Vì sao bạn làm mãi mà không được tăng lương?

Một khi bạn đã hiểu được lý do tại sao mình không được nâng lương, mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Nó giúp bạn biết mình cần phải làm gì trong giai đoạn tiếp theo để cải thiện tình hình.

Bạn không hề hỏi

Lý do đầu tiên và rõ ràng nhất cho thấy vì sao bạn không được tăng lương đó là bạn không hề yêu cầu. Đối với nhiều nhân viên văn phòng, việc yêu cầu được nâng lương khiến họ cảm thấy không thoải mái; họ sợ bị bác bỏ hoặc sợ sếp của họ sẽ cảm thấy họ là người tham lam. Mặc dù nhiều công ty rất quan tâm đến nhân viên và thưởng cho những đóng góp của nhân viên bất cứ khi nào có thể, họ vẫn đặt vấn đề chi phí và lợi nhuận lên hàng đầu. Nếu bạn không dứt khoát yêu cầu được nâng lương, sếp của bạn sẽ cho rằng bạn đã thỏa mãn với mức lương hiện tại.

Bạn chưa chuẩn bị sẵn sàng

Cũng có thể bạn đã hỏi trực tiếp sếp để được nâng lương, tuy nhiên bạn chưa chuẩn bị đầy đủ thông tin để trình bày lý do bạn yêu cầu như vậy. Nếu bạn chỉ đến trước mặt sếp và nói “Hãy tăng lương cho tôi” nhưng không hề đưa ra được bất cứ lý do gì để cho thấy yêu cầu của mình có lý, lời đề nghị của bạn sẽ bị bác bỏ lập tức.

Bạn chỉ hoàn thành tốt công việc của mình

Có thể bạn luôn có mặt đúng giờ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và ra về đúng giờ. Nhưng như thế chỉ dừng lại ở mức nhân viên bình thường, không phải xuất sắc. Nhân viên bình thường thì lương cũng nằm ở mức bình thường. Những nhân viên xuất sắc là những nhân viên thường đi sớm về khuya nếu cần thiết, hoàn thành không những chỉ nhiệm vụ của mình mà còn hỗ trợ người khác với công việc của họ, bên cạnh đó luôn sáng tạo và đóng góp những ý kiến mới cho tập thể.

Vì sao bạn làm mãi mà không được tăng lương? - 1

 Một khi bạn đã hiểu được lý do tại sao mình không được nâng lương, mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Bạn đưa ra những lý do quá cá nhân

Bạn yêu cầu được nâng lương vì những lý do như phải hỗ trợ gia đình, phải trả tiền thuê nhà… Nhà tuyển dụng sẽ chẳng bao giờ quan tâm đến những lý do như vậy. Họ chỉ trả lương cho bạn đúng với những gì bạn cống hiến cho công ty, không phải đáp ứng với những nhu cầu của bạn.

Bạn không cho người khác thấy được những thành tích của mình

Bạn đã làm việc rất chăm chỉ trong suốt một năm qua, nhưng nếu bạn không cho sếp và đồng nghiệp thấy được những thành tích bạn đạt được, thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi bạn không được tăng lương.

Bạn chỉ dậm chân tại chỗ

Qua một thời gian làm việc, bạn vẫn chỉ như những ngày đầu mới vào công ty. Vẫn những kiến thức đó, vẫn những kĩ năng đó, không có gì đổi mới. Vậy tại sao nhà tuyển dụng phải tăng lương cho một nhân viên chẳng có gì khác biệt so với ban đầu?

Bạn không phải là một thành viên tích cực

Nếu bạn có thói quen hay than phiền hoặc lan truyền những điều tiêu cực trong nội bộ công ty, bạn sẽ không được nhà tuyển dụng xem trọng cho dù bạn có hoàn thành tốt công việc của mình như thế nào đi nữa. Công ty muốn đãi ngộ những nhân viên có thể đóng góp tích cực cho tập thể, làm tập thể tốt hơn chứ không phải xấu đi.

Công việc của bạn không nhất quán

Nếu bạn đang làm việc kém, bạn nên lo về khả năng bị thôi việc chứ chưa nói đến tăng lương. Còn nếu công việc không ổn định, bạn cũng khó chứng minh rằng mình xứng đáng. Nhiều người gặp sai lầm hỏi tăng lương trong những thời điểm không thích hợp, ví dụ có một người họ hàng bị ốm, bạn đời bị mất việc, hoặc bạn đang gặp khó khăn tài chính.

Có thể ông chủ tỏ ra thông cảm, nhưng khó khăn tài chính của bản thân không giúp gia tăng cơ hội lên lương. Thậm chí có một số ông chủ cho rằng chia sẻ thông tin về khó khăn tài chính cá nhân là không chuyên nghiệp. Thay vào đó, bạn cần làm việc chăm chỉ, chứng minh rằng mình đang giúp công ty sinh lãi.

Ông chủ không biết rằng bạn xứng đáng được tăng lương

Dù bạn có thể không muốn phô trương, nhưng cũng nên làm các sếp chú ý đến việc mình đang làm việc chăm chỉ. Đây là một kỹ năng đòi hỏi sự khéo léo. Bạn hoàn thành đầy đủ những công việc mà sếp giao là điều tốt nhưng chưa đủ. Bạn nên thường xuyên đề xuất nhận thêm việc nếu muốn được chú ý. Ví dụ, bạn xin tham gia những dự án quan trọng và cố gắng càng cao càng tốt trong việc để lại dấu ấn trong công việc của mình. Tất nhiên vẫn phải đảm bảo rằng điều này không làm người khác cảm thấy phiền toái.

Nếu không có cơ hội lên tiếng, bạn có thể ghi chép lại những công việc mình làm và chia sẻ nó với ông chủ trong báo cáo cá nhân cuối năm, hoặc trong một cuộc họp nào đó. Còn nếu bạn chỉ gánh việc của những đồng nghiệp khác giúp họ nhưng không có ai chú ý đến việc đó, bạn cũng sẽ không được tăng lương.

Bạn không nâng cấp kỹ năng

Dù bạn đang làm việc chăm chỉ và thường xuyên giúp đỡ đồng nghiệp, điều đó vẫn là chưa đủ nếu kỹ năng của bạn trở nên lỗi thời. Đây có thể thành một vấn đề nếu bạn đã làm ở công ty một thời gian dài. Có thể trước đây bạn ra trường là được tuyển vào công ty luôn và làm từ đó đến nay, nhưng bây giờ thời thế đã khác khi bạn phải cạnh tranh với lớp trẻ, những người có nhiều kỹ năng hơn, học hành cao hơn.

Để giải quyết vấn đề này, bạn nên theo học các lớp kỹ năng có cấp chứng chỉ. Khi tìm kiếm người cho một vị trí cao hơn, các công ty cũng có thể nhìn vào bằng cấp hoặc các kỹ năng mà một cá nhân có. Theo khảo sát của Bộ Lao động Mỹ, người có bằng đại học kiếm được nhiều hơn 77% so với người chỉ có bằng phổ thông.

Bạn có quá nhiều vấn đề

Nếu nhân viên thường xuyên lơ đễnh, ví dụ sếp yêu cầu một báo cáo dài 5 trang nhưng chỉ làm 3 trang, và một tháng lặp lại lỗi này 3 lần, thì các sếp sẽ lưu ý đến sự thiếu tập trung đó.

Nhiều nhân viên không bị phạt khi kém tập trung vào chi tiết, vì các ông chủ thường xem đó chỉ là thiếu sót cá nhân. Tuy nhiên những thiếu sót này chắc chắn sẽ được nghĩ đến khi ông chủ cân nhắc việc tăng hay không tăng lương. Cơ hội của bạn sẽ giảm đi nếu bạn có thái độ không tốt.

Ngoài ra, nếu bạn thường xuyên đến muộn hoặc nghỉ ốm quá nhiều cũng khó được tăng lương. Nhiều người cho rằng chỉ cần họ ở lại đến khi làm xong việc đã là xuất sắc. Nhưng thực tế, các ông chủ sẽ để ý hơn đến việc bạn bắt đầu ngày làm việc muộn, kể cả khi bạn thường xuyên ở lại làm việc muộn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Anh (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN