3 điều đặc biệt nhất SEA Games 32: Vang dội đoàn Việt Nam, "chấn động" chung kết bóng đá U22

Những ngày thi đấu của SEA Games 32 đã kết thúc với nhiều dư âm rất đáng chú ý, với những điểm nhấn đi vào lịch sử đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á. Dưới đây là 3 điểm nhấn hàng đầu của SEA Games 32.

Ấn tượng đoàn thể thao Việt Nam dẫn đầu bảng xếp hạng huy chương

Trước khi SEA Games 32 diễn ra, đoàn thể thao Việt Nam được giao chỉ tiêu giành từ 90-120 HCV và xếp trong top 3. Tuy nhiên những gì mà các VĐV Việt Nam làm được lại vượt trên mọi sự kỳ vọng. 

BXH chung cuộc SEA Games 32

BXH chung cuộc SEA Games 32

Kết thúc ngày thi đấu cuối SEA Games 32, đoàn thể thao Việt Nam kiếm về tổng cộng chung cuộc 136 HCV để dẫn đầu BXH huy chương, qua đó vượt chỉ tiêu đề ra. Thái Lan rất nỗ lực bám đuổi đoàn thể thao Việt Nam nhưng vẫn phải xếp thứ 2 khi thua tới 28 HCV. 

Xét về số HCB giành được, đoàn thể thao Việt Nam cũng tỏ ra vượt trội so với các nước bạn. Cụ thể, đoàn thể thao Việt Nam giành nhiều HCB nhất (105 cái). Còn ở số lượng HCĐ, đoàn thể thao Việt Nam xếp thứ 3 với 114 huy chương, thua chủ nhà Campuchia (126 huy chương) và Philippines (116 huy chương).

Còn tính về tổng huy chương các loại, đoàn thể thao Việt Nam vẫn đứng số một với 355 huy chương. Điều này là lời khẳng định chắc chắn về chất lượng đua tài, cũng như khát khao giành vinh quang của VĐV Việt Nam tại SEA Games 32.

Nguyễn Thị Oanh là một trong những VĐV thi đấu ấn tượng nhất ở SEA Games 32

Nguyễn Thị Oanh là một trong những VĐV thi đấu ấn tượng nhất ở SEA Games 32

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử đoàn thể thao Việt Nam đứng đầu bảng tổng sắp huy chương SEA Games khi thi đấu tại nước bạn. Chúng ta chỉ xếp số một khi là chủ nhà ở 2 kỳ SEA Games diễn ra vào năm 2003 và 2022.

Những môn thể thao trọng điểm của đoàn thể thao Việt Nam phần lớn đều đạt chỉ tiêu đề ra. 3 môn mang về nhiều HCV nhất cho chúng ta là lặn (14 HCV), vật (13 HCV) và điền kinh (12 HCV), trong đó đoàn thể thao Việt Nam có gương mặt xuất sắc nhất là Nguyễn Thị Oanh với 4 HCV cá nhân trên đường chạy điền kinh.

Chủ nhà Campuchia ghi điểm trong lần đầu tiên đăng cai SEA Games

SEA Games 32 là kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á đầu tiên mà Campuchia tổ chức. Tất nhiên vẫn còn những bỡ ngỡ dẫn tới một số sơ suất trong công tác tổ chức, điều hành giải đấu, nhưng nhìn về tổng thể, Campuchia đã nỗ lực rất nhiều. 

Trước khi SEA Games 32 diễn ra, chủ nhà Campuchia ghi điểm với việc miễn phí chi phí ăn ở, đi lại cho các đoàn thể thao tham dự, miễn phí bản quyền truyền hình. Điều này khiến nước chủ nhà Campuchia tốn rất nhiều tiền, nhưng họ không hề nề hà việc đó. 

Lễ khai mạc SEA Games 32 diễn ra trên sân Morodok Techo đã để lại nhiều dấu ấn. Không khí được tạo ra hùng vĩ, âm thanh cho tới ánh sáng đều được chuẩn bị kỹ lưỡng. Các khán giả cho tới những phóng viên chứng kiến buổi lễ khai mạc thực sự trầm trồ trước sự đầu tư của chủ nhà Campuchia.

Lễ khai mạc SEA Games 32 vô cùng đáng nhớ

Lễ khai mạc SEA Games 32 vô cùng đáng nhớ

SEA Games 32 đã kết thúc những ngày thi đấu, tuy nhiên chủ nhà Campuchia còn đó "bữa tiệc" vào ngày bế mạc (19h, 17/5). Tổng thư ký Ban tổ chức Đại hội (CAMSOC) - ông Vath Chamroeun khẳng định lễ bế mạc chắc chắn để lại sự ấn tượng lớn với các đoàn thể thao tham dự.

Đoàn thể thao Campuchia cũng để lại dấu ấn lớn ở SEA Games 32. Họ giành 81 HCV để xếp thứ 4 chung cuộc, con số nhiều hơn cả tổng HCV mà các VĐV của đất nước này giành được trong suốt các kỳ SEA Games trước từng tham dự (71 HCV). 

Trận chung kết bóng đá nam với đủ "hỉ nộ ái ố"

U22 Thái Lan và U22 Indonesia đã tạo nên trận chung kết bóng đá nam kịch tính nhất lịch sử SEA Games 32 về chuyên môn, độ nóng cả trong và ngoài sân cỏ. 2 đội rượt đuổi cho tới phút cuối cùng 2 hiệp chính, từ đó kéo nhau tới hiệp phụ. U22 Indonesia với khát khao cộng với việc tận dụng cơ hội tốt hơn đã hạ đối thủ với tỷ số 5-2 chung cuộc để vô địch SEA Games sau 32 năm chờ đợi.

U22 Indonesia vô địch xứng đáng

U22 Indonesia vô địch xứng đáng

Bên cạnh kết quả hấp dẫn, trận chung kết SEA Games 32 còn để lại những dư âm đáng chú ý khác. Đó là màn ăn mừng hụt của U22 Indonesia ở những phút bù giờ hiệp hai, để rồi ngay sau đó họ bị U22 Thái Lan gỡ hòa 2-2.

Màn ẩu đả giữa U22 Indonesia và U22 Thái Lan cũng được nhắc tới nhiều. Trọng tài phải rút ra rất nhiều thẻ phạt ở trận đấu này, tổng cộng 7 thẻ đỏ và 13 thẻ vàng. Trong lịch sử SEA Games, chẳng có trận đấu nào diễn ra với kịch bản tương tự.

Màn ẩu đả giữa cầu thủ và ban huấn luyện 2 đội

Màn ẩu đả giữa cầu thủ và ban huấn luyện 2 đội

"Điên rồ" có lẽ là từ thích hợp nhất để nói về chung kết bóng đá nam SEA Games 32. Thậm chí theo nhiều ý kiến của các CĐV Đông Nam Á, trận đấu này thậm chí còn "nóng" hơn chung kết World Cup 2022.

Nguồn: [Link nguồn]

Nguyễn Oanh, Nguyễn Huyền ghi danh lịch sử điền kinh, ai nhiều HCV nhất SEA Games?

(Tin thể thao, tin SEA Games) Với những gì đã làm được, Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thị Oanh xứng đáng đi vào lịch sử SEA Games.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Đức, Ảnh: Anh Khoa, Lê Phong ([Tên nguồn])
Đoàn thể thao Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN