Xây nhà 100 triệu: Hà Nội làm được không?

Sự kiện Bình Dương vừa đưa vào sử dụng hàng nghìn căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) giá 100 triệu đồng khiến dư luận bất ngờ. Nhiều chuyên gia bất động sản và không ít dân nghèo Thủ đô đặt câu hỏi: Hà Nội có làm được không?

Giảm diện tích, giảm lãi: sẽ có nhà

Giá NƠXH tại Hà Nội chưa bao giờ hết tranh cãi khi giá mỗi căn hộ đang gần bằng giá nhà ở thương mại trên thị trường. Cùng hưởng ưu đãi miễn tiền sử dụng đất, vay vốn ưu đãi, nhưng giá căn hộ ngay giữa các dự án NƠXH ở Hà Nội chênh nhau rất nhiều, có dự án dưới 9 triệu đồng/m2, nhưng có những dự án lên tới 14-15 triệu đồng/m2.

Xây nhà 100 triệu: Hà Nội làm được không? - 1

Giá nhà ở xã hội tại Hà Nội còn gây nhiều tranh cãi (trong ảnh là nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm-Hà Nội).

Đơn cử, dự án NƠXH tại 143 Trần Phú (Hà Đông) do Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà - SDU (thuộc Tổng Cty Sông Đà) làm chủ đầu tư, dự án NƠXH tại 30 Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy) do Cty CP Đầu tư xây dựng và thương mại dịch vụ Bắc Hà làm chủ đầu tư… đều có giá tạm tính ở mức 14,8 - 14,9 triệu đồng/m2. Trong khi dự án NƠXH ở Đặng Xá (Gia Lâm) chỉ gần 9 triệu đồng/m2.

Doanh nghiệp tham gia làm NƠXH được ấn định lãi 10% trong khi được hưởng nhiều ưu đãi như: tiền sử dụng đất, lãi vay... Có lẽ vì thế, không ít những “ông lớn” của hệ thống doanh nghiệp nhà nước như: Viglacera, Handico, Sông Đà... lao vào làm NƠXH như một kênh đầu tư chắc chắn trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng.

Ông Phan Trường Sơn, Chủ tịch Cty CP Đầu tư và Xây dựng HUD3 chia sẻ: “Tôi biết có nhiều doanh nghiệp làm nhà ở hiện nay không có lãi nhưng vẫn duy trì để tạo công ăn việc làm cho công nhân. Trong khi đó, doanh nghiệp làm nhà NƠXH được ấn định lãi.

Hàng làm ra đến đâu hết đến đấy, ngân hàng luôn rộng cửa cho vay ưu đãi. Doanh nghiệp làm NƠXH hiện nay đang quá sướng”. Theo ông Sơn, muốn giảm giá NƠXH xuống, doanh nghiệp phải giảm lãi. “Doanh nghiệp của nhà nước khi làm NƠXH xác định là đóng góp cho an sinh xã hội”, ông Sơn nói.

Đồng quan điểm với ông Sơn, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành phân tích thêm, sở dĩ Bình Dương có chính sách nhà thu nhập thấp tốt hơn Hà Nội và cả nước vì đã có sẵn quỹ đất sạch với diện tích khoảng 200ha, hạ tầng đã được xây dựng cơ bản để làm nhà NƠXH.

“Hiện nay, nhiều NƠXH tại Hà Nội có giá cao do chi phí giải phóng mặt bằng lớn. Nếu như Hà Nội làm tốt việc xây dựng trên quỹ đất 20% sẽ tạo ra quỹ đất sạch cho NƠXH. Đồng thời khối nhà này được hưởng lợi từ hạ tầng xung quanh”, ông Đực nói.

Quy hoạch tốt sẽ không thể là ổ chuột

Ông Đực cho biết thêm, trong Dự thảo Nghị định Phát triển Quản lý Nhà ở Xã hội, Bộ Xây dựng cho phép làm căn hộ 25m2 là hợp lòng dân, mặc dù đã trễ hơn hai năm. Người độc thân, người mới lập gia đình chiếm 25% tổng dân số có chỗ ở đâu?

Họ có quyền đòi hỏi xã hội cung cấp căn hộ nhỏ đáp ứng được nhu cầu và khả năng của mình. Người thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng làm sao mua nổi căn hộ trên 500 triệu đồng? Căn hộ tái định cư, NƠXH hay cho thuê cũng phải có diện tích nhỏ. Chương trình NƠXH, nhà cho thuê thất bại một phần cũng do căn hộ có diện tích lớn.

“Hàng triệu ổ chuột hay rác đô thị đang ở khắp nơi, từ trung tâm thành phố là hàng vạn nhà phố có 20 - 40 người thuê, cho đến ngoại ô là hàng vạn dãy phòng trọ cho thuê dưới 20m2. Nhức nhối này hiện chưa có giải pháp gì để giải quyết. Căn hộ 30 m2 ở Bình Dương và 25 m2 của FPT ở Đà Nẵng là bài học nóng hổi về cách giải quyết nhà ở mà các thành phố lớn nên học tập”, ông Đực nói.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng, căn hộ 25m2 phù hợp quy hoạch kiến trúc, được quản lý tốt, đảm bảo đầy đủ nhu cầu thiết yếu như nhà để xe, công viên, an ninh, phòng cháy chữa cháy thì nhất định không thể là “ổ chuột” trên cao mà là những “tổ chim họa mi” cho những người độc thân.

Đặc biệt, với những gia đình trẻ mới lập gia đình có nơi an cư hạnh phúc lúc khởi nghiệp, sau này khi thành công họ sẽ chuyển đổi căn hộ lớn hơn. “Tôi tin rằng doanh nghiệp và dân cư hoàn toàn có khả năng quản lý không để hình thành những khu ổ chuột như một số người lo ngại” - ông Võ nói.

Liên quan đến quan ngại của lãnh đạo Hà Nội từng có lần bày tỏ nếu làm giá rẻ không khéo sẽ biến thành các khu “ổ chuột”, GS Võ nhìn nhận: Ổ chuột hay không là do mình. Chỉ 10m2 mà biết cách tổ chức không gian sống thì vẫn tốt.

“Tôi hoàn toàn tán thành căn hộ thông minh diện tích nhỏ vì lúc này có rất nhiều người nghèo, nhiều người ít tiền thì căn hộ này phù hợp với khả năng thanh toán, chi trả của họ”, ông Võ nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM phân tích: Mô hình của Bình Dương rất tốt mà các địa phương khác nên học hỏi để nhân rộng, đặc biệt tại các đô thị lớn - nơi người thu nhập thấp, dân nhập cư rất khát khao một mái nhà để an cư.

Mặt khác, về quy hoạch phát triển đô thị phải chấp nhận quy hoạch các khu vực phát triển NƠXH. Đây sẽ như những khu đô thị vệ tinh quy hoạch những căn hộ vừa và nhỏ giá bình dân, hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu, có đầy đủ dịch vụ thương mại, bệnh viện, trường học, ngân hàng, cửa hàng...

Đầu tháng 4, tỉnh Bình Dương khánh thành 5.000 căn NƠXH giá 100 triệu đồng với diện tích 30m2 (trong đó 20m2 sàn, 10m2 gác lửng). Mỗi khu nhà cao 5 tầng, được bố trí 3 cầu thang bộ. Mỗi căn hộ có một khu vệ sinh, một phòng bếp. Hành lang, lối đi chung giữa 2 căn hộ là 1,4m. Công nhân không có tiền “mua thẳng” sẽ trả góp. Tiền trả góp mỗi tháng chỉ hơn 1 triệu đồng - tương đương với tiền thuê nhà trọ nhưng sau 5-7 năm thì nắm được chủ quyền căn hộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tiền Phong ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN