Cao tốc TPHCM – Mộc Bài "đội vốn" gần 3.000 tỷ đồng dù còn... trên giấy

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trong văn bản khẩn của UBND TPHCM vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn thực hiện dự án đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài (Tây Ninh) đã tăng gần 3.000 tỷ đồng so với thời điểm hai địa phương ký kết thực hiện dự án vào tháng 10/2019.

Ngày 17/11, UBND TPHCM đã có văn bản khẩn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) xem xét, hướng dẫn thực hiện một số nội dung vướng mắc về thủ tục quy định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài theo hình thức PPP (Hợp đồng BOT).

Theo đó, để việc triển khai dự án đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, UBND TPHCM đã đề nghị Bộ KHĐT xem xét, hướng dẫn thực hiện một số nội dung vướng mắc về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án; về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để dự án sớm được triển khai đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật.

Cao tốc TPHCM – Mộc Bài về nguyên tắc là do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư. Tháng 9/2019, UBND TPHCM và UBND tỉnh Tây Ninh cùng kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép TPHCM phối hợp với tỉnh Tây Ninh thực hiện dự án.

Ngày 23/10 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý cho TPHCM quyết định chủ trương đầu tư cao tốc TPHCM - Mộc Bài và triển khai, phê duyệt dự án.

Quốc lộ 22 nối TPHCM và Tây Ninh thường xuyên ùn tắc do quá tải

Quốc lộ 22 nối TPHCM và Tây Ninh thường xuyên ùn tắc do quá tải

Cao tốc TPHCM – Mộc Bài có chiều dài tuyến khoảng 53km, điểm đầu giao với đường Vành đai 3, điểm cuối tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Trong giai đoạn 1, tuyến đường cao tốc có quy mô 4 làn xe hạn chế với chiều rộng nền đường là 17m.

Theo UBND TPHCM, về giải phóng mặt bằng, tổng diện tích thu hồi đất của dự án này là khoảng 432ha, trong đó trên địa bàn TPHCM có khoảng 209ha và địa bàn tỉnh Tây Ninh khoảng 223ha. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng được thực hiện bằng các dự án độc lập theo quy định của Luật Đầu tư công.

Dự án dự kiến có tổng vốn đầu tư khoảng 13.613 tỷ đồng. Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn dự kiến (không bao gồm phần vốn nhà nước hỗ trợ dự án) là khoảng 23 năm 8 tháng sau khi hoàn thành đưa dự án vào khai thác.

Như vậy, tại văn bản UBND TPHCM gửi Bộ KHĐT, tổng mức đầu tư tuyến cao tốc TP HCM – Mộc Bài đã tăng gần 3.000 tỷ đồng so với trước đây. Trước đó, tại lễ ký kết triển khai dự án giữa TP HCM và Tây Ninh cuối tháng 10/2019, tổng số vốn đầu tư dự án được công bố là khoảng 10.700 tỷ đồng.

Cao tốc TPHCM - Mộc Bài có hướng tuyến song song với Quốc lộ 22 được hy vong sẽ giảm tải cho tuyến đường huyết mạch này, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng trọng điểm phía Nam

Cao tốc TPHCM - Mộc Bài có hướng tuyến song song với Quốc lộ 22 được hy vong sẽ giảm tải cho tuyến đường huyết mạch này, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng trọng điểm phía Nam

Trao đổi với Tiền Phong chiều 17/11, đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết việc “đội vốn” khi dự án còn trên giấy là do bổ sung 2 nút giao thông và rà soát chi phí giải phóng mặt bằng. Cụ thể, dự án bổ sung nút giao cao tốc với đường Vành đai 3 (huyện Hóc Môn, TPHCM) và nút giao cao tốc với tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi).

“Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng liên quan đến dự án sau khi rà soát cũng tăng thêm so với trước”, đại diện Sở GTVT cho hay.

Theo UBND TPHCM, cao tốc TPHCM - Mộc Bài sau khi hoàn thành sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tăng năng lực khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối TP.HCM với Campuchia. Công trình cũng phá thế độc đạo, tạo tuyến đường mới kết nối TPHCM và Tây Ninh, giảm tải cho Quốc lộ 22.

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao phải thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư?

Theo tính toán, nếu thực hiện thu phí sử dụng đường cao tốc theo mức 1.000 đồng/km/xe thì dự kiến hàng năm sẽ thu được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Thịnh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN