Điền kinh Việt Nam đang “tụt dần đều”?

Phong độ của những gương mặt kỳ cựu đang ngày một giảm sút, trong khi lứa VĐV trẻ chưa có nhiều gương mặt triển vọng, đủ thay thế lớp “đàn anh, đàn chị”.

Điền kinh Việt Nam trong nhiều năm còn diễn ra cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” giữa những người làm công tác lãnh đạo. Cụ thể ở đây là sự “lệch pha” giữa Bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) và Liên đoàn điền kinh Việt Nam.

Sự căng thẳng giữa đôi bên khiến cho nhiều chương trình, kế hoạch đối với các VĐV diễn ra không xuôi chèo, mát mái. Rất thường xuyên diễn ra cảnh bên này đưa ra kế hoạch, lập tức bên kia phản bác, và ngược lại. Tổng cục TDTT nắm rõ nội tình môn điền kinh, nhưng để tìm ra một giải pháp “giải hòa” cho đôi bên thì nhiều năm nay đều không thành công.

“Chuyện yêu, ghét giữa các cá nhân là tình cảm tự nhiên nên chúng tôi cũng không thể ra mệnh lệnh để bắt buộc được. Tổng cục vì vậy cũng chỉ quán triệt Bộ môn và Liên đoàn đặt lợi ích chung của môn lên trên. Về mặt này chúng tôi cho rằng đôi bên đều rất có ý thức. Tuy nhiên, có thể cũng có vài vấn đề do không thông suốt nên mới xảy ra trục trặc”-một lãnh đạo Tổng cục TDTT chia sẻ.

Trở lại với thực trạng bộ môn điền kinh hiện nay, đã có những ý kiến lo ngại về sự tụt lùi của Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực, đầu tiên là Thái Lan. Ở nhiều nội dung, Việt Nam đang thiếu dần những nhân tố trẻ bằng hoặc có tiềm năng vượt qua lứa đàn chị, đàn anh. Phong độ của các ngôi sao kỳ cựu trong khi đó ngày một giảm dần.

Điền kinh Việt Nam đang “tụt dần đều”? - 1

Dù thi đấu tốt tại SEA Games, VĐV Đỗ Thị Thảo vẫn chưa thể sánh ngang đàn chị Trương Thanh Hằng trên đấu trường quốc tế. ảnh: VSI

Một ví dụ điển hình là “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương. Tại SEA Games 27, Vũ Thị Hương đã có sự trở lại ngọt ngào khi đoạt HCV ở cả 2 cự li 100m và 200m sở trường.

Tuy nhiên, những người biết rõ Vũ Thị Hương chắc chắn chưa hài lòng với các thông số chuyên môn của cô. Ở cự li 100m, thành tích của Vũ Thị Hương là 11.59. Con số này kém hơn rất nhiều so với thành tích tốt nhất Vũ Thị Hương từng lập được ở cự li này, là 11.33.

Ở cự li 200m, thời gian cán đích của Vũ Thị Hương là 23.55, kém xa so với thành tích 23.32 cô mới lập hồi năm 2012 ở giải Vô địch điền kinh quốc gia.

Những câu chuyện đời thường, rắc rối trong nội bộ môn điền kinh và chấn thương đã ảnh hưởng tiêu cực tới phong độ của Vũ Thị Hương. Một chuyên gia điền kinh nhận định, cô gái Thái Nguyên sẽ khó có thể đạt tới đỉnh cao nhất của mình như trước kia. Vũ Thị Hương năm nay đã 28 tuổi.

Một nội dung khác như nhảy cao nữ, VĐV Bùi Thị Nhung từng đạt mức xà 1m94 ở giải điền kinh mở rộng Thái Lan tháng 5/2005. Vũ Thị Nhung hiện đã lùi vào phía sau sân khấu nhưng gương mặt được đánh giá là có nhiều triển vọng nhất của nhảy cao hiện nay, Dương Thị Việt Anh hay Phạm Thị Diễm chưa bao giờ ngấp nghé đạt tới mức xà trên. Thành tích cao nhất của Dương Thị Việt Anh mới chỉ là 1m92.

Ở cự li 800m và 1.500m, vẫn chưa có ai vượt qua được Trương Thanh Hằng. Miệt mài qua nhiều kỳ SEA Games, Hương và Hằng làm nhiệm vụ đem vàng về cho điền kinh Việt Nam. Nhà vô địch SEA Games 26 Vũ Văn Huyện thì tới SEA Games 27 đã không còn đủ thể lực để thi đấu nội dung sở trường 10 môn phối hợp.

Những gương mặt trẻ của điền kinh Việt Nam hiện nay như Đỗ Thị Thảo, Quách Thị Lan, Phạm Thị Bình…chỉ hy vọng giành được thành tích tiệm cận với lứa VĐV đi trước, ít dám đặt kỳ vọng sẽ tiến xa hơn. Đấu trường châu lục vẫn là sân chơi vượt quá tầm của điền kinh Việt Nam bất chấp những nỗ lực đầu tư không ít tốn kém mỗi năm.

Ở nhiều nội dung, điền kinh Việt Nam đang thiếu dần những nhân tố trẻ bằng hoặc có tiềm năng vượt qua lứa đàn chị, đàn anh. Phong độ của các ngôi sao kỳ cựu trong khi đó ngày một giảm dần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.P (tienphong.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN