Điền kinh VN nhìn từ ASIAD 17: Không thể “ăn mày dĩ vãng”
Đã đến lúc điền kinh Việt Nam cần hướng đầu tư cho những gương mặt mới, thay vì tiếp tục đặt niềm tin vào những gương mặt gạo cội vốn đã qua thời đỉnh cao phong độ.
Vũ Văn Huyện, Trương Thanh Hằng hay Vũ Thị Hương…từng là những tên tuổi gắn liền với thành công của điền kinh Việt Nam ở đấu trường Đông Nam Á và cả châu lục trong một thời gian dài.
Kế hoạch đầu tư trọng điểm của Tổng cục TDTT và Liên đoàn điền kinh Việt Nam qua từng năm luôn hướng tới dành chế độ đặc biệt cho những VĐV này, từ thuê chuyên gia ngoại đến cử đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài.
Vũ Thị Hương (trái) không thể đọ sức với các đối thủ trẻ trung hơn tại Asiad 2014. Ảnh: TDTT
SEA Games 27 diễn ra tại Indonesia, Trương Thanh Hằng và Vũ Thị Hương tiếp tục gặt hái thành công khi giành HCV về cho điền kinh Việt Nam ở các nội dung sở trường. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm trên khi trao đổi với Tiền Phong, giới chuyên môn điền kinh đã nhận định, đây có thể và nên là kỳ SEA Games cuối của lứa VĐV nói trên. Chấn thương cùng với tuổi tác đã khiến những bước chạy của Trương Thanh Hằng hay Vũ Thị Hương không còn mạnh mẽ như trước đó.
Một ví dụ điển hình chính là Vũ Thị Hương, VĐV gắn liền với danh “nữ hoàng tốc độ” Đông Nam Á. Tại ASIAD 2010 (Quảng Châu, Trung Quốc), Vũ Thị Hương từng tỏa sáng rực rỡ khi đoạt HCĐ nội dung 100m và HCB trên đường chạy 200m nữ.
Đây là 2 nội dung sở trường cô gái Thái Nguyên từng nhiều năm “vô đối” ở đấu trường khu vực Đông Nam Á. Nhưng cho đến ASIAD 2014 đang diễn ra tại Incheon (Hàn Quốc), Vũ Thị Hương đã không còn đủ sức cạnh tranh với các đối thủ trong châu lục.
Ở cự li 100m nữ, Vũ Thị Hương chỉ về thứ 5 với thành tích 11.68, thấp hơn nhiều so với thông số trong các cuộc thi trước đấy của chính cô. Kết quả trên đường chạy 200m nữ còn gây thất vọng hơn, khi Vũ Thị Hương về thứ 8/8 VĐV tranh tài ở lượt chung kết với thời gian 23.77. Kết quả này kém cả thành tích 23.59 Vũ Thị Hương thực hiện ở vòng loại.
Đã có 2 nguyên nhân được đề cập đến để lý giải cho thất bại của Vũ Thị Hương. Đầu tiên, như chính VĐV này thừa nhận, là những sự cố xảy ra trong các năm trở lại đây kể từ sau ASIAD 2010, đã ảnh hưởng nhiều đến cô. Và hai là những chấn thương liên tiếp kể từ chuyến tập huấn ở Đức trước SEA Games 26 (Indonesia). Trước ASIAD 17, cũng có tin Vũ Thị Hương đã bị chấn thương, dù không nặng chỉ vài ngày trước khi lên đường sang Incheon.
Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, một HLV điền kinh lâu năm cho rằng, vấn đề ở chỗ Vũ Thị Hương đã không còn duy trì được phong độ, sức bật như thời trẻ. Sinh năm 1986, Vũ Thị Hương hiện đã bước sang tuổi 28, độ tuổi không còn trẻ đối với các VĐV thể thao.
“Thành tích của Vũ Thị Hương không ổn định và có xu hướng giảm qua các năm gần đây, dù một vài thời điểm có “nhích” lên. Đây chính là điểm “tới hạn” của Hương ở môn điền kinh”-HLV nói trên cho biết.
Tương tự, các VĐV như Trương Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện cũng đã bắt đầu bước vào độ tuổi không còn sung mãn về thể lực. Chiến lược đầu tư của điền kinh Việt Nam trong thời gian tới vì vậy cần hướng tới những gương mặt trẻ triển vọng.
Thành công của các VĐV Bùi Thị Thu Thảo hay Quách Thị Lan tại ASIAD 17 là minh chứng rõ nét. Thu Thảo đã giành HCB một cách xuất sắc ở nội dung nhảy xa, trong khi Quách Thị Lan cũng giành HCB cự li 400m nữ.
Không thể phủ nhận những đóng góp của Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện…đối với điền kinh Việt Nam. Nhưng đã đến lúc Bộ môn và Liên đoàn điền kinh cần ngồi lại với nhau để xây dựng kế hoạch phát triển mới với trọng tâm đầu tư là lứa VĐV trẻ.
Đây là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam đang có dấu hiệu tụt lùi so với các đối thủ trong khu vực, như chính lãnh đạo môn này từng thừa nhận.
Đã đến lúc Bộ môn và Liên đoàn điền kinh cần ngồi lại với nhau để xây dựng kế hoạch phát triển mới với trọng tâm đầu tư là lứa VĐV trẻ. |