Giấc mơ của 'độc cô cầu bại' sau hạn năm tuổi

2013 là năm tuổi của Duy Nhất. Anh gặp nhiều xui xẻo khi không thể tham dự các giải đấu lớn vì chấn thương và thua đau bởi trọng tài xử ép ở SEA Games.

Không có thưởng Tết, mức lương chỉ 7 triệu mỗi tháng, không tham gia thi đấu các giải lớn trong năm 2013 vì chấn thương, SEA Games lại thất bại đáng tiếc… “độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất không có được một cái Tết thực sự sung túc như mọi năm. Dù vậy, biểu tượng của Muay Việt Nam vẫn tràn đầy tin tưởng sẽ làm nên kỳ tích ở năm Giáp Ngọ.

Giấc mơ của 'độc cô cầu bại' sau hạn năm tuổi - 1

Gia đình võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất vừa đón Tết Giáp Ngọ ấm cúng, gạt bỏ những muộn phiền của con trai trong năm tuổi 2013. Ảnh: Xuân Thu.

Sinh ra đã là “độc cô cầu bại”

Nguyễn Trần Duy Nhất sinh ra trong gia đình có 4 đời theo nghiệp võ. Bố và mẹ anh đều là những võ sĩ trứ danh một thời của làng võ Việt Nam (ông Nguyễn Trần Diệu và bà Minh Ánh Ngọc từng vô địch quốc gia võ đài tự do). Hiện nay, bố của Duy Nhất đang là trọng tài võ thuật quốc tế và có võ đường riêng rất nổi tiếng ở Lâm Đồng. Với điều kiện thuận lợi như thế, từ năm 6 tuổi Duy Nhất đã bắt đầu học võ và bộc lộ phẩm chất của một “độc cô cầu bại” đích thực.

Năm 14 tuổi, Duy Nhất phải khai gian cho đủ 18 tuổi để có thể tham gia giải vô địch võ đài tự do ở Lâm Đồng. Gặp những đàn anh hơn mình nhiều tuổi, lại mới lần đầu bước lên võ đài, nhưng ngay lập tức Duy Nhất trở thành nỗi sợ hãi với mọi đối thủ. Cậu thiếu niên này đã đánh bại tất cả một cách thuyết phục để vô địch. Sau đó Duy Nhất tiếp tục “vô đối” ở mọi hạng cân, đến nỗi nhà tổ chức còn không dám điền tên Duy Nhất vì chưa đấu anh đã chắc thắng.

Không có đối thủ, cậu thiếu niên khi ấy cân nặng chỉ 45 kg đã quyết định lên đánh ở hạng cân cao nhất là 68 kg. Dù gặp võ sĩ cao to hơn mình nhưng Duy Nhất vẫn đánh bại mọi đối thủ và trở thành “độc cô cầu bại” ngay từ thuở niên thiếu.

18 tuổi, Duy Nhất trúng tuyển đại học và lên Sài Gòn lập nghiệp. Kể từ đây cái tên Duy Nhất tiếp tục vang xa trong làng võ Việt Nam cũng như quốc tế. Anh thi đấu ở các giải boxing bán chuyên và không để thua bất kỳ trận đấu nào. Năm 2009, khi Muay gia nhập Việt Nam, Duy Nhất là 1 trong 5 võ sĩ được tuyển chọn. Ngay giải đấu quốc tế chính thức đầu tiên trong sự nghiệp, Nhất đã vô địch tại Asian Indoor Games. Sau đó, anh đánh ở bất cứ giải đấu bán chuyên nào cũng giành thắng lợi.

Thống trị Muay thế giới ở hạng cân bán chuyên nghiệp 3 năm liên tiếp (2010, 2011, 2012), đến nay tại các giải đấu từ cấp châu Á đến thế giới, Duy Nhất đều toàn thắng, trong đó đa phần là thắng tuyệt đối.

Giấc mơ của 'độc cô cầu bại' sau hạn năm tuổi - 2

Duy Nhất không có đối thủ ở đấu trường bán chuyên nghiệp. Ảnh: Công Minh.

Duy Nhất cũng từng thi đấu 6 trận ở hạng chuyên nghiệp tại Thái Lan. Trong 6 trận đấu ấy, Nhất đều đánh bại đối thủ. Ngay cả khi chuyển qua đánh taekwondo ở giải ITF thì Duy Nhất cũng là võ sĩ Việt Nam duy nhất giành được chiến thắng.

Hạn SEA Games

Kể từ ngày bước lên võ đài thi đấu đến nay đã chẵn 10 năm, nhưng Duy Nhất mới chỉ để thua 2 trận trong số hàng trăm trận đấu của mình. Cả 2 trận thua ấy đều do bị trọng tài xử ép một cách trắng trợn và cùng đều ở SEA Games - giải đấu duy nhất mà “độc cô cầu bại” chưa thể vô địch.

Ở SEA Games 2009 tại Lào, trong trận chung kết gặp võ sĩ Thái Lan - người mà Duy Nhất đã đánh bại dễ dàng tại Asian Indoor Games trước đó - anh liên tục bị trọng tài can thiệp mỗi khi tấn công đối thủ. Dù đánh cho đối phương chảy máu và hầu như chỉ tránh đòn nhưng Duy Nhất vẫn bị xử thua và giành HCB. SEA Games 2013 cũng có kịch bản tương tự ở trận đấu với võ sĩ Lào, thậm chí cách trọng tài “xử ép” còn trắng trợn hơn. Những thất bại đáng tiếc ấy đã khiến Duy Nhất vẫn chưa thể có được ngôi vô địch trong khu vực Đông Nam Á.

Giấc mơ của 'độc cô cầu bại' sau hạn năm tuổi - 3

Nước mắt của "độc cô cầu bại" tại SEA Games 2013. Ảnh: Xuân Thu.

2013 là năm tuổi của Duy Nhất, và anh cũng gặp nhiều xui xẻo khi không thể tham dự các giải đấu lớn, trong đó có giải VĐTG do chấn thương. Với giới võ sĩ, thu nhập chủ yếu đến từ thành tích vì mức lương 7 triệu đồng/ tháng chỉ đủ cho phí sinh hoạt hàng ngày. Không giành khoản thưởng từ các giải đấu, cũng không có thưởng tết, nên với “độc cô cầu bại” thì đây là cái tết thiếu sung túc nhất của anh từ ngày vào TP.HCM.

Học cao học và ước mơ chuyên nghiệp

Mỗi năm, cứ mùng 4 Tết, Duy Nhất dẫn các “đệ tử” của mình ở võ đường của gia đình du đấu khắp nơi. Anh cho biết: “Võ thuật đòi hỏi phải khổ luyện rất nhiều nên đa số những em ở quê chịu khổ tốt hơn và đam mê với nghiệp võ hơn”. Duy Nhất cũng hy vọng từ võ đường của mình sẽ sản sinh ra những tên tuổi cho làng võ thuật Việt Nam. Đó cũng là lý do anh lên kế hoạch học cao học sau khi đã tốt nghiệp đại học TDTT.

Tuy nhiên, mục tiêu trước mắt của Duy Nhất là bước lên võ đài chuyên nghiệp sau 3 năm vô địch bán chuyên nghiệp. “Trong năm 2014 em sẽ cố gắng bảo vệ đai bán chuyên nghiệp và sau đó sẽ thi đấu các giải chuyên nghiệp vốn khốc liệt hơn rất nhiều. Đặc biệt, các võ sĩ của Thái Lan rất mạnh ở hạng chuyên nghiệp”, Duy Nhất nói.

Giấc mơ của 'độc cô cầu bại' sau hạn năm tuổi - 4

Duy Nhất vẫn đang là chàng trai "độc thân vui vẻ" vì tập trung toàn lực cho nghiệp võ. Ảnh: Quang Thắng.

Quyết tâm lên hạng chuyên nghiệp khiến chàng trai bước sang tuổi 25 vẫn chưa có người yêu để giành toàn lực cho nghiệp võ của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Thu (Zing.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN