Chúa chọn Nole, nhưng lịch sử mỉm cười với Federer và Murray

Sự kiện: Australian Open 2024

Chúa lại mỉm cười với Djokovic ngay từ khi anh còn chưa bước ra sân bởi lá thăm đã đẩy Murray và Federer vào một nhánh bốc thăm của Australian Open 2013.

Hạt giống số bốn và "quân pháo" Ferrer

Hạt giống cao nhất nằm trong nửa nhánh bốc thăm của Djokovic là David Ferrer. Sự vắng mặt của Nadal đã đưa Ferrer lần thứ ba trong đời được xếp hạt giống số 4 ở một giải Grand Slam. Nó đảm bảo cho anh không phải gặp bất cứ ai trong số Federer, Djokovic hay Murray cho tới hết vòng tứ kết.

Năm 2008, tại US Open, David Ferrer cũng được xếp hạt giống số bốn (mà không cần các ngôi sao nào vắng mặt, đứng sau Nadal, Federer và Djokovic), nhưng anh cuối cùng chỉ vào tới vòng ba rồi dừng bước trước tay vợt người Nhật Bản lúc đó vừa mới bước ra từ lò của huyền thoại Nick Bollettieri (và còn chưa được xếp hạt giống).

Chúa chọn Nole, nhưng lịch sử mỉm cười với Federer và Murray - 1

Liệu Ferrer có thể làm nên bất ngờ?

Ferrer của năm 2012-2013 khác so với năm 2008. Anh giống như chai rượu vang càng để lâu càng ngon, chinh phục được những đỉnh cao trong sự nghiệp khi đã bước sang tuổi ba mươi. Trong số các tay vợt nằm ngoài Top 4, anh ổn định, bền bỉ dù bất cứ ai trong số Tsonga, Berdych và Del Potro đều cho thấy họ có những phẩm chất trời sinh hơn hẳn.

Kết quả của nó là Ferrer vào tới bán kết US Open năm ngoái (lần đầu tiên ở đẳng cấp Grand Slam).

Nhưng "chiếc áo" hạt giống số bốn có vẻ vẫn như quá rộng với Ferrer. Anh chỉ tạo ra sự tương đương với những người từng xếp hạt giống số bốn trong 5 năm như Nikolay Davydenko (năm 2008) và Del Potro (2009 - 2010). Ba lần xếp hạt giống số bốn của Davydenko được biết tới với thành tích cao nhất là vào tới vòng bốn của Australian Open, và bị loại ngay từ vòng 1 ở Wimbledon. Hai lần xếp hạt giống số bốn của Del Potro, lần đầu anh bị loại ở vòng 2 Wimbledon và lần sau anh chỉ lọt vào tới vòng 4 (Australian Open). Lần vô địch US Open 2009, Del Potro lại xếp hạt giống số 6.

Ferrer khó có thể so sánh được với một số 4 cỡ Murray, người thường có mặt trong top 4 hạt giống hàng đầu ở các giải Grand Slam trong ba năm qua.

Dù Murray đôi lúc bị coi như một món quà, ai giữa hai huyền thoại Nadal và Federer được xếp cùng với anh trong nhánh bốc thăm đều được coi là may mắn so với việc gặp Djokovic. Nhưng anh đã tạo nên những thách thức thực sự. Murray từng ba lần vào tới chung kết, và vô địch US Open với tư cách hạt giống số 4.

Đó là sự cân bằng tương đối tạo bởi Murray-số-4 được trao gửi trách nhiệm cho Ferrer, để Grand Slam đầu tiên trong năm không trở nên quá dễ đoán.

Chúa chọn Nole, nhưng lịch sử mỉm cười với Federer và Murray - 2

Cho dù thế nào, Djokovic cũng rơi vào nhánh khá ngon ăn

Chúa lại tặng món quà có tên Ferrer cho Djokovic

Chúa đã lại mỉm cười với Djokovic thêm một lần nữa khi mang Ferrer đến với nhánh bốc thăm của anh. Đó là lần thứ hai liên tiếp ở một giải Grand Slam (và là khi Nadal vắng mặt).

Tại trận bán kết US Open 2012, Ferrer đã không thể khiến Djokovic phải lao lực dù cho anh đã bất ngờ thắng trong set 1. Việc thua nhanh chóng trong ba set sau và chỉ giành được sáu game trong ba set đấu ấy của Ferrer bị cho là hậu quả của việc anh phải vắt sức đánh trận tứ kết năm set với Tipsarevic, và thực tế là hai người không ở cùng một đẳng cấp.

Ở giải đấu biểu diễn gồm sáu tay vợt hàng đầu mới đây ở Abu Dhabi, Ferrer đã đẩy tốc độ các pha đôi công lên cực cao và hầu như không đánh hai đường bóng theo cùng một hướng, nhưng vẫn không thể quật ngã được Djokovic lúc đó còn chưa đạt tới đỉnh cao phong độ (tới tận Hopman Cup anh cũng chưa).

Xem ra sự thất thường nhưng khi đã tỏa sáng lại có thể tạo nên những cú lật đổ vĩ đại như Tsonga, Berdych và Del Potro (họ đều đã vào tới chung kết hoặc đã vô địch Grand Slam) lại có thể khiến cho bộ ba Djokovic, Federer và Murray e ngại hơn.

Nhìn từ góc độ này, có lẽ thách thức thật sự với Djokovic chỉ là ở tứ kết nếu như Berdych không xảy chân và tìm được cảm hứng khi họ đối đầu với nhau. Các tay vợt có khả năng thắng qua vòng hai, ba như Stepanek hay Wawrinka được tin là sẽ dễ dàng "phơi xác" trên con đường của Djokovic.

Chúa chọn Nole, nhưng lịch sử mỉm cười với Federer và Murray - 3

Federer sẽ gặp rất nhiều khó khăn

Thử thách nối đuôi chờ Federer

Chừng đó là quá ít so với những thử thách sẽ nối đuôi nhau xuất hiện qua từng vòng của Federer. Nếu không có bất ngờ, anh sẽ phải gặp Davydenko, Tomic và Milos Raonic.

Davydenko lần cuối cùng thắng được Federer là từ năm 2010, nhưng trong trận thua gần đây nhất, anh thắng được một set và chỉ thua set ba với tỉ số 4-6.

Tomic chưa từng thắng Federer sau ba lần gặp, nhưng lối đánh của tay vợt trẻ người Australia mỗi khi đánh trên sân nhà lại cực kỳ khó chịu. Federer từng thừa nhận anh đã súyt bị cuốn vào chiến thuật ru ngủ của Tomic trước khi bừng tình để tấn công mãnh liệt.

Còn Milos Raonic được Tạp chí Tennis Mỹ dự đoán là ngựa ô của năm 2013 nhờ những cú giao bóng sấm sét và các kỹ năng khác ngày càng được chau chuốt.

Nếu như phải gặp Tsonga ở tứ kết, đó cũng là một mối hiểm nguy lớn với Federer. Tsonga từng quật ngã Federer trong một trận đấu đầy cảm xúc ở tứ kết Wimbledon 2011. Federer hôm ấy đã phải dùng tới tiểu xảo, xin đi vệ sinh để cắt đà hưng phấn của đối thủ mà vẫn không tránh khỏi kết cục bị lội ngược dòng.

Và nếu như Federer và Murray chạm trán nhau ở bán kết, đó là một cuộc đối đầu mà người thắng có thể sẽ bị thất thế khi tiến vào trận chung kết. Về mặt lý thuyết, việc phải đánh hai trận đấu khốc liệt liền nhau rõ ràng bất lợi hơn việc được dạo chơi ở bán kết rồi mới đánh chung kết.

Đó là chưa nói tới việc Murray có thể sẽ phải gặp Del Potro ở tứ kết. Tay vợt quốc tịch Argentina là người được cho là kẻ mà bất cứ hạt giống hàng đầu nào cũng muốn tránh mặt ở vòng tứ kết.

Chúa chọn Nole, nhưng lịch sử mỉm cười với Federer và Murray - 4

Murray cũng rơi vào nhánh đấu khó khăn

Ám ảnh từ US Open 2012

Chỉ cách đây 4 tháng, tại US Open, Djokovic đã rơi vào nhánh đấu không chỉ có Ferrer mà có cả Wawrinka (người có thể sẽ lại là đối thủ ở vòng 4 lần này). Anh đều thắng họ khá chóng vánh. Ngay cuộc đối đầu với Del Potro (hôm ấy có vấn đề về thể lực và vẫn còn ngây ngất với tấm HCĐ tennis đơn nam ở Olympic) cũng không phải ngoại lệ.

Nhưng như chúng ta chưa từng quên, Djokovic đã thất bại đầy cay đắng trong trận chung kết trước Murray ở US Open 2012 cũng có một lịch thi đấu khá tương tự.

Những ưu thế như số phận run rủi và đặc biệt là nỗ lực tự thân của Djokovic trước đó đã không thể ngăn cản được Murray đăng quang.

Tức là Chúa đã thương ai thì số phận của những kẻ còn lại chưa chắc đã an bài!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn
Australian Open 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN