Tổng giám đốc WTO nói gì với doanh nghiệp Việt Nam ?

Có rất nhiều kỳ vọng đã bị bỏ lỡ trên chuyến tàu WTO của Việt Nam.

“Việc WTO bỏ trợ cấp xuất khẩu sẽ rất tích cực đối với Việt Nam”. Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevêdo  nói trong cuộc đối thoại với các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 15-4.

Duy trì lợi thế quốc gia xuất khẩu

Trả lời thắc mắc của một đại biểu về tỉ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, ông Roberto Azevêdo ví von: “Để duy trì lợi thế của một quốc gia xuất khẩu, Việt Nam phải chủ động đàm phán, tham gia nhiều hiệp định thương mại. Những con ngỗng nào không chạy đi thì sẽ bị bắt.”

Tổng giám đốc WTO cũng cho hay có nhiều dữ liệu thống kê cho thấy Việt Nam và nhiều quốc gia có quá trình tăng trưởng dài hơi hơn, mạnh mẽ hơn, đáng tin cậy hơn khi gia nhập WTO. Việc Việt Nam là thành viên WTO khiến các nhà đầu tư yên tâm hơn.

Hiện nay, theo ông Azevêdo, điều kiện và chi phí gia nhập WTO đã cao hơn rất nhiều, khoảng 30% so với trước đây nhưng những lợi ích do WTO đem lại còn gấp nhiều lần.

“Hiện nay, các hàng rào phi thuế quan như chống phá giá, quy định dán nhãn, kiểm dịch… đã được các quốc gia tăng lên, trong đó có những quy định hợp lý, có quy định chưa hợp lý. Nhưng là thành viên của WTO thì Việt Nam đỡ gặp khó khăn hơn đối với các hàng rào phi thuế quan này” - ông Azevêdo cho hay.

Theo ông Azevêdo, hiện Việt Nam là một trong 35 nước xuất khẩu nhiều trên thế giới và có khả năng ứng phó với khủng hoảng thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo Việt Nam là 10 nền kinh tế tăng trưởng cao trong thời gian tới. “Chúng ta cùng nhìn vào tương lai và coi thương mại là một nhân tố quan trọng để giảm nghèo đói” - tổng giám đốc WTO khuyến nghị.

Tổng giám đốc WTO nói gì với doanh nghiệp Việt Nam ? - 1

Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevêdo (giữa) tại buổi đối thoại. Ảnh: CHÂN LUẬN

Ông Azevêdo cho hay WTO hiện đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt là sau hội nghị tại Nairobi với quyết định quan trọng là dỡ bỏ bao cấp trong nông nghiệp. Ông nhận định: “Điều này sẽ tạo một sân chơi bình đẳng hơn cho cả Việt Nam và các quốc gia khác. Nông dân Việt Nam sẽ được bảo vệ tốt hơn và có lợi nhuận nhiều hơn. Những thỏa thuận về sản phẩm công nghệ thông tin cũng sẽ giúp cho các ngành sản xuất của Việt Nam phát triển, trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng củng cố vị thế trong lĩnh vực điện thoại, máy tính, công nghệ thông tin. Tôi rất muốn Việt Nam tận dụng thành công cơ hội này”.

Nhiều mặt hàng sẽ giảm giá

Trong buổi đối thoại, đại diện các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam đặt nhiều câu hỏi thiết thực. Chẳng hạn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ninh Bình Nguyễn Thị Tự hỏi: Các công ty sản xuất nông nghiệp của Việt Nam có thể tận dụng được lợi thế do WTO mang lại không và cần những điều kiện gì?

Rất thích thú với các câu hỏi này, tổng giám đốc WTO trả lời: Việc WTO bỏ trợ cấp xuất khẩu sẽ rất tích cực đối với Việt Nam. “Nhiều mặt hàng sẽ giảm giá khi bỏ trợ cấp xuất khẩu” - ông Azevedo khẳng định.

Ông Azevêdo cũng bày tỏ lo ngại về những vụ việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) bị thua kiện hoặc bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, ông cho rằng lợi ích từ WTO đối với các doanh nghiệp không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền. Doanh nghiệp phải biết được những quyền của mình và phát huy nó.

“Tôi phải chia sẻ rất thật điều này. Có nhiều quy định sẽ làm mất đi cơ hội kinh doanh của khu vực tư nhân và điều này đã xảy ra ở Brazil do họ không biết được quyền của mình. Khi còn làm việc ở Brazil, tôi được giao thành lập một cơ quan không chỉ là đi kiện các quốc gia khác mà còn truyền thông đào tạo kiến thức cho các viên chức nhà nước. Việc xây dựng kiến thức, năng lực, hiểu được những quy định của WTO là rất cần thiết, quan trọng. Các quốc gia cần phải chú ý điều này” - ông Azevêdo nói.

Ông Azevêdo nhận định Việt Nam đang đi đúng hướng, đang ngày càng trở nên có năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng năng lực cạnh tranh không phải muốn là được, không phải một sớm một chiều.

Lấy ví dụ về ngành dệt may Việt Nam, ông Azevêdo khuyến nghị: “Phải bắt đầu từ những khâu cơ bản nhất, rồi sau đó nâng lên khâu thiết kế, áp dụng công nghệ cao trong dệt may. Việt Nam cũng có thể sản xuất đồ chơi bằng nhựa. Đến một lúc nào đó, mức độ giá trị cao của sản xuất sẽ phải đạt được”.

Lấy một công ty sản xuất máy bay của quê hương mình là Brazil làm ví dụ, tổng giám đốc WTO kể hiện nay Brazil có công ty sản xuất máy bay đứng thứ ba thế giới. Tuy vậy, công ty vẫn phải nhập khẩu các thành phần cấu tạo nên máy bay từ các nước khác và chỉ đảm nhận những phân khúc cao như thiết kế, viết phần mềm điều hành.

“Những người làm trong công ty này đều là những kỹ sư có trình độ, nhiều người là thạc sĩ, tiến sĩ. Chỉ một số ít công nhân làm công đoạn lắp ráp. Để đạt được điều này, cần phải có những cam kết và đầu tư bài bản, không phải ngày một ngày hai mà đạt được. Có lẽ Việt Nam nên phát triển dần dần và cần nhiều sự kiên nhẫn, nhất quán trong một thời gian dài” - ông Azevêdo khuyến nghị.

WTO sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ

TS Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi, gia cầm Việt Nam, hỏi: “Ông có lời khuyên gì cho Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam hội nhập tốt hơn, đừng lỡ chuyến tàu như đã từng xảy ra?”. Tổng giám đốc WTO cho rằng khi thấy cơ hội thì phải nắm bắt ngay. Nếu chúng ta không muốn bị chậm trong quá trình hội nhập thì phải đàm phán, gia nhập các hiệp định cũng như chuỗi giá trị sản xuất của thế giới.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), ông Azevêdo cho rằng SME có nguồn vốn và năng lực hạn chế, bởi vậy nếu muốn cạnh tranh, chỉ có thể cạnh tranh về mặt giá cả. Việc hỗ trợ các SME, theo ông Azevêdo, đang gặp những thách thức như tệ quan liêu, chi phí về hậu cần, tài trợ và nguồn vốn. “Thương mại quốc tế đòi hỏi phải giải quyết được những vấn đề này, trong khi các SME khó có điều kiện tiếp cận. WTO sẽ hỗ trợ các SME” - tổng giám đốc WTO cam kết.

Nhiều kỳ vọng đã bị bỏ lỡ

WTO đã làm thay đổi diện mạo khung khổ pháp luật, thể chế chính sách về kinh tế thương mại đầu tư cũng như phương thức quản lý kinh tế của Việt Nam. Gia nhập WTO là động lực để Việt Nam chuyển dần từ phương thức quản lý nhà nước can thiệp hành chính sang phương thức quản lý nhà nước kiến tạo - tôn trọng quyền tự do kinh doanh, theo quy luật thị trường. Kết quả là pháp luật kinh doanh ở Việt Nam đã có một diện mạo mới cùng với những thay đổi về chất nhờ WTO.

Mặc dù vậy, cũng có rất nhiều kỳ vọng đã bị bỏ lỡ trên chuyến tàu WTO của Việt Nam.

Ông VŨ TIẾN LỐC, Chủ tịch VCCI

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Chân Luận (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN