt vợt căng hơn sẽ kiểm soát được bóng nặng. Nhưng bóng lúc nào cũng nặng vì nước thì nằm ngoài tầm kiểm soát của anh. Mặt sân ngấm nhiều nước hơn, đất bết lại cũng làm Nadal - người luôn (phải) di chuyển nhiều hơn - cũng chậm hơn trong từng bước chân và phần nào khó khăn khi đổi hướng.

Và việc dừng trận đấu cũng có lợi cho Nadal bởi anh vẫn thường là người bắt nhịp với cuộc chơi nhanh hơn các đối thủ. Nadal thi đấu ba game đầu tiên của set 1 với thứ tennis chất lượng đỉnh cao. Nadal trở lại sân đấu sau lần gián đoạn đầu tiên cũng với kết quả ăn liền một mạch ba game khác (game cuối của set 2 và hai game đầu set 3). Ngay cả ở trận đấu bán kết với Ferrer, khi trận đấu bị gián đoạn giữa set hai 44 phút, Nadal trở lại và vẫn duy trì sự hưng phấn, tự tin để đè bẹp đối thủ.

Dừng trận đấu giữa chừng xét về lý thuyết cũng như thực tế còn mang lại những cơ hội khác cho Nadal. Anh chơi phòng ngự, tốn sức hơn nên những quãng nghỉ giúp anh hồi pin để đương đầu với Djokovic - tay vợt trong hơn một năm qua đã chứng tỏ anh còn bền bỉ và dẻo dai hơn cả Nadal. 

* Djokovic chỉ lóe sáng

Nhưng Djokovic chỉ còn là cái bóng của anh so với năm 2011 trên khía cạnh tâm lý, chất lượng trong từng đường bóng. Djokovic đã dâng chiến thắng cho Nadal, kết thúc trận đấu bằng một lỗi giao bóng kép.

Khi Nadal dồn ba cú thuận tay để có "championship point", Djokovic cần tới 39 giây (luật ITF là 20 giây) mới làm xong mọi thủ tục để thực hiện cú giao bóng tiếp theo. Vẫn ra ngoài. Anh dường như buông xuôi và chỉ đập bóng rất nhanh (thay vì gần hai chục lần như thường lệ) trước khi thực hiện cú giao bóng hai. Nên cũng ngoài nốt. Lần thứ hai trong một trận chung kết với Nadal, Djokovic tự kết liễu số phận của mình bằng một lỗi kép. Lần đầu chưa xa, mới ở Rome, giải đấu kết thúc trước khi bóng lăn ở Paris đúng 1 tuần.

Sai sót đó khiến cho chúng ta chưa kịp hệ thống lại những lần cứu match point ngoạn mục của Djokovic gần đây - thành tích đủ để anh thay tài tử Bruce Willis sắm vai chính trong seri phim "Die Hard". Như US Open năm ngoái, Djokovic đã cứu hai match point trong trận bán kết với Federer. Như Australian Open năm nay, Djokiovic đã lội ngược dòng ở bán kết với Murray, và thoát hiểm trong gang tấc trong trận chung kết với Nadal. Hay Roland Garros năm nay, Djokovic đã lội ngược dòng trước Seppi, cứu bốn match points trước Tsonga ở tứ kết.

Nadal vô địch RG: Không gì là không thể - 2

Vì sự xuất sắc của Nadal, Djokovic chưa thể hoàn tất Grand Slam sự nghiệp

Cũng trong trận chung kết lịch sử ở Paris, Djokovic còn có ba lần giao bóng lỗi kép khác. Trớ trêu, hai trong số đó đều là những "game point", tức là anh tự mình làm thay Nadal việc bẻ gãy game giao bóng. Lần đầu tiên khi tỉ số đang là 3-4, 30-40 ở set 1; lần hai là ngay ở game đầu tiên của set hai.

Chưa hết. Djokovic còn đốt điểm khi tự đánh hỏng ở những thời khắc quyết định. Game cuối cùng của trận đấu, Nadal chỉ tự ghi được một điểm, còn ba điểm khác đến từ lỗi của Djokovic, gồm cú thuận tay quá dài và cú trái tay cũng đi qua đường cuối sân hơn một thân bóng. Đó chỉ là ba trong số 53 lỗi tự đánh hỏng của Djokovic trong cả trận đấu, nhiều gần gấp đôi so với 29 lỗi của Nadal (cũng có 4 lỗi kép).

* Nadal tấn công

Nadal không có một trận chung kết hoàn hảo, dù anh đã có cơ hội rất lớn để làm điều đó, như thắng hai set trước và dẫn 2-0 trong set ba. Nadal cũng giao bóng khá tệ trong quãng thời gian đầu của trận đấu và đặc biệt kém trong set ba. Nadal còn không dám hết tay trong những đường bóng anh ép Djokovic vào thế phòng ngự nên chỉ ghi được tám điểm sau 14 lần tràn lưới. Trong số sáu lần mất điểm khi dâng cao, Nadal nhận không dưới ba cú lốp qua đầu của Djokovic đều cùng một nguyên nhân: đã đứng trong sân để thực hiện né trái đánh phải dọc dây, lại chỉ ép bóng vào vị trí Djokovic đã đứng sẵn.

Nhưng Nadal vẫn chơi xuất sắc hơn Djokovic trong nhiều thời điểm của trận đấu, ở những điểm quyết định. Nadal không chỉ lên ngôi nhờ thứ tennis phòng ngự, mà anh thể hiện khả năng hoán chuyển từ phòng ngự sang tấn công quyết liệt rất nhanh. Ba game đầu trận là lối đánh vũ bão. Ba game cuối set một là lối đánh áp đảo, tự tạo cơ hội và tự dứt điểm. Cả set hai là dồn ép đối thủ. Set thứ tư là vừa phòng thủ vừa tấn công nhịp nhàng. Từ đây ta lại thấy thêm nguyên nhân Djokovic mắc lỗi kép khi bị break point, chính là nó xảy ra cùng với thời điểm Nadal chơi chủ động, dám tấn công mỗi khi đối phương phải giao bóng hai, tạo áp lực. Rõ ràng, Djokovic bị áp lực từ các cú trả giao của Nadal.

Như vậy, kỷ lục vĩ đại của Rod Laver là vô địch cả bốn Grand Slam suốt từ năm 1969 vẫn không suy suyển. Chỉ có kỷ lục sáu lần vô địch Roland Garros của Bjorn Borg bị phá. Nadal sánh ngang với Pete Sampras về số danh hiệu nhiều nhất đạt được ở một Grand Slam, cùng bảy lần và chỉ khác nhau ở địa điểm (Sampras vô địch ở Wimbledon trên mặt sân cỏ).

Điều kỳ diệu ở chỗ, Nadal chính là người có cả thảy ba lần bảo vệ kỷ lục của Laver. Năm 2006 - 2007, anh chặn đứng Federer tại Roland Garros, người đã từng ba lần làm nên cú ăn ba (lần đầu năm 2004).

Và Nadal tự mở ra một cuộc đua mới cho anh, cho lịch sử tennis thế giới. Giờ, Nadal đã bằng Borg ở tổng số danh hiệu Grand Slam (11), chỉ kém Sampras ba chiếc, và Federer năm chiếc. Biết đâu đấy, trên con đường chinh phục nấc thang mới kia, Nadal lại có thể có cơ hội thứ hai để "tấn công" lại Laver.

Dĩ nhiên là rất khó, nhưng Nadal đã nhiều lần chứng minh không gì là không thể, từ sự trở lại sau chấn thương năm 2009 cho tới việc chấm dứt mạch toàn thua trước Djokovic rồi đoạt được năm Grand Slam sau tám trận chung kết trong vòng ba năm - quãng thời gian mà Djokovic chỉ giành được bốn cái, và Federer chỉ lấy được thêm hai.

Giờ là lúc Nadal cất đi đôi giày đế bệt chuyên thi đấu đất nện với số 6 in ở gót, để mang đôi giày đế gai cho mặt sân cỏ. Wimbledon chỉ còn vài ngày nữa...

Nadal đã nói với Tổng trọng tài khi tỉ số là 1-2 ở set ba, rằng "trận đấu cần phải được dừng lại, vì bóng ướt hệt như những gì đã xảy ra khoảng một tiếng trước đó". Còn Djokovic phản ứng: "Chuyện gì thế. Dừng ư? Tình trạng có khác gì cách đây nửa giờ đồng hồ đâu. Sao bây giờ mới dừng". Khi cả hai tay vợt trở lại vào trưa thứ Hai, trời vẫn mưa, nhưng điều kiện khả dĩ hơn. Khoảng một nửa thời gian set bốn họ đánh dưới mưa, còn lại là tạnh ráo. Thậm chí cuối trận, mặt trời còn xuất hiện như một nhận định rằng "Khi là một Roland Garros bình thường và đầy ánh nắng, Nadal lập tức là Vua".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN