USD mua bán thoải mái ở "phố vàng" Sài Gòn

Sự kiện: Tiền tệ

Dù hoạt động mua bán USD trên thị trường tự do đã bị cấm nhưng khách hàng có nhu cầu vẫn mua được dễ dàng.

Đổi bao nhiêu cũng có

Ngày 24/10, trong vai người có nhu cầu đổi USD, chúng tôi ghé tiệm vàng H. ở chợ Tân Định (Q.1, TPHCM), chủ tiệm vàng báo giá USD tự do ở mức 23.465- 23.475 đồng/USD (mua vào – bán ra). Nghe chúng tôi muốn đổi 100 USD, nhân viên nhanh chóng thu vào và trả tiền đồng ngay tại quầy. “Vài trăm USD thì mình có thể đổi liền được, nhưng với số tiền lớn hơn thì chị vào trong cho an toàn. Bên em đổi giá cao, uy tín, chị cứ yên tâm” – nhân viên nói. Khi tôi hỏi muốn mua USD, nhân viên gật đầu và cho hay muốn mua bao nhiêu cũng có.

Tại phố vàng bạc Q.5, chúng tôi cũng dễ dàng đổi ngoại tệ cách dễ dàng. Chị Thanh có nhu cầu đổi 2.000 USD, sau khi chịu giá, chủ tiệm nhận USD, đếm nhanh thoăn thoắt. Sau đó, chủ tiệm lấy ra xấp tiền mệnh giá 500.000 đồng kèm thêm ít tiền lẻ giao cho khách. Chưa đầy 5 phút, việc mua bán đã giao dịch xong.

USD mua bán thoải mái ở "phố vàng" Sài Gòn - 1

Đổi ngoại tệ ở nơi không phép coi chừng bị phạt

Một số tiệm vàng có vẻ thận trọng, dè dặt khi có khách yêu cầu đổi USD nhưng không tiệm nào từ chối. Không chỉ đổi USD, khách hàng có nhu cầu mua USD cũng được đáp ứng. Tiệm vàng N. trên đường Lý Tự Trọng (Q.1), nhân viên cho hay: “Mua số lượng nhiều, từ 10.000 USD sẽ được bớt giá, còn mua vài trăm thì 23.475 đồng/USD. Đồng ý thì tối quay lại, em đưa chị vào bên trong cho tiện”. Tại một tiệm vàng khác trên đường Lê Văn Quới (Q.Bình Tân), sau khi báo giá USD cũng khẳng định khách muốn mua bao nhiêu đều có. “Giá ở đây là giá gốc nên chị yên tâm không lo bị hớ, mua nhiều hay ít cũng vậy” - chủ tiệm nói.

Thậm chí, khách hàng có nhu cầu theo dõi giá USD tự do chỉ cần gọi cho tiệm vàng quen biết sẽ được báo giá qua điện thoại. Kể cả những ngoại tệ ít thông dụng như đồng bath của Thái Lan, yên (Nhật Bản), AUD (Úc… cũng có thể mua bán, trao đổi ở bất cứ tiệm vàng nào.

Theo tìm hiểu, so với tỷ giá USD ở các ngân hàng, mức chênh lệnh thu đổi ngoại tệ ở thị trường tự do cao hơn khoảng 10.000 đồng/100 USD. Riêng chênh lệch giữa mua và bán, chủ tiệm vàng lời khoảng 40.000 đồng/100 USD. Vì sao khách hàng không vào ngân hàng để đổi ngoại tệ? Nhiều người cho có ngân hàng thuận lợi, nhưng cũng có ngân hàng gây khó khăn. Tại một ngân hàng thương mại trên đường Kỳ Đồng (Q.3) , khi hỏi đổi USD sang tiền đồng, nhân viên ngân hàng này truy hỏi nguồn gốc, giấy tờ liên quan... một cách nhiêu khê.

Có cung ắt có cầu

Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TPHCM, ngoài hệ thống ngân hàng thương mại, số lượng doanh nghiệp tư nhân được Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho phép thu đổi ngoại tệ rất ít. Trước đây cũng có, nhưng sau này gần như thu hồi hết.

Mạng lưới các NH thương mại chủ yếu nằm ở nội thành, không phủ đủ khắp thành phố, lại làm việc giờ hành chính nên khi người dân có nhu cầu đổi USD rất khó khăn. “Do đó, người dân thường chọn các tiệm vàng để mua bán, trao đổi ngoại tệ vì rất tiện lợi. Mặc dù các tiệm vàng biết việc mua bán USD, vàng miếng là vi phạm pháp luật nhưng ở đâu có cầu thì ở đó có cung” - ông Dưng nhận xét.

USD mua bán thoải mái ở "phố vàng" Sài Gòn - 2

Người dân không biết tiệm vàng nào được phép đổi ngoại tệ, tiệm nào không. Tuy nhiên, do nhu cầu tiện lợi nên người dân thường chọn tiệm vàng để đổi ngoại tệ

Theo TS.LS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, thành viên của Đoàn Luật sư TPHCM, các tổ chức kinh tế (tiệm vàng, khách sạn...) muốn hoạt động đổi ngoại tệ phải đăng ký đại lý đổi ngoại tệ, phải được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ. Trường hợp tổ chức kinh tế không có giấy phép vẫn thu đổi ngoại tệ, thì không chỉ tổ chức này bị xử lý hành chính mà người có nhu cầu đổi ngoại tệ cũng bị xử lý, theo NĐ 96/2014/NĐ-CP.

Cụ thể, đối với tổ chức không có giấy phép đổi ngoại tệ mà thực hiện hành vi đổi ngoại tệ, thì bị xử phạt hành chính từ 500-600 triệu đồng. Đối với cá nhân, tổ chức đổi ngoại tệ tại nơi không có giấy phép có thể bị xử phạt từ 80-100 triệu đồng. Các cá nhân, tổ chức đổi ngoại tệ tại nơi không có phép còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung, là tịch thu số ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam quy đổi.

Đại diện NHNN chi nhánh TPHCM khẳng định, chỉ những ngân hàng và các đại lý của ngân hàng có đăng ký địa chỉ rõ ràng mới được cấp phép thu mua ngoại tệ. NH thì được phép mua vào bán ra. Nhưng với đại lý của NH chỉ được phép mua vào, sau đó bán cho đúng NH mà thôi. Nghĩa là, đại lý không được bán USD ra cho khách hàng cá nhân. “Mặc dù Thanh tra NHNN vẫn thường xuyên đi kiểm tra, nhưng tình trạng mua bán, trao đổi ngoại tệ ở những điểm chưa được cấp phép vẫn xảy ra. Với những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý rất nặng” – vị này cho biết.

Liên quan đến vụ việc người dân đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng ở Cần Thơ, TS.LS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, thành viên của Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng vụ việc này về pháp lý không sai. Tuy nhiên trên thực tế, áp dụng pháp luật thì phải dựa vào những yếu tố khác nữa, chứ không chỉ căn cứ vào những quy định cứng nhắc. Phải căn cứ vào mức độ vi phạm, hành vi vi phạm, tác động của hành vi đó đến thị trường, đến xã hội như thế nào. Từ đó mới đưa ra được khung hình phạt, cách thức xử lý chuẩn. Còn nếu không sẽ mang tính áp dụng cách rập khuôn, không có sự linh hoạt, phải tùy theo từng trường hợp mà áp dụng cho chính xác. “Phải cho người dân biết điểm nào được phép thu đổi ngoại tệ. Người dân sở hữu USD là dân đầu tư hay chuyên nghiệp. Việc xử phạt của lãnh đạo Cần Thơ chỉ hợp pháp chứ không hợp lý, không hợp tình. Mà đã không hợp lý, hợp tình thì sẽ không hợp lòng dân” – LS Bùi Quang Tín cho hay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Uyên Phương ([Tên nguồn])
Tiền tệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN