Federer thống trị tennis: 20 hay 23 Grand Slam?

Kỷ lục 19 Grand Slam và lần thứ tám vô địch ở Wimbledon của Federer được thiết lập dễ tựa như anh vươn tay ngắt một bông hồng.

Video Federer đăng quang Wimbledon 2017:

Trừ Federer, 127 tay vợt đến với London cách nay hơn hai tuần với những mục tiêu riêng của họ. Có người ước mơ ngay lần đầu tiên tham dự Wimbledon không chỉ có một trận thắng đầu tiên mà còn vào tới tứ kết như là Daniil Medvedev (loại Wawrinka vòng 1).

Có người ước mơ tạo nên những cú sốc như đã từng làm trong quá khứ như Stakhovsky, Brown, Rosol. Có người mơ ước chức vô địch như Murray, Nadal, Djokovic. Có người mong muốn phá vỡ sự thống trị của BIG 4 như Cilic.

Federer thống trị tennis: 20 hay 23 Grand Slam? - 1

Nhưng tựu trung lại giải đấu này trong con mắt của người hâm mộ và cả giới truyền thông 12 ngày thi đấu đầu tiên (của 13 ngày cả giải) với 126 trận đấu cũng chỉ là để tìm ra ai là người xứng đáng nhất để góp mặt trong trận chung kết với Federer, người có đủ khả năng nhất để tạo nên thách thức và ở một chừng mực nào đó là có đôi chút cơ sở để tạo nên bất ngờ.

Nó không phải là Djokovic, từng là “mãnh thú” nhưng nay đang yếu lại còn bị thương. Nó không phải là Nadal, một người hùng nhưng vẫn chưa thoát khỏi cái kiếp phải làm nạn nhân trong những trận đấu mà sử sách sẽ nhớ mãi. Nó không phải là Murray, một nhà vô địch luôn bị nghi ngờ nhiều nhất.

Cũng không phải Berdych, người đã luôn có mặt trong Top 10 gần chục năm qua. Cũng không phải Raonic, người đã cho Federer ngã sấp mặt năm ngoái ở Centre Court vòng bán kết khi đứng trước cuộc khủng hoảng của giới hạn bản thân.

Và càng không phải một tập hợp những tay vợt trẻ nổi lên gần đây được ATP đóng cho một cái mác “Thế hệ mới” (NextGen).

Đa phần có sự thống nhất về Marin Cilic, hoặc gọi tay vợt từng đánh bại Federer ở bán kết US Open 2014 này là người được chọn.

Không hẳn là Cilic đã dọn dẹp những tay vợt nổi lên xuất sắc, từ Muller cho tới Querrey, mà Cilic có nhiều thứ vũ khí có thể đối chọi với Federer: Giao bóng, tấn công, khát khao chiến thắng, và sự trải nghiệm của một người đã từng thất bại, có một thành tích đương đầu với TOP 10 ngày một tốt (28 thắng 66 bại trong sự nghiệp, nhưng trong vòng 1 năm qua thắng 7 thua 4). Và như trên đã nói, Cilic đã thắng Federer ở US Open 2014 chỉ sau 3 set (6-3 6-4 6-4).

Nhưng, Federer vô địch mà chỉ đúng một lần trải qua những thử thách đáng kể ở trong trận chung kết chỉ gói gọn trong 3 set sau 1 tiếng 41 phút (chỉ xấp xỉ với quãng thời gian của set 5 trận đấu giữa Muller và Nadal).

Thử thách của Cilic tạo ra cho Federer là sự khởi đầu cực kỳ mạnh mẽ, trong khi cầm game của mình cực tốt bằng việc phát huy cú giao bóng, rồi gây sức ép ở game Federer cầm giao bóng bằng những cú tấn công thuận tay nhồi trái. Cilic giành được nhiều điểm hơn từ tay Federer ở trong 5 game đầu tiên.

Ở những giây phút ấy, Cilic gợi nhớ tới Nadal, hay chí ít cũng là chiến thuật của Siêu tay chiêu liên tục tấn công về trái tay để Federer phải rơi vào trạng thái chống đỡ và căng thẳng tâm lý. Và một chút hình ảnh của trận bán kết 2016 mà Raonic đã thắng Federer bằng việc tăng lực tối đa trong các cú đánh.

Federer vốn nhập cuộc tốt, đã thực sự bối rối trước một người còn nhập cuộc tốt hơn anh.

Kết cục là Cilic có một break point. Nhưng đó là lúc mà người ta thấy được kỹ năng phòng ngự ôm sân siêu việt của Federer – kỹ năng mà xưa nay Federer thực ra đã thể hiện xuất sắc nhưng bị lu mờ bởi chính khả năng tấn công siêu thực của anh.

Và break point ấy được hóa giải: Federer giao bóng hai, một cú kick serve vào trái, Cilic bật cao hai chân đè trái tay chéo sân; anh muốn nhằm vào trái tay của Federer, nhưng bóng mắc vào lưới.

Khi Cilic và Federer quay trở lại ghế ngồi, chờ cho tới game tiếp theo, không hiểu Cilic đã tự phân tích những gì, còn Federer lục lại những kinh nghiệm quý giá của mình mà ngay sau khi trở lại sân thì Cilic bị bẻ game.

Và 11 game tiếp theo, Cilic chỉ ăn thêm được 2 game, còn 9 game là của Federer. Và tỉ số là 2-0 cho người đã giành được 18 Grand Slam trước đó. Không hiểu là có ai còn hy vọng vào một cuộc lật đổ nào vào thời điểm ấy không?

Sự khác biệt giữa huyền thoại và xuất sắc

Khi bị dẫn 0-3 ở set 2, Cilic đã bật khóc nức nở trong khi anh đang được 2 bác sĩ đánh giá về tình trạng cơ thể của anh sau cú ngã đập lưng xuống sân trong một tình huống cứu bóng ở set 1.

Cilic nói rằng anh không thể kiểm soát cảm xúc khi hiểu rằng anh không thể chơi với trạng thái tốt nhất ở phần còn lại của trận chung kết.

Federer thống trị tennis: 20 hay 23 Grand Slam? - 2

Nhưng thật khó để tin rằng toàn bộ kết quả là do ảnh hưởng từ cú ngã ấy. Cilic là một tay vợt xuất sắc, còn Federer là một huyền thoại.

Cilic trước giải nói rằng anh muốn nhìn thấy sự kết thúc của sự thống trị của nhóm BIG 4 ở Wimbledon. Sự khác biệt của BIG 4 là những giới hạn mà họ tạo ra để cho toàn bộ những tay vợt còn lại phải chinh phục bằng sự nỗ lực tối đa.

Trổ hết kỹ năng, với tất cả ý chí rồi mà không thể bẻ game, không thể thắng được một set, thì họ sẽ dễ dàng để tuột trôi, bị đè bẹp kể từ khi trận đấu rẽ sang một hướng khác.

Không ngạc nhiên khi cả hai huyền thoại của tennis đương đại, một là Nadal và một là Federer đều là những người rất giỏi tạo ra giới hạn để hạ gục đối thủ cả về tâm lý lẫn tài nghệ.

Federer ở phần nào đó còn phô diễn xuất sắc hơn rất nhiều, với một tốc độ chóng mặt nhờ những cú giao bóng không thể đọc nổi điểm rơi, và một xu hướng tiến vào sân để dứt điểm chỉ sau một vài lần chạm vợt.

Trong khi Cilic mắc lỗi giao bóng kép để mất game lần đầu tiên, Federer lại đủ khả năng để tạo ra những cú giao bóng hai nếu không ăn điểm trực tiếp thì cũng tạo tiền đề cho cú đánh tiếp theo.

Hiệu số giao bóng hai của Federer là 70%, còn cao hợn cả hiệu số giao bóng 1 của Cilic (65%). Và khi mọi cú quả Federer cũng vượt trội, việc anh giành gấp rưỡi số điểm so với Cilic là điều đương nhiên.

Công thức của Serena

Chúng ta có thể chưa quên rằng chỉ cách nay hơn năm, Federer vẫn còn theo sự chỉ dẫn của HLV lúc đó Stefan Edberg đã tham dự nhiều giải nhất có thể để lấy nhịp thi đấu. Và anh luôn thất bại trước ngưỡng cửa thiên đường (thua 2 chung kết Wimbledon liên tiếp trước Djokovic).

Còn giờ đây, có một điểm chung của khá nhiều nhận định như một đúc kết trước một Federer hồi sinh ngoạn mục là anh đã sắp xếp lịch thi đấu cực kỳ hợp lý, hay nói đúng hơn là việc chọn lựa giải để tham dự. Federer đã bỏ qua toàn bộ mùa đất nện, nên giải đấu cuối của cùng anh trước mùa sân cỏ là mãi từ cuối  tháng 3, tại Miami.

Federer ban đầu định tham dự Roland Garros, nhưng khi anh bước ra tập luyện trên cái mặt sân màu đỏ, anh hầu như không tìm thấy cảm hứng trong các bước di chuyển, hay những cái vung vợt. Anh quyết định thay vì tập luyện mà ngồi lại với ê kíp của mình để chọn lựa một con đường dẫn tới thẳng Wimbledon.   

Nhưng đó không phải là một phát hiện lớn lao gì của Federer hay những tay vợt bước vào giai đoạn cuối của sự nghiệp: Serena Williams, tay vợt nữ sinh cùng năm với Federer và chỉ kém một tháng (người tháng 8, người tháng 9) đã từng có lựa chọn tương tự và cực kỳ thành công.

Năm 2010, Serena chỉ tham dự 6 giải, trong đó có 3 Grand Slam và 3 Premier (tương tự Masters 1000) và năm đó, cô giành 2 Grand Slam.

2015, Serena tham dự 11 giải, trong đó có 4 Grand Slam, 6 Premier, rồi cuối cùng vô địch thêm 3 Grand Slam nữa.

Federer năm nay đã tham dự cả thảy 7 giải, trong đó có 2 Grand Slam (vô địch cả 2), 2 Masters 1000 (vô địch cả 2), 2 ATP 500 (vô địch 1).

Và chẳng có gì bất ngờ nếu Federer không phá bỏ phương cách đã giúp anh sắp tròn 36 tuổi mà như đang đỉnh cao phong độ ấy.

Tức là 20, cũng có thể mà 23 danh hiệu Grand Slam chưa biết chừng! 

Grand Slam dễ dàng nhất trong sự nghiệp của Federer

Federer phá kỷ lục mà anh chia sẻ với Pete Sampras, để trở thành người đầu tiên vô địch Wimbledon 8 lần, và giúp anh là người duy nhất vô địch Wimbledon mà không thua set nào trong suốt 40 năm qua (Borg vô địch năm 1976 cũng không mất set nào).

Đó chính là Grand Slam dễ dàng nhất trong sự nghiệp của Federer và 19 danh hiệu của anh quả là một cột mốc rất khó cho ai khác chinh phục, trong khi cảm giác anh để lại là Federer sẽ tiếp tục chinh phục thành công những Grand Slam tiếp theo.      

Federer vô địch Wimbledon:

Sau "Ông vua Grand Slam", Federer xứng đáng với danh xưng "Chúa tể thời gian".

Federer vô địch Wimbledon 2017
Bạn nhận định thế nào về chức vô địch Wimbledon 2017 của Federer?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Federer vô địch Wimbledon, giành 19 Grand Slam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN