Nadal: Cứ mời đi, tôi sẽ tới Việt Nam
Tay vợt vĩ đại người Tây Ban Nha ngỏ ý rất sẵn sàng tới Việt Nam và vấn đề với anh chỉ là một lời mời thích hợp. Và dĩ nhiên, đi cùng với lời mời là một cơ hội kinh doanh.
Chào Nadal, tôi đến từ Việt Nam, ở đấy có rất nhiều người mê tennis, và nhờ tôi hỏi anh rằng liệu có một ngày anh sẽ tới đó và chơi tennis được không? Đáp lại câu hỏi của tôi, ngôi sao số 1 của làng quần vợt thế giới tỏ vẻ ngạc nhiên thích thú : "Việt Nam, thật sao? Chưa có ai mời tôi tới Việt Nam cả. Tôi cũng có thể tới đó đánh một vài trận biểu diễn giống như tối nay". Chính xác Nadal đã nói vậy khi vừa đứng dậy từ cuộc họp báo sự kiện BNP Paribas Showdown tổ chức ở New York ngày 4/3 vừa qua.
Khi Rafael Nadal đặt bút ký lên cuốn tự truyện của anh cho tôi, anh viết nắn nót viết tên mình (mà vẫn không thể đẹp) bên dưới một chữ ký loằng ngoằng mà anh vẫn hay thường phết phảy khi tặng cho các fan hâm mộ. Thường thì Nadal chỉ có ký và chấm hết.
Hãy mời số 1, hoặc không gì cả
Khi Nadal bay thẳng từ Mexico tới New York, đó là lần đầu tiên anh trở lại với nước Mỹ sau 11 tháng. Năm ngoái, Nadal đã không tới New York để tham dự US Open vì chấn thương. Anh đến và làm nên cơn sốt giữa mùa Đông New York với những cơn gió có lúc lên tới 50 km/h cùng nhiệt độ âm như cắt vào da thịt.
Sự kiện BNP Paribas Showdown nằm trong khuôn khổ Tennis Night in America (Đêm tennis ở Mỹ) quy tụ bốn ngôi sao, ngoài Nadal còn có Juan Martin Del Potro (số 7 ATP) và cùng với hai tay vợt nữ hàng đầu thế giới hiện nay, số 1 và số 2 của bảng xếp hạng nữ WTA, Serena Williams và Victoria Azarenka.
Cuộc họp báo kéo dài 45 phút, hơn 100 phóng viên đã không ai đặt một câu hỏi riêng nào cho Del Potro ngoại trừ một câu hỏi chung dành cho cả bốn tay vợt về ý nghĩa của sự kiện có mục đích thúc đẩy sự phát triển của tennis.
Và cũng chỉ có chừng ba câu hỏi dành cho mỗi tay vợt nữ. Serena, người Mỹ chính cống với thành tích 15 Grand Slam, bốn Olympic, vừa lập kỷ lục trở thành tay vợt nữ lớn tuổi nhất đứng ngôi số 1 thế giới gần như chỉ ngồi đó làm nền. Azarenka thì được hỏi câu như mớm lời để nói về sự hình thành nên bộ đôi đối thủ hơn kém nhau chục tuổi, giữa cô với Serena khi tỉ lệ đối đầu quá chênh lệch 2-11. Còn lại dồn cả vào Nadal.
- Nadal, anh nghĩ về cơ hội của mình nếu như ngay lúc này anh gặp lại (Roger) Federer, (Novak) Djokovic và Andy Murray, và trật tự trên bảng xếp hạng hiện nay có phản ánh đúng năng lực của mỗi người trong top 4? Tôi đặt câu hỏi.
- "Tôi không nghĩ quá xa. Tôi chỉ nghĩ tới từng trận đấu một. Và anh biết đấy, bảng xếp hạng là bảng xếp hạng, các con số đã nói lên tất cả", Nadal trả lời rất gọn.
Nhưng trong cuộc phỏng vấn chớp nhoáng ngay sau đó, Nadal cắt nghĩa cho tôi rõ hơn, với anh không nghĩ quá xa trong thời điểm này là một cách để giảm sức ép lên cái đầu gối đôi khi vẫn còn đau.
- Thời gian thích hợp nhất để anh có thể tới một nước ở châu Á thi đấu là khi nào?
- "Tôi không biết. Câu hỏi này cần nhiều thời gian hơn nữa để trả lời", Nadal đáp trước khi anh bị lôi kéo bởi một đám đông chừng chục phóng viên nói tiếng Tây Ban Nha và trong ánh mắt thúc giục của Benito, một trong các huấn luyện viên của anh đang ra hiệu là anh phải rời khỏi phòng họp báo ngay.
Nadal là người duy nhất trong số các tay vợt hôm đó đi đâu cũng có người đi cùng. Ít nhất là một trong các huấn luyện viên hoặc có thêm hai vệ sĩ của giải đấu. Ông Benito đứng tựa vào tường theo dõi các phóng viên hỏi còn Nadal trả lời, cả trong cuộc họp báo sau trận đấu cũng thế.
Hầu hết những chuyến du đấu theo dạng biểu diễn của Nadal đều là đi máy bay riêng cùng với cả đoàn tùy tùng của mình. Thậm chí anh từng đi tập bằng trực thăng trong một lần tới Canada tham dự Rogers Cup. Và những người đón tiếp anh không loại trừ cả nguyên thủ quốc gia, như tổng thống Chile đã mời anh tới văn phòng của mình hàn huyên trong một tiếng hồi tháng trước.
Tác giả bài viết và Nadal
Tiền bạc và tình yêu cho người hâm mộ
Một triệu rưỡi USD là con số các phóng viên chuyên theo dõi tennis ở Mỹ bàn với nhau về phí ra sân của Nadal trong sự mỉm cười bí hiểm của đại diện công ty tổ chức sự kiện Stargames và nhà tài trợ là ngân hàng khổng lồ BNP Paribas.
Khi nữ phóng viên tờ Business Inquirer hỏi thẳng Serena Williams và Victoria Azarenka, hai tay vợt nữ cùng tham dự sự kiện Showdown về thù lao ra sân so với con số 1,5 triệu USD của Nadal, cũng đã không có một câu trả lời cụ thể. Serena đùa rằng "của tôi gấp đôi Nadal và đã trừ thuế rồi nhé, của Azarenka chắc cũng thế".
Nhưng có một cơ hội để Nadal không bị chi phối bởi những con số khổng lồ. Anh vừa mới chia tay với công ty quản lý IMG để lập ra một công ty riêng khai thác giá trị thương mại của chính mình. Nadal giờ có thể tự quyết nhiều hơn, giữa việc tham dự các trận đấu đơn thuần vì tiền với các trận đấu quảng bá và thúc đẩy sự phát triển môn thể thao đã đưa anh trở thành một trong 50 thương hiệu thể thao hàng đầu thế giới.
- Vậy nếu Việt Nam không thể trả cho anh số tiền lớn như ngân hàng BNP Paribas đã trả cho anh tối nay, mà chỉ vì tình yêu tennis, có khi nào anh xem xét một đề nghị như thế? Tôi hỏi với theo anh một câu cuối.
- "Tôi không biết". Và Nadal cười, một nụ cười hiếm hoi trên gương mặt có phần khắc khổ nhưng rất hiền.
Rồi Nadal bước đi về phía đám đông phóng viên Tây Ban Nha, và cả những người hâm mộ đang mỏi tay cầm những quả bóng chờ anh bước tới và ký lên đó.
Gần 16.000 người đã tới Madison Square Garden, một trong những nhà thi đấu vĩ đại và lịch sử của New York, chủ yếu để được gặp và xem Nadal. Nhà thi đấu này nằm trên nóc của một ga tàu, nơi các fan hâm mộ có thể đi từ khắp New York qua hệ thống tàu điện ngầm, hoặc từ các bang lân cận như New Jersey, chui thẳng vào cầu thang máy là sẽ được đưa tới các khán đài. Madison Square Garden, nằm ngay trên Đại lộ 7 (Seventh Avenue) được mệnh danh là Đại lộ Thời trang ở khu Manhattan lừng danh của New York, là địa điểm đăng cai nhiều nhất (1977 - 1989), và có nhiều chỗ ngồi nhất (18.000) trong lịch sử của giải ATP World Tour Finals. |